Người nổi tiếng cần phải thượng tôn pháp luật
Đây là nhận định của các chuyên gia, luật sư trước sự việc một số người nổi tiếng vướng vòng lao lý thời gian vừa qua.
Thượng tôn pháp luật là trách nhiệm quan trọng
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Trịnh Lê Anh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thượng tôn pháp luật không phải là “việc nên làm”, mà là “nghĩa vụ bắt buộc” của mọi công dân, trong đó người nổi tiếng càng cần gương mẫu. Khi có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, hành vi của họ không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, mà còn tạo ra hiệu ứng xã hội.
Một hành vi sai lệch từ người nổi tiếng rất dễ trở thành “chuẩn lệch” cho một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta không thể đánh đồng danh tiếng với đặc quyền miễn trừ trách nhiệm. "Ngược lại, càng nổi tiếng thì càng cần nghiêm khắc với bản thân, cả trong phát ngôn, hành xử và việc tuân thủ pháp luật. Bởi sự tử tế và trách nhiệm mới là thứ làm nên chiều sâu bền vững cho một thương hiệu cá nhân, chứ không phải chỉ hào quang nhất thời" - TS Trịnh Lê Anh nói.

TS Trịnh Lê Anh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Dương)
Cùng chung quan điểm với TS Trịnh Lê Anh, đại diện một hệ thống KOL lớn nhấn mạnh thêm: "Dưới góc nhìn cá nhân, tôi nghĩ việc người nổi tiếng phải thượng tôn pháp luật không chỉ là lẽ dĩ nhiên mà còn là một trách nhiệm quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Họ là những người có sức ảnh hưởng lớn, là hình mẫu cho nhiều người, nhất là giới trẻ. Khi họ vi phạm pháp luật, dù là vô tình hay cố ý, tác động tiêu cực lan tỏa rất nhanh và rộng".
Về mức độ chịu trách nhiệm, một khi đã là người của công chúng, càng cần phải ý thức được rằng mình phải sống chuẩn mực hơn những người bình thường. Đặc biệt, nếu cố tình phạm tội, bất kể là tội danh gì, người nổi tiếng phải bị xử lý thích đáng. Sức ảnh hưởng của họ lớn đến mức một hành vi cố ý vi phạm có thể tạo ra tiền lệ xấu khiến nhiều người lầm tưởng rằng "người nổi tiếng thì có thể làm mọi thứ mà không bị sao".
Nếu vô tình vi phạm, ví dụ như do thiếu hiểu biết về một quy định mới hoặc một sơ suất nhỏ không gây hậu quả nghiêm trọng thì những chế tài nhẹ hơn như nhắc nhở, phạt hành chính nhẹ, hoặc yêu cầu khắc phục hậu quả là hợp lý. Điều này giúp họ nhận ra lỗi lầm mà không bị "đánh sập" hoàn toàn sự nghiệp hay danh tiếng chỉ vì một sai lầm chưa đủ lớn.

Là người nổi tiếng cần phải thượng tôn pháp luật (Ảnh: TL)
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bạn Nguyễn Thanh Tùng - sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Thời gian qua, câu chuyện người nổi tiếng vi phạm pháp luật thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Tôi là người dùng mạng xã hội nhiều nên cũng hay theo dõi họ và có những tiếc nuối nhất định. Như Hoa hậu Thùy Tiên hay Quang Linh Vlog đều từng là những hình mẫu thanh niên ưu tú nhưng vì lợi nhuận mà bất chấp kinh doanh sai quy định để rồi vướng vòng lao lý. Thật đáng tiếc. Nhưng qua sự việc cũng cho thấy cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, nhanh chóng điều tra và khởi tố vụ án để cho thấy sự thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Với sự phát triển của mạng xã hội, người bình thường cũng rất dễ để tự nhận mình là người nổi tiếng bởi những câu chuyện họ chia sẻ hay những phiên livestream. Theo TS Trịnh Lê Anh, chúng ta cần phải có những phương pháp căn bản để quản lý vấn đề này. "Đây là một hiện tượng xã hội rất đáng suy ngẫm. Trong thời đại số, danh tiếng không đến từ năng lực thực thụ hay đóng góp cho cộng đồng, mà nhiều khi chỉ cần… một cú “viral”. Chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của những “hiện tượng mạng”, nơi danh xưng “người nổi tiếng” bị phẳng hóa, dễ dãi hóa, thậm chí bị lạm dụng", TS Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.
TS Trịnh Lê Anh nêu rõ, có thể thấy rằng quản lý ở đây không phải là kiểm soát theo nghĩa hành chính cứng nhắc, mà là xây dựng một cơ chế giáo dục truyền thông và trách nhiệm số. Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc nổi tiếng không đồng nghĩa với đúng, với chuẩn mực. Song song đó, các nền tảng mạng xã hội cũng cần có bộ quy chuẩn rõ ràng hơn về nội dung, hành vi vi phạm, nhất là xử lý nghiêm minh các trường hợp kích động, lệch chuẩn văn hóa, hay vi phạm pháp luật. Cuối cùng, tôi nghĩ xã hội cần kiến tạo lại khái niệm “người có tầm ảnh hưởng” để danh tiếng gắn liền với giá trị thật, chứ không phải chỉ là lượng view hay số lượt theo dõi.
Tiếp tục mạnh tay với quảng cáo sai sự thật
Những vụ việc người nổi tiếng vi phạm pháp luật thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với vấn nạn quảng cáo sai sự thật. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Lê Văn Thắng - Văn phòng Luật sư Lê và Cộng sự thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đã và đang xem xét, sửa đổi một số luật liên quan đến lĩnh vực này, chẳng hạn, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, dự thảo đã đưa vào nội dung về trách nhiệm của những người có ảnh hưởng đối với công chúng, cũng như việc người có ảnh hưởng với công chúng đứng ra để quảng bá các sản phẩm này.
"Tôi thấy rằng, đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, chúng ta cũng rà soát, sửa đổi một số chế tài liên quan đến vấn đề quảng cáo sai sự thật, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái. Ví dụ, vừa tăng chế tài hình phạt tù, vừa tăng chế tài hình phạt tiền. Đây là động thái rất cần thiết để siết chặt các quy định của pháp luật, tăng tính răn đe" - Luật sư Lê Văn Thắng nói.
Với hình thức xử phạt hành chính, theo Luật sư Thắng, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền 60 - 80 triệu đồng (với cá nhân) và 120 - 160 triệu đồng (với tổ chức).
Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối, theo Điều 197 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Điều 197 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 10 - 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài hình phạt chính cải tạo không giam giữ đến 3 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. "Đây là động thái rất cần thiết để siết chặt các quy định của pháp luật, tăng tính răn đe" , luật sư Lê Văn Thắng nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo trong Luật Quảng cáo (sửa đổi). Người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo. Bên cạnh đó, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-noi-tieng-can-phai-thuong-ton-phap-luat-388485.html