Người nổi tiếng, KOL phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo không chính xác?
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, KOL và KOC quảng cáo trên mạng phải có trách nhiệm về nội dung quảng cáo không chính xác theo tài liệu của nhà sản xuất.
Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Điều 15a của dự thảo quy định về việc thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng.
Điều 15a.4 dự thảo quy định các cá nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung quảng cáo liên quan đến tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm.
Theo VCCI, quy định này cần được xem xét lại vì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Cá nhân hoạt động quảng cáo trên mạng chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng. Họ sử dụng tài liệu, thông tin mà doanh nghiệp cung cấp để tạo ra các sản phẩm quảng cáo và chuyển tải đến người tiêu dùng. Các cá nhân này không có đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác trong các thông tin được cung cấp (trừ một số trường hợp hãn hữu có thể thực hiện qua thử nghiệm đơn lẻ, như thử nghiệm trực tiếp trên da của một người).
Ví dụ, một sản phẩm ô được quảng cáo có tính năng ngăn tia UV. Doanh nghiệp mới là chủ thể có trách nhiệm đảm bảo rằng sản phẩm có khả năng này. Các KOC không thể có năng lực, chi phí để thực hiện các bài kiểm nghiệm tính năng này trước khi nhận quảng cáo được.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng có tình trạng KOL, KOC (gọi chung là người có ảnh hưởng lớn trên mạng) quảng cáo không đúng về tính năng, công dụng sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, chẳng hạn như quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng nói như có tác dụng chữa khỏi bệnh.
“Việc quy định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân này là cần thiết, nhưng cần phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo”- VCCI nêu quan điểm.
VCCI cũng đề xuất, hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, trách nhiệm của các bên nên được quy định phân hóa như sau: các nhãn hàng sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (bao gồm cả công dụng, tính năng sản phẩm) và chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho KOL, KOC;
Còn các cá nhân quảng cáo có trách nhiệm phải đảm bảo sự phù hợp với các nội dung đã được doanh nghiệp cung cấp.
Tương tự, về minh bạch hoạt động quảng cáo, Điều 36a.3 dự thảo yêu cầu người có tầm ảnh hưởng khi nêu cảm nhận phải có bằng chứng về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
VCCI đánh giá quy định này chưa rõ ràng vì không có hướng dẫn cụ thể về bằng chứng. Chẳng hạn, thế nào được coi là bằng chứng? Cần lưu trữ tài liệu nào thì được coi là bằng chứng (chẳng hạn: cảm nhận đã dùng sản phẩm 30 ngày thì có cần phải quay lại việc sử dụng mỗi ngày không)? Các tài liệu nào phải đáp ứng các yếu tố nào để được coi là bằng chứng (có hiển thị thời gian rõ ràng, được quay bằng thiết bị chuyên dụng hay phải lưu trữ trong thời gian bao lâu…)?
VCCI suy đoán quy định này được đưa ra vì cơ quan soạn thảo muốn ngăn chặn tình trạng người nổi tiếng quảng cáo gian dối, như nói là có dùng sản phẩm, nhưng thực tế không có sử dụng.
Cơ quan này thừa nhận, đây là vấn đề nhức nhối và cần thiết phải có quy định xử lý. Từ góc độ thị trường, điều quan trọng là đảm bảo minh bạch hóa, công khai hết các thông tin với người tiếp nhận quảng cáo.
Do vậy, trong trường hợp này, theo VCCI nên quy định theo hướng yêu cầu người có tầm ảnh hưởng cung cấp thông tin đầy đủ về quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ (có dùng hay không, ai là người sử dụng, và với tần suất như thế nào…).
“Việc cung cấp thông tin phải được gắn với nội dung quảng cáo (như ghi ở phần caption hoặc đính kèm đường link chứa tài liệu cung cấp thông tin). Quy định như vậy sẽ đảm bảo các KOL, KOC có trách nhiệm với các lời nói và nội dung quảng cáo của mình, và từ đó hạn chế tình trạng như trên. Thậm chí, họ sẽ tự cân nhắc lưu lại một số tư liệu để chứng minh cho phát ngôn của mình (trong trường hợp cơ quan quản lý hoặc tòa án có yêu cầu)”- VCCI kiến nghị.