Thưa vắng phóng sự điều tra

Phóng sự, phóng sự điều tra trên các tờ báo in từng là mảnh đất thu hút độc giả, tạo nên tên tuổi của nhiều cây bút; góp phần quan trọng khẳng định vị thế, uy tín, của nhiều tờ báo. Song, những năm gần đây, thể loại này dần thưa vắng, làm giảm đi tính chiến đấu, tính tiên phong của báo chí trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Độc giả vẫn chờ đọc các phóng sự, phóng sự điều tra trên báo giấy. Ảnh: Lê Minh.

Độc giả vẫn chờ đọc các phóng sự, phóng sự điều tra trên báo giấy. Ảnh: Lê Minh.

Những kỷ niệm khó quên

Cách đây tròn 23 năm, lần đầu tiên, tên tôi (người viết bài này) được ký trong bài phóng sự “Tròng trành sóng nước sông Chu” trên tờ báo mà mình cộng tác. Tôi đã đọc đi, đọc lại tác phẩm không biết bao nhiêu lần, lâng lâng cảm xúc. Rồi biết bao nhiêu phóng sự đã ra đời, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là những phóng sự điều tra phức tạp, chứa đựng nhiều hiểm họa.

“Hiện nay, phóng viên trẻ cũng rất nhiều người giỏi. Nhưng cần có động lực làm báo vững vàng, đúng đắn. Vì thế, chắc tôi chả dám khuyên ai điều gì. Nhưng tôi muốn chia sẻ một câu mà tôi rất tâm đắc: “Là nhà báo thì hãy viết đi!, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nói.

Còn nhớ, một lần nhận được thông tin ở huyện Thường Xuân xảy ra hiện tượng chặt phá gỗ pơ mu trong rừng già giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa. Tôi đã suy nghĩ, tính toán một cách kỹ lưỡng trước khi khoác ba lô lên đường. Trong vai của một người đi tìm phong lan, tôi may mắn lọt qua những đôi mắt đầy dò xét của đám thợ sơn tràng để ngược rừng.

Sau gần một ngày lội bộ, chúng tôi tới được điểm có bạt ngàn gỗ pơ mu. Ở nơi đó, đám thợ sơn tràng dùng cưa máy, đốn hạ những cây gỗ lớn tới hai người ôm mới hết. Tôi đã nhập vai hoàn hảo, loạt phóng sự ra đời, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa ngay lập tức vào cuộc xử lý thông tin báo chí phản ánh.

Lại nhớ, một lần khác, khi ngược lên vùng Quan Hóa, viết bài ghi chép “Lạnh lẽo hang Co Phường”, nói về câu chuyện của những dân công hỏa tuyến hy sinh tại đây trong kháng chiến chống Pháp nhưng chưa được quan tâm đầu tư nơi tưởng niệm. Tôi không thể ngờ được, tờ báo đến tay bạn đọc khi sáng sớm, thì ngay trong ngày, Văn phòng Chính phủ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, có công văn yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra thông tin báo nêu. Kết quả, sau đó ít tháng một công trình tưởng niệm những liệt sĩ ngã xuống ở nơi này được xây dựng, đưa vào hoạt động cho tới ngày nay.

Trò chuyện với nhà báo Nguyễn Chung, một cây bút còn đam mê với thể loại phóng sự, anh nhớ lại rằng: Gần 20 năm trước, khi công nghệ thông tin còn lạc hậu và chưa bùng nổ như bây giờ. Thường thì phóng viên mỗi khi đi thực tế lấy tư liệu, viết bài xong phải đưa ra tiệm thuê người đánh máy rồi đem tới bưu điện nhờ fax về cơ quan. Vì điều kiện khó khăn nên mỗi bài báo được viết ra đều rất nghiêm túc và mang những giá trị vô cùng lớn lao. Cũng chính vì nhẽ ấy mà thể loại phóng sự luôn có một sức hút kỳ lạ với những phóng viên trẻ.

Nhà báo Lâm Chí Công cho rằng, Tổng biên tập của các tờ báo phải thấy rõ những hạn chế, khi để cho thể loại phóng sự điều tra trên tờ báo ngày càng yếu đi hoặc vắng bóng. “Tôi đề xuất, cơ quan chủ quản của các tờ báo cần giao KPI về thể loại phóng sự điều tra cho các Tổng biên tập. Tôi nghĩ, cần khẩn trương thực hiện giải pháp đó”, nhà báo Lâm Chí Công bày tỏ.

“Theo góc nhìn của tôi lúc ấy, phóng sự là một miền “đất thiêng” của báo chí mà phóng viên trẻ khó có thể đặt chân đến. Lần đầu tiên cầm trên tay số báo Đại Đoàn Kết cuối tuần, có bài phóng sự của mình được in hoành tráng, trang trọng trên cả một trang, tôi đã hồi hộp, đọc lại từng chữ một. Tôi đã bắt đầu với những bài phóng sự, ghi chép của mình như thế. Với tôi, thể loại phóng sự hay ghi chép đều là mảnh đất màu mỡ để người viết thỏa sức tìm tòi, sáng tạo và “vẽ” nên bức tranh muôn màu của cuộc sống”- Nguyễn Chung chia sẻ.

Ít người đam mê

Những năm gần đây, thể loại phóng sự, phóng sự điều tra từng tạo nên nhiều tên tuổi lớn trong làng báo mà tôi từng biết dần thưa vắng trên mặt báo. Không ít tờ báo từng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc đối với thể loại báo chí này, ngày nay cũng không còn duy trì được trang phóng sự. Phải chăng, các nhà báo, nhất là các phóng viên trẻ đang ngại dấn thân, khiến cho mảnh đất màu mỡ này dần trở nên “bạc màu”?

Nhà báo Lâm Chí Công - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, người từng đoạt trọn bộ sưu tập Giải Báo chí Quốc gia với thể loại phóng sự điều tra, băn khoăn quanh câu hỏi đặt ra trong thời gian gần đây, tại sao ngày càng ít đi những tác phẩm báo chí điều tra có sức mạnh công phá, làm rung chuyển thành trì tiêu cực, tham nhũng? Câu hỏi đó thoạt nghe có thể dễ gây tổn thương nhưng không thể không thừa nhận.

Song, theo nhà báo Lâm Chí Công, nếu nói rằng, nguyên nhân là do những người làm báo ngại dấn thân thì chưa đúng. Những phóng viên, nhất là phóng viên trẻ vẫn luôn tràn đầy năng lượng, khao khát và mong muốn có những bài báo điều tra để phanh phui, vạch trần cái xấu, cái ác; và có cả sự “nôn nóng” muốn khẳng định tên tuổi, nghề nghiệp của mình ở lĩnh vực báo chí điều tra.

Nhà báo Lâm Chí Công cho rằng: “Ngọn lửa” của phóng viên, phóng viên trẻ nhiều lúc, nhiều nơi chưa được cổ vũ, ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất cho lĩnh vực điều tra. Có không ít “rào cản” làm nguội lạnh ngọn lửa điều tra trong phóng viên như các thủ tục hành chính, giấy tờ. Vì một bộ phận nhà báo sa sút phẩm chất đạo đức quấy nhiễu, tiêu cực cũng là tác nhân làm nản lòng những phóng viên trẻ làm nghề điều tra đúng pháp luật, tôn trọng các giá trị đạo đức. Từ đó, nếu chúng ta không tập trung, tạo điều kiện, để lực lượng phóng viên trẻ lao vào các điểm nóng thực hiện phóng sự điều tra thì đó là một sự lãng phí nguồn nhân lực rất lớn.

Trong khi đó, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - người từng nổi tiếng trong làng báo với thể loại phóng sự, nhận định: Sau công cuộc đổi mới năm 1986, đất nước có nhiều thay đổi, tinh thần đổi mới, nói thẳng, nói thật đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho thể loại báo chí điều tra. Khí chất người làm báo lúc đó còn rất năng động, trong sáng và trung thực, dù nghèo nhưng giữ được bản chất “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, ít bị cám dỗ và bị mua chuộc bởi các thế lực và đồng tiền. Bạn đọc cũng sống trong không khí ấy, sáng nào cũng đón chờ những loạt "đại bác" điều tra "nã pháo" vào các vấn đề tiêu cực, vì thế, thể loại điều tra phát triển và rất thành công.

Còn hiện nay, tình hình đã khác, trừ bạn đọc vẫn háo hức và ủng hộ, cổ vũ báo chí điều tra, nhưng vấn đề “thiên thời địa lợi nhân hòa” trong lĩnh vực báo chí cũng có hơi khác trước. Nói riêng về đội ngũ cầm bút, đâu dễ viết điều tra khi “lực bất tòng tâm”, phải chạy theo doanh thu, theo chỉ tiêu của tòa soạn, phải chọn một cách làm báo an toàn và đỡ bị kiện cáo mệt người. Rồi đủ thứ liên quan đến tài chính, nhuận bút, thời gian, các thể loại tác động, áp lực… Đó là chưa kể đến điều quan trọng nhất, cái tâm, khí chất, bản lĩnh, trình độ, kỹ năng của phóng viên. Không có nhiều phóng viên ngay từ đầu đã có các yếu tố nghề nghiệp này. Nên số báo, số bài, số người viết điều tra ngày một ít đi là điều dễ hiểu.

“Làm báo phải đam mê, phải yêu nghề, viết phóng sự và điều tra thì phải dấn thân… Nghề báo không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là một nghề để tự khẳng định và cống hiến. Làm nghề này mà không coi trọng chữ nghĩa là tự hại mình lúc nào không biết chứ chưa nói gì đến việc gặt hái thành công”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đúc rút.

ANH TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thua-vang-phong-su-dieu-tra-10283903.html