Người Nùng Xín Mần bảo tồn nghệ thuật hát Lướn

BHG - Trong đời sống văn hóa của người Nùng, hát Lướn là một trong những nghệ thuật dân ca có ý nghĩa quan trọng. Để hát Lướn không bị mai một, người Nùng tại Xín Mần đang làm tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp của loại hình nghệ thuật này.

Hát Lướn là dùng tiếng hát bằng ngôn ngữ tiếng Nùng để hỏi thăm, trao đổi, kể cho mọi người nghe về những việc đang diễn ra trong cuộc sống. Hát Lướn được người Nùng sử dụng trong rất nhiều dịp như đám cưới, mừng nhà mới, lễ Tết, các cuộc gặp gỡ... Người Nùng quan niệm, nếu ở những dịp quan trọng mà không có hát Lướn thì cảm thấy cuộc gặp đó bị thiếu đi sự gắn kết. Bởi vậy, sau khi ăn uống xong mọi người sẽ cùng ngồi lại với nhau và bắt đầu hát Lướn.

Hát Lướn của người Nùng không cần thiết phải có tiếng đàn, nhị, quan trọng nhất là giọng hát của người bắt nhịp đầu tiên.

Hát Lướn của người Nùng không cần thiết phải có tiếng đàn, nhị, quan trọng nhất là giọng hát của người bắt nhịp đầu tiên.

Với hát Lướn cổ xưa, một bài hát sẽ chia thành nhiều đoạn như: Mở đầu là lời xin phép chủ nhà, người lớn tuổi; sau đó đặt câu hỏi cho người mình muốn hỏi; người được hỏi trả lời lại và cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi hai bên không còn muốn hỏi gì nhau nữa thì dừng lại. Việc đặt câu hỏi, trả lời tùy thuộc vào từng chủ đề như hát đố, hát giao duyên... Hiện nay, hát Lướn còn được sân khấu hóa để biểu diễn cho mọi người cùng xem. Trong đó, các bài hát sẽ được sáng tác với nội dung cụ thể ca ngợi Đảng, Nhà nước; kể cho mọi người nghe về những thành tựu của chính quyền địa phương; niềm vui và sự phấn khởi của người dân khi được tiếp cận với nhiều chính sách của Nhà nước...

Người Nùng tại Xín Mần chiếm trên 40% dân số toàn huyện, bởi vậy việc bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa người Nùng nói chung, nghệ thuật hát Lướn nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Huyện ủy Xín Mần đã ban hành Nghị quyết 07 về bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, tiếp tục đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào truyền dạy trong nhà trường giai đoạn 2020 – 2025; trong đó việc đưa các nghệ nhân giảng dạy hát Lướn cho học sinh luôn được các trường học trên địa bàn huyện thực hiện rất tốt. Đây là một cách làm hay, góp phần nuôi dưỡng tình yêu hát Lướn cho giới trẻ ngay từ trên ghế nhà trường, đưa nghệ thuật hát Lướn có cơ hội phát triển hơn và giữ được nét đẹp của văn hóa người Nùng.

Ông Hoàng Văn Chà, Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Cốc Rế chia sẻ: Hát Lướn đã có từ rất lâu trong đời sống văn hóa người Nùng, từ khi lớn lên tôi đã được nghe và được các cụ dạy hát. Rất nhiều bài hát Lướn cổ xưa bị mai một, sau khi có Nghị quyết 27 về việc khôi phục những nét đặc sắc của văn hóa thì bản thân tôi và cán bộ văn hóa huyện, xã đã sưu tầm lại được những bài hát cổ từ các cụ già trên địa bàn xã. Hiện tại, tôi cũng đang đảm nhận việc dạy hát Lướn trong nhà trường, các cháu tiếp thu được rất nhanh, nhưng để hát hay, hát đúng sẽ còn cần phải có nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, với những cách làm hiện nay thì việc gìn giữ được nét đẹp của văn hóa hát Lướn trong tương lai là có cơ sở.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Xín Mần, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp của văn hóa dân tộc Nùng nói chung, hát Lướn nói riêng luôn được quan tâm. Tại mỗi thôn, xã đều có câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động và duy trì việc tập luyện hát Lướn, người dân rất nhiệt tình tham gia. Sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân chính là cơ sở để làm tốt công tác bảo tồn văn hóa hát Lướn.

Để bảo lưu, phát huy nét đẹp của hát Lướn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức cộng đồng trên địa bàn huyện. Làm tốt công tác bảo tồn, góp phần làm phong phú hơn về bản sắc văn hóa người Nùng là cơ sở để gắn liền với việc quảng bá và phát triển du lịch của huyện Xín Mần trong tương lai.

Bài, ảnh: Hồng Nhung

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202312/nguoi-nung-xin-man-bao-ton-nghe-thuat-hat-luon-c70397a/