Người nông dân Tây Nguyên đổi đời nhờ nông nghiệp

Những năm gần đây, mô hình làm nông nghiệp, kết hợp trải nghiệm du lịch đang ở trở thành trào lưu tại nhiều địa phương trên địa bàn Tây Nguyên.

Nông nghiệp xanh kết hợp du lịch

Thông tin với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao Tp.Pleiku (tỉnh Gia Lai) cho biết, Thành phố đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, tận dụng sự đa dạng văn hóa, phong tục của người dân tộc thiểu số.

Mục tiêu là thúc đẩy du lịch địa phương, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội theo định hướng "Cao nguyên xanh vì sức khỏe".

Theo ông Hà, du lịch sinh thái nông nghiệp không chỉ là công cụ phát triển kinh tế bền vững mà còn góp phần bảo vệ môi trường, kết nối di sản thiên nhiên với du lịch. Đây là mô hình mang lại nhiều lợi ích như tạo việc làm, thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, ông Đinh A Ngưi, chủ homestay tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), cho biết xuất thân từ gia đình làm nông, ông luôn tìm cách nâng cao giá trị nông sản.

Nhận thấy tiềm năng du lịch xanh, ông xây dựng mô hình kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm, nơi du khách có thể tham gia các hoạt động như trồng rau, thu hoạch cà phê, bắt cá suối và chế biến món ăn dân dã.

Các homestay trải nghiệm nông nghiệp hút khách vào các ngày cuối tuần.

Các homestay trải nghiệm nông nghiệp hút khách vào các ngày cuối tuần.

"Ban đầu, nhiều người cho rằng tôi quá liều khi vừa làm nông, vừa phát triển du lịch, nhưng tôi tin rằng nếu biết khai thác hợp lý, nông trại không chỉ là nơi sản xuất mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn. Khi du khách tự tay hái rau, chăm sóc vật nuôi, họ sẽ hiểu hơn về giá trị của lao động và thiên nhiên. Đặc biệt, mô hình này giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống", ông Đinh A Ngưi nói.

Ông Nguyễn Chất Sâm (SN 1968, ngụ tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hiện sở hữu vườn sầu riêng lớn nhất huyện Chư Păh. Với diện tích 15ha sầu riêng đang thu hoạch, ông mở tour tham quan vườn vào mùa sầu riêng, cho du khách trải nghiệm tự tay nhặt và thưởng thức sầu riêng chín ngay tại vườn.

Trải nghiệm này thu hút đông đảo du khách, không chỉ trong nước mà còn từ Trung Quốc, Ấn Độ. Với sản lượng khoảng 70-80 tấn/năm, giá bán trung bình 130 nghìn đồng/kg, ông Sâm thu lãi khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm.

Du khách trải nghiệm thăm quan vườn sầu riêng, thưởng thức những trái chín ngay tại vườn.

Du khách trải nghiệm thăm quan vườn sầu riêng, thưởng thức những trái chín ngay tại vườn.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc

Thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Kon Tum, các địa phương đã và đang từng bước phát triển nhiều mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp, thu hút đông đảo du khách.

Tại huyện Tu Mơ Rông – vùng được mệnh danh là "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh quảng bá tiềm năng dược liệu kết hợp phát triển du lịch. Nhờ đó, các chương trình du lịch sinh thái gắn với sâm Ngọc Linh ngày càng thu hút sự quan tâm, tạo được tiếng vang trong và ngoài tỉnh.

Đến với huyện Tu Mơ Rông, du khách sẽ được trải nghiệm những thác nước tuyệt đẹp, những cánh rừng cổ thụ ngút ngàn, những vườn dâu đỏ rực, vườn sâm Ngọc Linh.

Đến với huyện Tu Mơ Rông, du khách sẽ được trải nghiệm những thác nước tuyệt đẹp, những cánh rừng cổ thụ ngút ngàn, những vườn dâu đỏ rực, vườn sâm Ngọc Linh.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, du khách đến với huyện sẽ được chiêm ngưỡng những thác nước hùng vĩ, cánh rừng cổ thụ xanh ngút ngàn, vườn dâu đỏ rực, vườn sâm Ngọc Linh rộng lớn và trải nghiệm nghỉ ngơi trong những căn nhà rẫy xinh xắn.

Du khách cũng có cơ hội tự tay chọn lựa các loại dược liệu, hoa quả quý để chăm sóc sức khỏe.

Trong chuyến công tác, đoàn đại biểu đã đến thăm làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng), nơi vừa được công nhận là làng du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, bày tỏ niềm vui khi chứng kiến cuộc sống đồng bào Xơ Đăng ngày càng ổn định. Đồng thời, ông định hướng huyện Tu Mơ Rông tiếp tục đầu tư phát triển du lịch tại làng, giúp người dân có thêm điều kiện đón khách, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Để tăng sức hút cho Tu Thó, huyện đã trồng hoa hồng Bulgaria và đang triển khai trồng hơn 1.500 cây hoa anh đào, kỳ vọng biến nơi đây thành điểm du lịch nổi bật với sắc hồng rực rỡ và hương thơm ngào ngạt mỗi mùa hoa nở.

Ngoài phục vụ du lịch, người dân cũng có thể phát triển kinh tế từ việc trồng và bán hoa hồng để sản xuất nước hoa, mỹ phẩm. Ông Mạnh kỳ vọng Tu Thó sẽ trở thành làng du lịch hoa anh đào và hoa hồng Bulgaria lớn nhất Tây Nguyên.

Mô hình làm nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch hút khách trong các năm trở lại đây.

Mô hình làm nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch hút khách trong các năm trở lại đây.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, năm nay tỉnh đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách, đồng thời xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.

Ngành du lịch địa phương đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt là mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm như tham quan vườn sâm Ngọc Linh, du lịch dã ngoại… giúp đồng bào Xơ Đăng có thêm nguồn thu nhập đa dạng.

Bà Mân cho biết thêm, để đạt mục tiêu này, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, nâng cao công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, qua đó phát huy tối đa lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-nong-dan-tay-nguyen-doi-doi-nho-nong-nghiep-204250221125019088.htm