Người Nhật và Đà Lạt trong áng phù vân

Những thanh niên Nhật tại Đà Lạt đã bị Đà Lạt quyến rũ, nhưng sâu xa hơn, họ bị chính nỗi u hoài, buồn bã của một vùng đất biến họ thành những kẻ suy tư, ưu sầu.

Sự hiện diện của Nhật Bản trên bàn cờ Đông Dương từ tháng 6 năm 1940 đến tháng 3 năm 1945. Đó chỉ là một chớp mắt bạo phát bạo tàn của chủ nghĩa quân phiệt, nếu nhìn ở góc độ lịch sử chính trị.

Từ phía Việt Nam, sự hiện diện trên không kịp để lại dấu ấn đặc biệt nào (ngoại trừ những bài học đóng khung trong sách giáo khoa môn sử mô tả sự khốn cùng của nạn đói tiêu diệt hơn 1 triệu người do việc tích trữ lúa gạo của quân đội Nhật, một chính sách bảo hộ ngắn hạn, những cuộc nổi dậy phá kho thóc...). Nhưng nếu từ một góc khác với điểm nhìn hậu chiến Đông Dương, lại có thể thấy những vết thương chiến tranh từ cuộc chiến này để lại trong lòng người Nhật vô cùng lớn lao. Khi đọc văn chương của Hayashi Fumiko, ta thấy bóng ma cuộc chiến đó không thể siêu thoát. Nó quanh quẩn trong những tàn tích ngổn ngang của tâm hồn con người. Có thể nói, những đám khói hình nấm trong tinh thần mới là những sang chấn đáng sợ hơn trên thực địa.

Trong sự đổ nát bệ rạc đó, như một cơ duyên lạ lùng, chúng ta tìm được một Đà Lạt u uẩn mà tươi đẹp như giấc mộng thoáng qua mà Hayashi Fumiko đã chưng cất, mang về cho nước Nhật.

Cần định vị lại một số dấu mốc làm nên bối cảnh đặc biệt này: vào tháng 6 năm 1940, Đức quốc xã tạm chiếm Paris, ba tháng sau đó, Nhật chính thức hiện diện ở Đông Dương. 25.000 quân Nhật đồn trú tại miền Bắc Việt Nam, làm hậu phương cho các chiến dịch triển khai tại Trung Quốc. Trước cuộc cờ đến hồi suy thế của chính quyền thuộc địa Pháp, tháng 7.1941, quân đội Nhật đẩy ảnh hưởng sâu về phía Nam Đông Dương để rồi 5 tháng sau đó, họ chính thức thiết lập chế độ phòng vệ và chi phối vũ đài chính trị khu vực này. Nam Đông Dương, tính cả miền Trung phần Việt Nam sẽ là bàn đạp để Nhật Bản chinh phục toàn bộ Đông Nam Á.

Cuộc thương lượng và bàn giao quyền lực trong khoảng tranh tối tranh sáng này diễn ra không nhiều rúng động. Đúng ra đó là những cái bắt tay trong bóng tối của hai cường quốc, mà luật chơi lẫn bàn cờ không nằm ở Đông Dương.

Tác giả Hayashi Fumiko, ảnh chụp năm 1936. Ảnh tư liệu

Tác giả Hayashi Fumiko, ảnh chụp năm 1936. Ảnh tư liệu

Tại Đà Lạt, thành phố mang dấu ấn và tham vọng của người Pháp, Toàn quyền Jean Decoux không ngừng xây dựng các chính sách xây dựng đô thị, tiêu biểu là dự án cư xá mang tên ông (Cité-jardin Decoux) với thiết kế kiểu mẫu theo đuổi ý tưởng biến thành phố này trở thành một nơi chốn gắn kết thành phần Pháp kiều trẻ và bản thân ông cũng thường xuyên hiện diện tại đây. Jean Decoux - một chính trị gia trung thành với chính phủ Vichy - cho thấy mong muốn đưa trạm an dưỡng này vừa thành một thủ phủ chính trị để kết nối nhất quán với mẫu quốc trong một bối cảnh chuyển biến không thuận lợi - Vichy ở mẫu quốc cũng đang suy yếu.

Người Nhật đi vào Đà Lạt là kết quả của một cuộc thương thảo “đồng lõa”. Eric T. Jennings phân tích: “Decoux chấp nhận một kiểu hợp tác với đế quốc Nhật, có vẻ như đã tới lúc xem xét những lối thoát mới - hoặc cũng khá cũ - như các dưỡng đường, thành phố cao nguyên và suối khoáng ở Nhật”. Vẫn Jennings, đưa ra hai vế cho mối quan hệ Pháp - Nhật tại Đà Lạt, cũng là biểu trưng cho quan hệ của phát xít Nhật với chính phủ Vichy.

Từ một quân y viện Nhật Bản được xây dựng ở ngoại ô Đà Lạt trong năm 1942 được sự bảo trợ của Pháp, Jennings viết: “Chi tiết này gợi ra hai ghi nhận. Thứ nhất, quân Nhật có cùng tầm nhìn khí hậu như người Pháp, xem Đà Lạt như một trung tâm nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe lý tưởng cho binh lính mệt mỏi và bị bệnh tật. Thứ hai, là về bản chất của mối quan hệ giữa chính phủ Vichy và Nhật. Tuy một số sử gia không xem sự có mặt của Nhật tại Đông Dương là ‘sự chiếm đóng’ và nhiều người khác xem những quan hệ giữa Decoux với Nhật chưa hẳn là hoàn toàn ‘cộng tác’, nhưng ở đây chắc chắn có một mức độ đồng lõa cao” (*).

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản thất trận cũng đặt dấu chấm hết cho chiến tranh Đông Dương. Màn kịch mờ ám, đáng quên của chính trị và quân sự khép lại. Các nhân vật của Hayashi Fumiko, những người đã đến Đông Dương nói riêng, Đà Lạt nói riêng trong sự thu xếp của bàn tay vạn năng của lịch sử đã cúi đầu trở về quê hương trong tâm thế một thế hệ rách nát, chằng chịt vết thương tinh thần.

Không nhiều ghi chép về 5 năm người Nhật có mặt trong thành phố mà trước đó, người Pháp nâng niu và chăm chút. Trong khoảng mù sương ngắn ngủi của lịch sử, các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi trong tiểu thuyết Hayashi Fumiko đi vào Đà Lạt. Là Yukiko Koda, cô nữ sinh vừa ra trường, học nghề đánh máy để lên đường đến Đông Dương, mong thoát khỏi cuộc tình vụng trộm với Iba Sugio - một người đàn ông đã có gia đình (trong mối quan hệ mờ ám này, Iba - ân nhân cho cô trú tạm nhà mình tại Tokyo là kẻ cưỡng đoạt, sử dụng cô như một trò khuây khỏa).

Là Kano, chàng thanh niên Nhật có trái tim thuần khiết, muốn khám phá và xây dựng sự nghiệp một kỹ sư nông lâm ở Đà Lạt. Là Tomioka Kanichi, một kỹ sư nông lâm để lại gia đình ở Nhật sang An Nam - kẻ luôn nương theo đời sống phóng túng và biết cách xoay xở, ứng biến một cách tinh quái trước những khó khăn do chính mình tạo ra... Họ theo chân quân đội Nhật đến Đông Dương, rồi được bổ nhiệm lên Đà Lạt tiếp nhận nhiệm sở của Cục Lâm nghiệp.

Cư xá Cité Jardin Decoux năm 1942. Ảnh tư liệu

Cư xá Cité Jardin Decoux năm 1942. Ảnh tư liệu

Trong cảnh sắc được Hayashi Fumiko mô tả như chốn thiên đường, cái cách mà tình yêu nảy sinh giữa Yukiko - cô nhân viên đánh máy cho trạm thử nghiệm nông nghiệp cây canh-ki-na của Viện Pasteur và Tomioka - chàng kỹ sư nông lâm xa nhà - xảy ra như là một định mệnh. Định mệnh đó khiến Yukiko vượt qua cả tính đa tình của Tomioka khi phát hiện anh đã qua lại với Nụ - cô gái giúp việc người An Nam và bỏ qua tình yêu thuần khiết mà Kano dành cho mình.

Tình yêu giữa họ dữ dội và quyết liệt, được cộng hưởng trong sự choáng ngợp của một cảnh vực có màu sắc thoát ly. Những đêm tĩnh lặng. Những trận mưa dài ngày. Núi đồi đại ngàn như một kho tàng sống động. Thành phố như một hình mẫu xa xỉ để tận hưởng chứ không khắc nghiệt đơn điệu như khung cảnh, văn hóa trên quê nhà.

Những thanh niên Nhật tại Đà Lạt đã bị Đà Lạt quyến rũ, nhưng sâu xa hơn, họ bị chính nỗi u hoài, buồn bã của một vùng đất biến họ thành những kẻ suy tư, ưu sầu: “Không phải những người như Tomioka chẳng qua chỉ là những kẻ lạ bất chợt kéo đến và cướp phá báu vật vốn được nuôi dưỡng trong nhiều năm của con người nơi đây hay sao? Rốt cuộc người Nhật sẽ xử lý thế nào với núi rừng hùng vĩ nhường này?”. Và không khỏi có những lúc, căn bệnh u uất của khí trời đã nhiễm sâu vào tâm hồn họ, khiến họ tự vấn: “Cả anh (Tomioka) và Kano đều yêu thứ không phải tình yêu. Hai người đã đánh mất tinh thần phấn chấn khi còn ở quê nhà. Họ giống như những cây tuyết tùng Nhật Bản được di thực sang cao nguyên Đà Lạt và đang bắt đầu héo tàn”.

Tình yêu trong hoàn cảnh đó, vừa là đường hầm nối sang một cõi thiên đường mang sắc thái hiện sinh để đào thoát khỏi các tự vấn bào mòn tâm trí, lại vừa như một sự “thách đố thương đau” vốn là tinh chất của những tâm hồn trẻ trung rạo rực. Tình yêu trở thành phương thuốc nội trị tổn thương quá khứ, đặc biệt, đối với Yukiko. Khung cảnh thơ mộng đã là sự xoa dịu ngay từ ấn tượng đầu tiên: “Cao nguyên được bao phủ trong làn sương mờ chiều tối, đôi khi chiếc xe tải lướt qua những cây đào phai hoa rủ và những tòa nhà kiểu biệt thự sang trọng lấp ló trong khu rừng phía trên cao. Một vài biệt thự có hoa mẫu đơn mọc um tùm, trong khi những biệt thự khác trồng mimosa xung quanh sân quần vợt. Những cây mimosa trổ bông vàng óng, tỏa hương thoang thoảng khi xe vụt qua, đưa Yukiko vào tâm trạng mơ màng”.

Với Yukiko, thiên nhiên và mối tình sâu đậm tại Đà Lạt đã mở ra một viễn cảnh thiên đường. Nhưng thiên đường đó chóng vánh tựa đám mây trôi (đúng theo tên cuốn sách: 浮雲, Phù vân).

Bằng cấu trúc đồng hiện không gian, Hayashi Fumiko đặt thiên đường ký ức đầy nuối tiếc vào thực tại sụp đổ và túng quẩn mà đôi tình nhân Yukiko và Tomioka trải qua trên nước Nhật hậu chiến. Họ cựa quậy trong sự ê chề của một nước Nhật gục ngã, lây lất và trôi nổi, thiếu thốn và suy nhược, tâm hồn chồng chất những nỗi bi phẫn về chiến tranh. Tomioka không còn là chàng trai phong lưu, tự tại như khi còn ở Đà Lạt nữa, mà bạc nhược. Sự đào hoa của anh bây giờ trở thành thói lăng nhăng. Những màn ứng biến giỏi trở thành chiêu trò lừa dối. Kano qua đời vì bệnh tật và túng thiếu. Yukiko cố gắng níu kéo cuộc tình với Tomioka trong tuyệt vọng, chỉ với một cách duy nhất là đánh thức ký ức.

Cao trào của cuộc đánh thức ký ức là họ đã vét hết những đồng bạc còn lại để đến Ikaho tận hưởng những ngày bên nhau rồi định sẽ cùng nhau tìm đến cái chết. Khung cảnh những ngày đầu năm mưa tầm tã, đất trời có nét sầu muộn của những tháng mưa dầm ở Đà Lạt khiến Yukiko nhìn đâu cũng thấy ký ức. Nhưng cũng tại đây, cô lại đau đớn nhận ra Tomioka lại vụng trộm lăng nhăng với cô vợ của ông chủ quán rượu.

Nữ văn sĩ Nhật Bản Hayashi Fumiko (1903 - 1951). Ảnh tư liệu

Nữ văn sĩ Nhật Bản Hayashi Fumiko (1903 - 1951). Ảnh tư liệu

Ngày hôm qua, Yukiko dần nhận ra “không thể gọi chúng quay trở lại được nữa”. Dẫu vậy, như một chứng nghiện-u-hoài mà vùng đất đã xâm nhập vào trong tâm hồn mình, Đà Lạt vẫn trôi về trong tâm trí cô: “Cũng tại đây, người Pháp sống ung dung, hời hợt, người An Nam mỗi khi trời tối lại gọi nhau ‘Bonsoir’ trên những con dốc. những tiếng ‘Bonsoir’ cứ văng vẳng mãi bên tai Yukiko, cũng bởi con người và thiên nhiên không thể tách rời nhau. Nhà thờ, mặt nước hồ, hoa anh đào higan đẹp nao lòng, tiếng ống tre nổ tí tách... tất cả những mùi vị nồng nàn của vùng đất cao nguyên, những cảnh quan ở Đông Dương cứ dào dạt hiện về khiến nàng ngập tràn nỗi nhớ, nước mắt lăn dài trên má.

Nàng nhớ về Đà Lạt. Nàng nghẹt thở với cuộc sống hiện tại” (...) “Tiếng người nói, âm nhạc, màu sắc và hương vị từ những biệt thự của người Pháp trên cao nguyên Lang Bian như một thứ hương hoa cao cấp, len lỏi vào ngõ ngách trái tim nàng. Đó không phải là chốn nghèo nàn như bài ca quả táo hay buồn tẻ như bản nhạc blues ngày mưa. Yukiko cảm nhận được sức mạnh sâu sắc của một dân tộc ngồi yên giữa dòng chảy lịch sử...”.

Tân thế giới, bản giao hưởng của Antonín Leopold Dvořák cất lên từ máy hát vào cuối truyện không đưa họ đến một “thế giới mới” nào cả. Âm hưởng của nó đưa Yukiko đắm mình vào một hồi tưởng về một thiên đường của tình yêu đã mất - Đà Lạt. Và bây giờ, dù đã muộn, vùng ký ức, sự giao cảm trong Tomioka cũng thức dậy: “Trong tai anh lùng bùng toàn tiếng mưa. Đêm nay như đưa anh về quá khứ, về với những năm tháng khi còn ở trên cao nguyên Lang Bian. Giữa Tomioka và Yukiko như có một sự kết nối kỳ lạ”.

Sự kết nối trong khoảng lặng của những hồi tưởng sau tất cả những đổ nát và giày vò.

Những ký ức đẹp về Đà Lạt được Fumiko đưa vào cuốn tiểu thuyết này cũng trong tình thế như ký ức tình yêu trở lại với Yukiko. Nữ văn sĩ đến Đông Dương trong thời gian quân đội Nhật từng bước tiến sâu về phía Nam. Trong nhiệm vụ một ký giả, Fumiko đặt chân đến Java, Borneo, Vũ Hán, nhưng Đà Lạt, bằng một cách nào đó như từng với nhiều người, đã ở lại trong tâm trí bà cho đến cuối đời. Bằng văn chương của mình, bà đã thêm vào cuốn album Đà Lạt những bức ảnh khoảnh khắc riêng tư và quý giá mà các sử gia thường lặng lẽ lướt qua.

Cuốn tiểu thuyết Phù vân ấn hành năm 1951.

Cũng trong năm đó, nữ văn sĩ Nhật Bản rời đi trong áng phù vân đời mình.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

__________________

(*) Eric T. Jennings. Đỉnh cao đế quốc. Bùi Thanh Châu, Phạm Viêm Phương dịch. Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2022. Trang 349
THAM KHẢO:
Phù vân, Hayashi Fumiko, do Nguyễn Hải Hà dịch, Phúc Minh & NXB Văn Học, 2023
Phố tuyết, Hayashi Fumiko, do Lam Anh dịch, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2022.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-nhat-va-da-lat-trong-ang-phu-van-43956.html