Người nuôi cá lồng bè, nuôi tôm trắng tay sau bão
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, người nuôi cá và nuôi tôm ở xã Bình Đông (Bình Sơn) 'mất trắng' chỉ sau một đêm. Cho đến sáng nay (13/9), khi thời tiết ổn định hơn, người dân mới dám ra biển để vớt vát phần nào những thiệt hại.
Hơn 15.000 con cá chim, cá bớp và cá dẫu của hộ gia đình ông Phạm Hoài Bảo, 43 tuổi, ở xã Bình Đông bị cuốn trôi theo cơn bão số 5. Cá chết gần đến ngày thu hoạch nằm la liệt ven biển. Toàn bộ các vật dụng, trang thiết bị, cơ sở vật chất nuôi cá bị bão đánh tan. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư lồng bè và con giống, trong đợt này, gia đình ông thiệt hại ít nhất 500 triệu đồng.
Ông Bảo cho hay: Tôi và người dân nuôi cá lồng bè rất bị động trong cơn bão này. Mới đầu mùa mưa bão, tôi nghĩ bão số 5 cũng nhẹ, không có gì phức tạp. Nào có ngờ đâu… Ở đây bị cả làng. Cá mất trắng, bà con giờ tháo bè nổi còn sót lại, lấy được gì lấy, chứ không biết làm sao.
Ông Huỳnh Minh Vương nghẹn ngào trước số cá nuôi lồng bè bị thiệt hại.
Cá chết trôi dạt vào bờ, nằm la liệt.
Toàn bộ các lồng bè nuôi cá của 22 hộ gia đình ở khu vực cửa biển Sa Cần, trên sông Trà Bồng, thuộc địa phận xã Bình Đông bị thiệt hại nặng nề với khoảng 30 tấn cá. Mưa lớn tầm tã, kéo dài cho đến ngày 12/9, người dân chưa thể tiếp cận với hiện trường các lồng bè, chỉ dám đứng trong làng nhìn ra, bất lực với tài sản bị gió mạnh và nước lớn cuốn trôi. Hy vọng mong manh cứu phần nào thiệt hại không có. Sáng nay, chính quyền địa phương và người dân trong thôn mới kịp ra biển, hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng bè thu dọn đống đổ nát còn sót lại trên biển.
Người dân trong thôn hỗ trợ người nuôi cá vớt vát những vật dụng còn trôi nổi ở bờ biển.
Ông Huỳnh Minh Vương, cho biết: Gia đình tôi thiệt hại khoảng 800 triệu đồng, đó là chi phí đầu tư. Tôi chưa tính đến giá trị của 2.500 con cá bớp, 15.000 con cá chim, 8.000 con cá hồng Mỹ, 5.000 con cá mè trắng… còn không bao lâu nữa là thu hoạch. Tôi không nghĩ gió bão vào sớm vậy nên không chủ động đi chuyển lồng bè.
“Sắp tới đây, các cấp, ngành mà có cho vay tiền thì gia đình mới có vốn làm lại. Bây giờ tài sản, tiền bạc của gia đình là hết sạch rồi. Có bao nhiêu, tôi đã đánh cược vào vụ cá này”, ông Vương bày tỏ.
Tôm được người dân thu hoạch, vớt vát phần nào thiệt hại.
Sơ chế tôm khô ảnh hưởng bởi cơn bão số 5 để bán cho thương lái.
Bị động trước cơn bão số 5, không chỉ người nuôi cá mà các hộ nuôi tôm trên địa bàn cũng bị thiệt hại khá nặng nề với khoảng 4ha. Nặng nhất là gia đình chị Nguyễn Thị Kim Tự, 34 tuổi, ở thôn Thượng Hòa. Hộ gia đình chị có diện tích 6.000m2 nuôi tôm, với khoảng 2 tấn tôm nhưng chỉ cứu được 15%. Vẫn còn bàng hoàng và ngơ ngác, đến nay gia đình chị mới tranh thủ sơ chế, phơi khô để bán tôm khô cho thương lái, kiếm phần nào chi phí đầu tư.
Chị Nguyễn Thị Kim Tự, nghẹn ngào nói không nên lời: Ngoài thiệt hại tôm, gia đình tôi còn mất trắng 3 hồ nuôi cua, cá đối. Tổng hết cũng 400 triệu đồng. Giờ nhờ bà con lặt đầu số tôm này rồi bán đỡ đồng nào, hay đồng đó.
Xã Bình Đông là một trong những địa phương ở Bình Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5. Ước thiệt hại ban đầu về diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn trên 10 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Cảm, cho biết: Qua cơn bão này, chúng tôi nhận định tình hình thiệt hại lớn đối với người dân địa phương, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Ước thiệt hại mỗi hộ dân từ 300 - 600 triệu đồng, có hộ 800 triệu đồng… Chúng tôi cũng vận động người dân, các lực lượng đến hỗ trợ, giúp đỡ và thu mua. Đồng thời, động viên tinh thần bà con vượt qua khó khăn hiện nay.
Bão số 5 gây mưa lớn, gió mạnh trong những ngày qua, kèm theo nước sông thượng nguồn đổ về đã cuốn phăng ra biển tất cả niềm hy vọng về một cuộc sống ấm no của người dân nuôi cá lồng bè, nuôi tôm trên địa bàn xã Bình Đông. Với các hộ nuôi có thủy sản thiệt hại, bây giờ chỉ còn lại những khoản nợ và nỗi lo về sinh kế.
Thực hiện: THIÊN HẬU- MAI LỰC