Người nông dân năng động, phát triển kinh tế từ mô hình trồng nấm sò

Đó là ông Hoàng Văn Nhượng (sinh năm 1960), hội viên nông dân, cựu chiến binh thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Nhờ cần cù, chịu khó và kiên trì, ông Nhượng đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm sò, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2024, ông Nhượng vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.

Vợ chồng ông Nhượng đóng gói sản phẩm nấm sò chuẩn bị bán cho thương lái

Vợ chồng ông Nhượng đóng gói sản phẩm nấm sò chuẩn bị bán cho thương lái

Với mong muốn vươn lên làm giàu trên chính quê hương, năm 2015, ông Nhượng bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan học tập kinh nghiệm một số trang trại trồng nấm ở tỉnh Bắc Giang, sau đó bắt tay vào trồng nấm sò. Lúc đầu, ông cùng gia đình trồng thử nghiệm 6.000 bầu nấm, do chưa có kinh nghiệm nên nấm hay bị bệnh, thối, hỏng nhiều.

Sau thất bại ban đầu, ông Nhượng quyết tâm đầu tư thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về cách trồng, chăm sóc nấm sò thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet và tích cực đi tham quan thực tế tại các mô hình trồng nấm sò hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh lân cận. Cùng đó, kết hợp giữa tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật với rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, mô hình trồng nấm sò của ông đã đạt những kết quả tích cực.

Đến năm 2017, gia đình ông Nhượng đã mở rộng diện tích, đầu tư máy móc và xây lò hấp phôi đảm bảo điều kiện cho nấm sinh trưởng, phát triển và tránh được các loại bệnh thường gặp trên cây nấm. Tổng số vốn xây dựng xưởng nấm và đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật trên 500 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông Nhượng đã có 5 phòng nấm, sản lượng mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn nấm, giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận đem lại từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng nấm sò không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình ông Nhượng mà còn giúp tạo việc làm theo mùa vụ cho 5 - 7 lao động tại địa phương.

Ông Nhượng chia sẻ: Nghề trồng nấm đòi hỏi phải thật sự cần cù, tỉ mỉ và cẩn thận. Tất cả các công đoạn từ làm giá thể đến cây nấm giống và chăm sóc phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là khâu khử trùng bầu nấm. Những người lao động thực hiện công đoạn cây giống nấm cũng phải khử trùng tay và dụng cụ cẩn thận để đảm bảo các bịch bầu nấm không bị nhiễm khuẩn. Làm được như vậy cây nấm sẽ phát triển tốt và hạn chế tối đa dịch bệnh. Cùng đó, để có sự thành công như hiện nay, tôi và các thành viên trong gia đình đều xác định làm việc gì cũng phải đam mê, sự tâm huyết và lòng kiên trì. Nghề trồng nấm cũng vậy, không chỉ đòi hỏi giàu kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải luôn tìm tòi, lấy uy tín, chất lượng làm đầu, nhờ vậy mà trại nấm của gia đình tôi thu đến đâu đều bán hết đến đó.

Bên cạnh đó, gia đình ông Nhượng cũng trồng thêm cây thông. Với 8 ha thông, đến nay đã có 4 ha cho thu hoạch nhựa, bình quân mỗi năm mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng cho gia đình.

Ông Hoàng Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Bản thân ông Nhượng cùng với các thành viên trong gia đình luôn chấp hành thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Trong phát triển kinh tế gia đình, ông Nhượng luôn nỗ lực phấn đấu, tiên phong trong thực hiện mô hình trồng nấm sò và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Qua đó, đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương và trở thành tấm gương sáng cho người dân trong xã học tập.

Với mô hình trồng nấm, trồng cây thông, hằng năm gia đình có tổng thu nhập trên 300 triệu đồng, hội viên nông dân, cựu chiến binh Hoàng Văn Nhượng trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

HẢI ĐĂNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nong-dan-nang-dong-phat-trien-kinh-te-gia-dinh-5019202.html