Người nuôi trồng mong ngóng thị trường tiêu thụ ngao 'ấm' dần
Xuất bán chậm, giá thấp, sản lượng tồn đọng nhiều... khiến người nuôi ngao ở Hà Tĩnh bất an và đang mong thị trường chuyển biến tích cực.
Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày, HTX Nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) có thể xuất bán 25 - 30 tấn ngao thương phẩm loại kích cỡ đại trà 80 – 90 con/kg với giá 13.000 đồng/kg, loại đẹp nhất có thể bán 14.000 đồng/kg.
Với mức giá này, người nuôi có thể đạt doanh thu khoảng 8 tỷ đồng, lợi nhuận 50 - 55%. Nhưng thời gian gần đây, ngao khó bán, giá thấp, lợi nhuận còn khoảng 40%.
Anh Dương Thế Võ - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn cho biết: “Từ cuối năm 2023, thị trường đã trầm lắng, sản lượng tiêu thụ chậm, giá loại kích cỡ đại trà tại bãi chỉ còn 11.000 đồng/kg, thậm chí có lúc xuống còn 9.000 - 10.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn chậm, nhất là dịp trước tết cổ truyền thì gần như “đóng băng”. Hiện, HTX chúng tôi đang còn khoảng 400 tấntại bãi, bà con đang mong chờ thị trường tiêu thụ “ấm” lên để đẩy nhanh tiến độ xuất bán trước khi ngao bị quá lứa dẫn đến bị chết”.
Lộc Hà được xem là “vựa” ngao lớn nhất tỉnh và người nuôi trồng loài nhuyễn thể này ở đây cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do ngao xuống giá, tiêu thụ chậm, bị chết vì dịch bệnh...
Bà Lê Thị Loan - Giám đốc HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) cho biết: “Những năm trước, đến thời điểm này, chúng tôi có thể xuất bán được 600 tấn ngao với giá 12.000 – 13.000 đồng/kg. Nhưng năm nay bị thất thu do đợt cuối năm 2023 bị chết khoảng 350 tấn, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng, thu hoạch khó khăn; mặt khác, thị trường tiêu thụ chậm, giá thành xuống nên 3 tháng vừa qua, chúng tôi chỉ thu hoạch và xuất bán được khoảng 150 tấn với mức giá thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg và thấp hơn 5.000 – 7.000 đồng/kg so với những năm đỉnh điểm”.
Các bãi nuôi ngao của xã Mai Phụ cũng đang trong tình trạng tương tự. Tài sản tiền tỷ đang bị ngâm nước ngoài bãi bồi, vốn liếng bỏ ra chưa thể thu hồi khiến người nuôi trồng rất bất an, lo lắng. Hiện nay, tất cả đều đang trông ngóng, chờ đợi mùa hè thị trường tiêu thụ sẽ tốt hơn, giá cả cũng sẽ tăng dần, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Ông Đào Anh Văn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Phụ thông tin: “Do sức mua trên thị trường hạn chế nên nhiều tháng qua người nuôi trồng trên địa bàn xã đang phải bán với giá thấp hơn cùng kỳ các năm trước 2-3 giá. Hiện nay, lượng ngao tồn đọng tại bãi còn khoảng 1.400 tấn (tương đương 50% sản lượng) và mỗi ngày đang cố gắng xuất bán 8-10 tấn. Để duy trì sản xuất, chính quyền địa phương thường xuyên động viên, khuyến khích bà con tìm kiếm thị trường tiêu thụ, triển khai các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ các bãi ngao thương phẩm, sẵn sàng nhân lực và phương tiện để thu hoạch nhanh khi thị trường sớm “rã đông”, chủ động xuống giống lứa mới...”.
Theo phản ánh của người nuôi ngao trên địa bàn toàn tỉnh, trước năm 2019, giá ngao loại 80 – 90 con/kg có thể bán với giá 17.000 – 18.000 đồng/ kg. Nhưng do đại dịch COVID-19 khiến thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị “đóng băng” cho đến nay nên việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá cả giảm dần. Hiện nay, ngao thương phẩm chưa thể xuất khẩu trở lại, chỉ được xuất bán và phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu thị trường nội địa. Mặt khác, thị trường tiêu thụ ngao truyền thống của Hà Tĩnh là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... cũng đang bị “tấn công” từ những vùng nuôi trồng lớn khác trong cả nước như Bến Tre, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình... dẫn đến thực trạng ảm đạm này.
Toàn tỉnh có gần 500 ha đất bãi bồi ven sông vùng nước mặn lợ của 12 xã thuộc Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh đang được nuôi ngao. Mỗi năm, các vùng nuôi ngao trong toàn tỉnh thu hoạch khoảng 3.300 tấn ngao thương phẩm, cho giá trị sản xuất hàng chục tỷ đồng (năm 2023 khoảng 43 tỷ đồng), giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ. Vì vậy, việc thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, giá thành ngày càng xuống thấp đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh kế, thu nhập, tư tưởng làm ăn của người nuôi ngao.