Người nhớ tiếng chim hót trên đường phố Hà Nội
Rõ ràng có tên có họ, vậy mà bao nhiêu năm nay mọi người vẫn gọi ông với biệt danh trìu mến - 'giáo sư rùa'. Chả là, PGS.TS. Hà Đình Đức mấy chục năm say mê nghiên cứu 'cụ' rùa Hồ Gươm.
Năm 1991, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội gửi công văn mời ông cùng tham gia dự án bảo vệ rùa ở Hồ Gươm. Từ đó, mỗi khi rùa nổi lên mặt nước, hoặc bơi vào bờ, khi không ai được phép lại gần thì ông một mình một cõi, đường hoàng, xăng xái chạy ra vuốt ve âu yếm "cụ" rùa như người bạn tri kỉ. Có nhiều lần Công ty môi trường đô thị Hồ Gươm còn đưa ông ra tháp rùa cả ngày ở đó, giữa mênh mang sông nước Hồ Gươm để đợi rùa lên trị bệnh. Nhắc đến PGS.TS. Hà Đình Đức là người ta nhớ ngay đến "cụ" rùa, nhưng ít người biết những câu chuyện trong kí ức của ông mà ngày ngày ông vẫn hoài niệm.
1. Ông sống trong một tòa nhà bề thế rộng hơn 200 mét vuông, xây 7 tầng nằm trong một con ngõ rộng ở gần chợ hoa Quảng An do hai vợ chồng con trai thiết kế, xây dựng. Nhiều năm nay, sau khi vợ mất, ông ở một mình cùng cô giúp việc. Các con, cháu của ông đang sinh sống tại nước ngoài. Bức tường trong phòng khách treo kín bằng khen, giấy khen. Và giống như nhiều nhà trí thức khác, ông có một tủ sách khổng lồ.
Thật ngạc nhiên ở tuổi 85, hằng ngày ông vẫn làm việc thông thạo các thao tác trên máy tính, sử dụng công nghệ hiện đại một cách sành sỏi hệt như công dân trẻ tuổi tiên tiến của thời đại mới. Là một nhà khoa học, nghiên cứu sinh vật học, ông không cho phép mình tụt hậu phía sau. Nhưng ở tuổi này, ông đã ít giao du hơn trước rất nhiều, nên làm bạn với ông hằng ngày là cây cỏ, chim muông, hoa lá. Khu vườn rộng 200 mét vuông trên tầng thượng có đủ các loài hoa, là điểm hẹn mỗi sáng sớm tinh sương vị PGS già trở dậy, ngắm những bông hoa nở chen chúc tuyệt đẹp và đón đợi tiếng chim hót.
Ông bảo: "Cuộc đời như một cái chớp mắt. Chớp mắt mình đã ra hình hài một con người. Chớp mắt mình ra xã hội làm việc và cống hiến. Chớp mắt là tuổi già và ở bên kia dốc của cuộc đời. Chớp mắt những người thân lần lượt bỏ ta để về với thế giới bên kia, thầy cô, bạn bè. Cuộc đời ngắn lắm nên hãy sống như ngày mai sẽ chết…". Ông chỉ vào một bông hoa hồng trắng nở bung cánh rồi lại bảo: "Con người cũng như bông hoa, đầu tiên chỉ nhú cái mầm, rồi thành nụ, nở từng cánh thành hoa, tỏa hương thơm mát, đón nắng, đón gió rồi cũng héo tàn". Ông cứ rủ rỉ cả sáng với những khóm hoa xanh mát ở đây, cứ như thể hoa cỏ hiểu được tiếng lòng của ông.
Người già thì thường hoài niệm về quá khứ, những câu chuyện hiện ra như những thước phim quay chậm, khi đó ông chỉ mới là cậu bé học cấp 1. Thuở đó, ngày nào cậu cũng được anh trai đèo xe đạp 4, 5 cây số đến lớp học. Những hôm giặc bắn phá, lớp học chuyển sang buổi tối, cậu nhỏ vẫn ngồi phía sau xe của anh. Đêm qua cánh đồng, tiếng ếch nhái dưới ruộng nương, những tàu lá chuối ở rìa đê và ở những bãi tha ma mộ đắp đất lúp xúp nhìn xa như mu rùa cỏ phủ kín, thi thoảng bóng chim đêm bay vụt qua để lại một tiếng kêu ghê rợn, cậu sợ hãi nín thở ôm chặt anh.
Đến năm lên lớp 8 học ở Trường Lam Sơn (Thanh Hóa) cách nhà 35km, hai đến ba tuần cậu mới về nhà một lần. Chơi ở nhà một hôm, tờ mờ sáng hôm sau, người anh lấy xe đạp đèo em trai tới chợ Đu trời cũng vừa sáng. Cậu thanh niên bịn rịn chào anh trai, rồi cứ quần nâu, áo vải, vắt vẻo trước ngực là cái ruột tượng chứa gạo mà mẹ cậu đã đổ đầy, chân đi đất 30km đến trường học.
Xúc động, ông quay sang bảo tôi: "Vừa rồi, chú đi ôn lại mấy địa điểm cũ, một cây xà cừ cách rừng thông Thanh Hóa 7 - 8km qua chiến tranh mà không hề hấn gì, vẫn còn to lắm. Chợ Đu là địa điểm ông anh trai đưa chú đến đó rồi quay về. Chợ Đu giờ vẫn nhộn nhịp nhưng không còn cảnh xưa, đường xá cầu cống đã làm mới rồi…".
Học được một năm trên phố huyện, cậu gặp được người đàn bà góa bán hàng tạp hóa giữ cậu lại trong nhà, nuôi cho ăn cơm, điều kiện là ngoài giờ học, cậu phải ở nhà bà để bán hàng và ghi sổ sách cho bà. Tá túc ở đó được hai năm, người chị họ lại kéo cậu sang nuôi cơm, với điều kiện cậu phải kèm học cho mấy đứa con của chị, cậu nhận lời. Ngày qua ngày, rồi ngày mong đợi cũng đã đến, chỉ còn một tuần nữa là đến lịch thi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, sắp được ra Thủ đô, cậu hồi hộp vô cùng.
Tích cóp mãi cả năm trời cậu mới mua được đôi dép cao su nhưng không dám đi, định dành hôm ra Thủ đô thi đại học mới xỏ dép. Nhưng thật buồn thay, đêm trước ngày lên đường, trộm lẻn vào nhà, đồ đạc chẳng có gì đáng giá, tên trộm bèn nhấc đôi dép cao su của cậu đi. Vậy là hôm sau, cậu sinh viên tương lai lại chân đất ra Hà Nội. Tàu hỏa đỗ ở ga Hàng Cỏ, bước xuống đường nhìn phố xá, cậu vừa ngỡ ngàng, vừa thích thú lại vừa buồn tủi vì nhìn xuống dưới chân mình lấm lem bùn đất.
Cậu thất thểu tìm đến chỗ trọ của hai người anh họ đang làm việc ở Thủ đô. Hai ông anh nhìn cậu em ái ngại, liền sắm cho một đôi dép. Lúc đấy cậu chưa hề có khái niệm về ngành nghề, chọn thi Khoa Hóa của Đại học Tổng hợp vì thấy anh họ mình cũng học lớp hóa ở trường, thi xong lại mua vé lên tàu hỏa về nhà. Thời gian sau có giấy báo nhập học Khoa Sinh của Đại học Tổng hợp.
2. PGS.TS. Hà Đình Đức là sinh viên khóa đầu tiên chuyên ngành sinh vật học của Trường Đại học Tổng hợp, lúc ấy ngành nghề này khá mới mẻ, thiếu giáo án và giáo viên. Thời sinh viên, ông được thầy giáo GS Đào Văn Tiến - cây đại thụ số một của ngành sinh vật Việt Nam trực tiếp giảng dậy. Năm thứ ba ông nghiên cứu về chim Hà Nội.
Lúc đó kí túc xá của trường nằm trên phố Lò Đúc, cỏ ngập lún đầu, ruộng lúa dài rộng, những rặng ổi quả lúc lỉu. Hàng cây sao đen mọc thẳng đứng và tỏa bóng mát um tùm, cốc, cò trắng, vạc chung sống với nhau hòa bình ở trên cây. Nhờ công việc nghiên cứu nên sinh viên như ông mới có cơ hội trèo cây phát hiện ban ngày cò và cốc đi kiếm ăn, vạc ngủ ban ngày. Ban đêm vạc đi kiếm ăn, cò, cốc ngủ.
Năm 1962, máy bay địch bắn phá, trường chuyển đi sơ tán mấy năm, đến khi quay trở lại Hà Nội, tìm về khu kí túc xá với những hàng cây sao đen thì tuyệt nhiên không còn loài chim, cò, vạc thân quen. Ông mải miết đạp xe đi trên những con phố ở Hà Nội để nhớ về một tiếng chim hót khi xưa, nhưng tất cả đã là quá khứ, hình ảnh năm nào chỉ còn trong kỷ niệm. Sự lựa chọn về ngành nghề vô tình lúc đầu đời lại là khúc nối dài cho năm tháng sau này. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhà trường giữ lại để giảng dạy bộ môn sinh vật học và được phong Nhà giáo ưu tú.
Ông say sưa kể về hành trình đi nghiên cứu con bò xám, một con vật huyền thoại, nó có đấy và cũng như không ở đấy, nửa thực nửa hư. Con bò xám dính vào một lời nguyền ở đất nước Campuchia: "Con người không thể biết được về con bò xám". Những ai "động" vào con vật này cũng rất thê thảm, nặng thì mất mạng, nhẹ cũng ốm thập tử nhất sinh. Bản thân ông đã hai lần đi tìm và nghiên cứu về con vật này và cả hai lần đều nhận trái đắng.
Lần đầu nghe người ta nói bò xám xuất hiện ở Tây Ninh, ông đã vội vàng lên đường và đi theo lối chỉ của người dân ở đây thấy bò xám vào rừng, nhưng khi chưa tìm được bò xám thì ông bị hai phát đạn của bọn phỉ ẩn nấp trong rừng. Máu chảy ướt đẫm vai và người ta phải khiêng ông về bệnh viện phẫu thuật để gắp đạn ra. Lần thứ hai nghe nói có bò xám xuất hiện ở một khu rừng Hòa Bình, ông cũng sốt sắng lên đường, nhưng đến nơi chưa kịp thấy bò xám thì ông đã bị một trận sốt rét ác tính, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng…
Với ông, tất cả những câu chuyện đã đi qua nay là quá khứ, giờ thú vui hằng ngày của ông là được ngắm hoa nở trong khu vườn cây xanh mát, được nghe chim hót và được nhìn thấy chim bay …
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguoi-nho-tieng-chim-hot-tren-duong-pho-ha-noi-i689886/