'Khu lăng mộ 3.000 lượng vàng' có gì?

Công trình được xây dựng bằng đá cẩm thạch, đá ong với nhiều nét kiến trúc độc đáo, được nhiều người đồn trị giá 3.000 lượng vàng.

Kiến trúc độc đáo

Khu mộ Hội đồng Suông nằm ở khu phố 2, phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Từ đường Nguyễn Trung Trực, đi vào một con hẻm chừng 100m là tới khu mộ.

Khu lăng mộ song thân của ông Hội đồng Suông.

Khu lăng mộ song thân của ông Hội đồng Suông.

Di tích tọa lạc trên một đồi đất cao khoảng 5m bao gồm khu công viên bao quanh khoảng 2.000m2, khu lăng mộ khoảng 1.000m2. Khu chính với các hạng mục như khu nhà thờ, long đình, khu mộ táng và hai hòn non bộ khổng lồ. Tất cả được xây dựng kỳ công, đồ sộ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (62 tuổi) - cháu đời thứ ba của Hội đồng Suông, người chăm lo hương khói khu lăng mộ kể lại, nhiều năm trước có một đoàn khách gồm chuyên gia khảo cổ, kiến trúc sư, kỹ sư… ở Hà Nội tìm đến tham quan. Sau khi khảo sát, họ cho rằng giá trị khu lăng mộ lên đến 3.000 lượng vàng.

"Từ đó, chuyện "lăng mộ 3.000 lượng vàng" được lan truyền, chứ thực hư thế nào chính tôi cũng không rõ", ông Hùng nói.

Theo quan sát, trải qua thời gian dài nhưng khu mộ của Hội đồng Suông vẫn còn giữ nét đẹp cổ kính, khang trang. Khu lăng mộ có kiến trúc độc đáo, mô phỏng "thiên đình, địa cung, thủy cung".

Chính điện thờ tự ông bà tổ.

Chính điện thờ tự ông bà tổ.

Lối vào mộ chính có cổng rào với hai cột vuông cao 1,8m làm bằng đá. Bước vào trong, có hai ngôi mộ và tường thành bao quanh, đều được làm bằng đá cẩm thạch, màu trắng, nâu, hồng nhạt, ghép lại với nhau bằng kết dính rất chắc chắn và được chạm trổ rất tinh xảo.

Nhà thờ có lối kiến trúc của người Hoa. Mái nhà chính điện được uốn cong ở bốn góc, trang trí bằng các mảnh sành nhiều màu. Tường trang trí nhiều bức họa khảm sành sứ miêu tả phong cảnh thiên nhiên và các tích truyện Trung Hoa.

Khu lăng mộ có tường bao quanh với những bức phù điêu bằng cẩm thạch màu trắng. Độc đáo nhất là những con lân, phật thủ, lá cúc bằng đá cẩm thạch trang trí trên các cột đá, được trạm trổ vô cùng tinh xảo.

Hai bên mộ là hai hòn non bộ khổng lồ làm bằng đá ong, mỗi hòn cao khoảng 7m, có hang động, những ngách nhỏ đi qua không phải khom người, bên hông có đường lên núi, gọi là Đông sơn mộ và Tây sơn mộ.

Trong nhà thờ chính bao gồm 9 gian thờ tự tổ tiên 9 đời. Bên trái ba gian là phòng điều trị y học cổ truyền cho người dân trong làng, bên phải ba gian có nhiều bức họa bàn ghế sách vở thơ văn, gọi là thư viện để mọi người đến đây học tập, đọc sách...

Xây dựng kỳ công

Bà Nguyễn Kim Thu, cháu ngoại ông Thiềm Sơn (ông Thiềm Sơn sinh năm 1890, mất 1968, gọi ông Hội đồng Suông là cậu ruột) kể, ông Hội đồng Suông (tức Hà Mỹ Suông) là người Việt gốc Hoa, quê quán ở Phúc Kiến (Trung Quốc), sinh sống ở Kiên Giang vào thế kỷ XX.

Hòn non bộ Đông sơn và Tây sơn.

Hòn non bộ Đông sơn và Tây sơn.

Ông là một đại điền chủ có tới 24.000 công ruộng, vườn (mỗi công bằng 1.000m2) chạy dài dọc bốn tỉnh Kiên Giang Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Chức danh Hội đồng của ông được mua bằng tiền.

Khu mộ được ông Hội đồng Suông xây dựng từ năm 1936 để thờ tự tổ tiên, với khoảng 100 công nhân và thợ điêu khắc thi công. Tuy nhiên, sau khi khởi công gần hai năm, ông Hội đồng Suông qua đời.

Ông Thiềm Sơn xem ông Hội đồng Suông như cha, đã đứng ra tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn thành vào năm 1938.

Theo lời kể của bà Thu, lúc còn sống ông Suông đã thuê khoảng 60 người gánh đất trong 6 tháng đắp thành quả đồi nhỏ cao 5m so với mặt ruộng đã xây lăng mộ. Đồng thời, mời hai nhóm thợ, một nhóm người Trung Quốc, một nhóm người Việt ở miền Bắc đến xây dựng.

Xuống cấp theo thời gian

Ông Lâm Nghĩa Sĩ, nguyên Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang cho biết, từ nhỏ ông đã ở gần khu mộ. "Theo các tư liệu, vợ chồng ông Hội đồng Suông rất giàu có nhưng không có con. Cuối đời, ông dồn tiền của để xây dựng lăng mộ này, sau đó giao cho người cháu hương khói".

Ông Hùng - cháu đời thứ ba của Hội đồng Suông, người chăm lo hương khói cho lăng mộ.

Ông Hùng - cháu đời thứ ba của Hội đồng Suông, người chăm lo hương khói cho lăng mộ.

Theo ông Sĩ, so với lăng tẩm ở Huế thì khu mộ Hội đồng Suông quy mô không lớn lắm. Tuy nhiên, có thể khẳng định sự phong phú, đa dạng của kiến trúc nghệ thuật của di tích này là rất hiếm ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Khánh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, dù đã được công nhận di tích nghệ thuật cấp tỉnh từ lâu, song hiện khu mộ đang bị hư hỏng, xuống cấp theo thời gian.

"Các ngành chuyên môn, quản lý văn hóa của tỉnh đã đề ra các phương án bảo vệ. Trong khi chờ đợi, cần trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi để chủ nhân tiếp tục chăm sóc bảo vệ khu mộ này. Về lâu dài, địa phương nên cấp kinh phí để tu sửa", ông Khánh nói.

Khu vực hầm được Cách mạng trưng dụng phục vụ cho hội họp trong kháng chiến trước 1975.

Khu mộ Hội đồng Suông được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1998. Dưới nền khu nhà chính là một hầm có cửa ở hướng Tây, vách tường bằng đá sâu chừng 2m nằm dưới lòng đất.

Theo các tài liệu lịch sử, giai đoạn 1945-1975, nơi đây trở thành nơi hội họp, trú ẩn bí mật của cán bộ ta trong hai cuộc kháng chiến.

Hoàng Nghiệp

Hồ Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khu-lang-mo-3000-luong-vang-co-gi-192240622220147178.htm