Người nổi tiếng cần lan tỏa năng lượng tích cực

Người nổi tiếng là người có danh tiếng và được công chúng thừa nhận một cách rộng rãi. Vì thế, bất cứ lời nói, việc làm nào của họ đều được nhiều người biết đến và tác động đến dư luận ở góc độ tích cực lẫn tiêu cực.

Vẫn biết để lan tỏa những giá trị tích cực, những câu chuyện truyền cảm hứng không nhất thiết phải là chiến tích lẫy lừng hay thành công vang dội. Người lan tỏa những điều tích cực ra cộng đồng có thể là một người bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, với những người nổi tiếng, nhất là các nghệ sĩ, sự lan tỏa năng lượng đó sẽ mạnh mẽ hơn vì họ có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những người khác.

Mỗi phát ngôn, hình ảnh của các nghệ sĩ tác động tới rất nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhất là giới trẻ - những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, có sự cởi mở, năng động và hướng ngoại. Vì thế, bất cứ một hành động đẹp, một điều tử tế nào của các nghệ sĩ nổi tiếng đều sẽ nhân lên thành hàng nghìn, hàng triệu điều tử tế cũng như hành động đẹp trong xã hội.

Trên thực tế, rất nhiều nghệ sĩ đã ý thức được điều này và lan tỏa năng lượng tích cực cho xã hội. Qua các đợt dịch bệnh, thiên tai, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã đứng ra quyên góp và tổ chức nhiều đợt quyên góp vật tư, trang thiết bị, tiền của... để gửi đến những địa phương đang gặp khó khăn. Còn nhớ chiến dịch “Năng lượng tích cực cho thành phố yêu thương” do TP. Hồ Chí Minh phát động trong đợt dịch COVID-19 đã thu hút hơn 1.000 người nổi tiếng tham gia trên mạng xã hội. Những lời chúc mừng, động viên, ủng hộ đầy ý nghĩa của các nghệ sĩ trong thời điểm đó thể hiện tình cảm và trách nhiệm của họ đối với thành phố thân yêu của mình, với người dân đang chịu bao khó khăn, nguy hiểm do dịch bệnh.

Đó là nhìn ở góc độ ảnh hưởng tích cực. Về mặt tiêu cực, nếu nghệ sĩ có hành động, phát ngôn lệch chuẩn thì sự “lan tỏa” cũng rộng rãi không kém. Điều đó làm giảm đi hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ trong lòng công chúng nhưng cũng có thể khiến không ít người bắt chước làm theo, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ. Thời gian vừa qua, tình trạng một số người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, phát ngôn không phù hợp... gây bức xúc cho dư luận.

Mới đây nhất là vụ người mẫu Ngọc Trinh cùng huấn luyện viên lái xe của mình tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm. Cả hai còn quay phim, biên tập rồi đăng các clip này lên tài khoản mạng xã hội có số lượng lớn người theo dõi. Những video này có thể cổ xúy cho một số người bắt chước làm theo vì lượng fan của cô người mẫu này khá lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự. Với các hành vi nói trên, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt tạm giam Ngọc Trinh về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Thời gian qua, tình trạng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, nhất là thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng thành thuốc chữa bệnh diễn ra khá phổ biến. Vì sự nổi tiếng của các nghệ sĩ nên sản phẩm mà họ quảng cáo được rất nhiều người biết đến và không phải ai trong số đó cũng biết được công dụng thật của sản phẩm. Nhiều người, vì yêu mến nghệ sĩ của mình mà tin răm rắp những gì họ quảng cáo về sản phẩm, từ đó mua về sử dụng. Thậm chí, cộng đồng mạng còn chế và truyền nhau bài vè: “Thoát vị đĩa đệm thì gặp Quyền Linh. U xơ trong mình, đến Hồng Vân gấp. Vai gáy tê thấp thì gặp Cát Tường...”.

Vẫn biết nghệ sĩ nhận quảng cáo sản phẩm theo hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp không có gì sai. Nghệ sĩ luôn là lựa chọn hàng đầu của các đơn vị, doanh nghiệp, bởi họ là người nổi tiếng, có một lượng khán giả mến mộ nhất định. Nhưng điều gì xảy ra nếu sản phẩm nghệ sĩ quảng cáo không đảm bảo chất lượng hay hình ảnh quảng cáo khiến người xem hiểu nhầm mà bắt chước làm theo? Vậy nên, người nghệ sĩ cần kiểm soát phần nội dung quảng cáo, phải có sự chọn lựa kỹ càng về mặt nội dung cũng như hình thức thể hiện vì điều đó liên quan đến hình ảnh của họ.

Cuối tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 512 kèm theo Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Liên quan đến việc nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, đầu tháng 8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra đề xuất quy định người nổi tiếng muốn quảng cáo trên mạng xã hội thì phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm đó.

Với những quy định này, hy vọng người nổi tiếng sẽ ý thức hơn trong việc phát ngôn cũng như có hành vi phù hợp, chuẩn mực trong cuộc sống và trên mạng xã hội. Người nghệ sĩ đích thực phải có hành động đẹp, lan tỏa những điều tốt trong xã hội. Đó là trách nhiệm mà họ phải gánh trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, cũng là cách để người nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh đẹp và sự tôn trọng trong lòng khán giả.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/nguoi-noi-tieng-can-lan-toa-nang-luong-tich-cuc/181093.htm