Từ vụ Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục: Giá đắt khi người nổi tiếng quảng cáo sai

Trong những năm gần đây, không ít người nổi tiếng, nghệ sĩ đã bị dư luận 'vạch trần', thậm chí bị cơ quan chức năng phạt vì quảng cáo sai sự thật cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Tình trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng tại Việt Nam tham gia quảng cáo bát nháo gây chú ý thời gian qua. Đa số sản phẩm được quảng cáo là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư... đăng trên Facebook, YouTube, TikTok.

Mới nhất, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt), Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt) cùng 3 người khác để điều tra hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm (kẹo rau củ Kera) và lừa dối khách hàng.

Liên quan việc quảng cáo sai sự thật kẹo rau củ Kera, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng đã ban hành quyết định về việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên; số tiền xử phạt là 25 triệu đồng.

Trước khi xảy ra vụ việc của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên, một làn sóng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng sản phẩm từng bị khán giả phát giác, chỉ trích, như: NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, nghệ sĩ Trung Dân, diễn viên Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Diệu Nhi, hoa hậu Mai Phương Thúy, ca sĩ Phương Mỹ Chi...

Diễn viên Angela Phương Trinh bị phạt 7,5 triệu đồng vì những bài viết quảng bá cho việc dùng địa long chữa Covid-19.

Diễn viên Angela Phương Trinh bị phạt 7,5 triệu đồng vì những bài viết quảng bá cho việc dùng địa long chữa Covid-19.

Đơn cử như hồi tháng 10/2021, diễn viên Angela Phương Trinh chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng vì những bài viết quảng bá cho việc dùng địa long chữa Covid-19.

Ngoài trường hợp Angela Phương Trinh bị phạt hành chính, hầu hết những người nổi tiếng khác chỉ lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm khi công chúng phát giác, phản ứng mạnh.

Tháng 6/2021, NSND Hồng Vân từng viết tâm thư ''cúi đầu nhận lỗi với quý khán giả'' liên quan đến những phản hồi, bức xúc của dư luận đối với quảng cáo thuốc sủi có chức năng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Thực phẩm chức năng này sau đó bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo.

Năm 2023, hai nghệ sĩ nổi tiếng là Quyền Linh và Cát Tường đã bị chỉ trích dữ dội khi tham gia quảng cáo một loại sữa được cho là có khả năng hỗ trợ điều trị tiểu đường và giảm đau nhức xương khớp. Dù họ khẳng định sản phẩm này mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng thực tế không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều đó. Sự việc sau đó buộc hai nghệ sĩ phải lên tiếng xin lỗi và cam kết cẩn trọng hơn trong việc quảng bá sản phẩm.

Ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng phải công khai xin lỗi khi quảng cáo mỹ phẩm mang tên kẹo làm trắng da có công dụng làm trắng chỉ sau 20 ngày...

Thêm chế tài xử phạt người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

Với những vụ việc vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần quyết liệt và có động thái mạnh mẽ hơn trong việc xử phạt, chấn chỉnh thực trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.

Ngày 21/2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, trong đó quy định rõ các biện pháp xử phạt đối với những cá nhân và tổ chức tham gia quảng cáo không minh bạch.

Theo khoản 3, Điều 47 của Nghị định số 24, các cá nhân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL, KOC) có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng nếu không công khai việc họ nhận tài trợ để quảng bá sản phẩm. Điều này nhằm đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể nhận biết rõ ràng nội dung quảng cáo và tránh bị tác động bởi những lời giới thiệu có thể không khách quan.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tài trợ cho KOL, KOC cũng không nằm ngoài phạm vi xử phạt. Nếu không minh bạch về việc trả tiền hoặc tài trợ để người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm, các công ty này cũng sẽ phải chịu mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp sử dụng KOL, KOC để lách các quy định về quảng cáo.

Khoản 2, Điều 53a của Nghị định số 24 cũng quy định mức phạt nặng hơn (từ 100 - 200 triệu đồng) đối với các tổ chức vận hành nền tảng số trung gian nếu vi phạm quy định về hiển thị đầy đủ và minh bạch thông tin sản phẩm. Điều này bao gồm cả việc không cung cấp đầy đủ thông tin bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật.

Việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo của KOL, KOC được xem là một bước tiến quan trọng để nâng cao trách nhiệm của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Nhiều đánh giá cho rằng, nghị định sẽ tác động mạnh đến ngành quảng cáo trực tuyến. Các KOL, KOC sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi nhận lời quảng bá sản phẩm, đồng thời công khai rõ ràng về việc họ có nhận tài trợ hay không. Từ đó có thể làm giảm sự "mất kiểm soát" trong quảng cáo, khi trước đây nhiều cá nhân nổi tiếng dễ dàng sử dụng danh tiếng để giới thiệu sản phẩm mà không quan tâm đến chất lượng thực tế.

Y Nhụy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-si-nguoi-noi-tieng-quang-cao-sai-su-that-va-cai-gia-dat-phai-tra-2388120.html