Người nông dân và tư duy đổi mới
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, tôi rất tâm đắc với khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cần xây dựng một lớp nông dân mới nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng 'con trâu đi trước, cái cày theo sau'.
Có thể khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam là trụ đỡ quan trọng, là thành trì bảo vệ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Là quốc gia nằm trong vành đai nội chí tuyến, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm nông nghiệp mang bản sắc riêng của các tiểu vùng sinh thái đất thấp, đồi núi, cao nguyên và ven biển. Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Riêng trong năm 2020, trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, bão lũ, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt hơn 41 tỷ USD, trở thành một trong những nước đứng đầu ASEAN về sản phẩm nông nghiệp.
Trong quá trình phát triển của nông nghiệp, người nông dân đóng vai trò là chủ thể. Thời gian qua, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu của tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm và nghĩa tình. Nhiều nông dân và hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh; hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người nông dân, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa tiếp cận được với khoa học công nghệ và phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Tình trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp dẫn đến các sản phẩm nông nghiệp của nông dân tính cạnh tranh còn thấp với sản phẩm nông nghiệp của các nước trong khu vực và thế giới...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, đặt ngành nông nghiệp cũng như người nông dân đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là những nông dân được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp; đồng thời phải từng bước tiến tới ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và làm chủ các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Muốn như thế, trước hết người nông dân cần đổi mới tư duy, sẵn sàng tiếp cận với cái mới, thay đổi cách nghĩ, cách làm xưa cũ. Mặt khác, đồng hành trên con đường đổi mới, phát triển của người nông dân thì vai trò định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, các hợp tác xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng; đồng thời đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết giữa "4 nhà": Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông...
Thực hiện tốt những vấn đề trên là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững, cải thiện đời sống người nông dân và như thế hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau" sẽ không còn hiện hữu trên cánh đồng và trong tư duy, suy nghĩ của người nông dân...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/nguoi-nong-dan-va-tu-duy-doi-moi-646459