Người phá hoại hơn 1.600 trái sầu riêng non có thể bị phạt đến 20 năm tù

Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì có thể bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 đến 20 năm, theo quy định tại Khoản 4, Điều 178 Bộ luật hình sự.

Khoảng 8h30 ngày 21/5, anh Lương Văn Đức (41 tuổi, trú thôn 8, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cùng vợ đang đi làm rẫy thì nhận được điện thoại của người bố báo rằng vườn sầu riêng đã bị kẻ xấu phá hoại.

Nhận tin, anh Đức lập tức cùng vợ chạy về và tá hỏa khi phát hiện cả vườn sầu riêng đã bị kẻ xấu cắt trái non chất đầy gốc. Qua kiểm đếm, hơn 1.600 trái sầu riêng non của 54 cây trong vườn bị cắt, phá hoại, thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng.

Khi phát hiện vườn sầu riêng của gia đình bị phá hoại, vợ của anh Đức đã ngồi bệt xuống đường òa khóc. Thiệt hại quá lớn khiến vợ chồng anh Đức vẫn không tin đây là sự thật.

Sầu riêng non bị cắt chất đầy gốc (Ảnh: Uy Nguyễn).

Sầu riêng non bị cắt chất đầy gốc (Ảnh: Uy Nguyễn).

Dư luận cho rằng, kẻ cắt hơn 1.600 trái của 54 cây sầu riêng kể trên cần phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Ths.Ls Hoàng Thị Hương Giang – Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định, vụ việc nêu trên có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, điều tra làm rõ người thực hiện hành vi, xác định giá trị tài sản bị hủy hoại để có căn cứ giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Trong trường hợp có đủ căn cứ xác định tài sản bị hủy hoại có giá trị từ 2.000.000đ trở lên, hành vi này thỏa mãn dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

"Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự", Luật sư Giang thông tin.

Cũng theo Ths.Ls Hoàng Thị Hương Giang, trường hợp phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì có thể bị áp dụng mức hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, theo quy định tại Khoản 4, Điều 178 Bộ luật hình sự. Ngoài ra người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo quy định pháp luật.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-pha-hoai-hon-1600-trai-sau-rieng-non-co-the-bi-phat-den-20-nam-tu-169240523161743598.htm