Người phản biện đặc biệt ở Học viện Karolinska

Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Daniel Hallden, Học viện Karolinska, Thụy Điển vừa qua có một phản biện độc lập đặc biệt. Đó là PGS.TS Kim Bảo Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội. Bà Giang là người Việt Nam đầu tiên trở thành phản biện độc lập luận án tiến sĩ về Y khoa tại Học viện Karolinska.

PGS.TS Kim Bảo Giang với vai trò là phản biện luận án tiến sĩ tại Học viện Karolinska vừa qua. Ảnh: NVCC

PGS.TS Kim Bảo Giang với vai trò là phản biện luận án tiến sĩ tại Học viện Karolinska vừa qua. Ảnh: NVCC

Học viện Karolinska được thành lập năm 1810, là một trong những cơ sở ĐH đào tạo y khoa hàng đầu châu Âu và thế giới. Học viện này đảm nhiệm việc chọn ra người đoạt giải Nobel Sinh lí và Y khoa hằng năm. Luận án của nghiên cứu sinh (NCS) Daniel Hallden được hướng dẫn bởi giáo sư Tobias Alfvén, Khoa Y tế Công cộng Toàn cầu, Học viện Karolinska.

Các thành viên trong Ủy ban đánh giá luận án bao gồm: GS. TS Lars-Ake Persson, Khoa Kiểm soát Dịch bệnh và Trung tâm Sức khỏe Sinh sản và Trẻ em Bà mẹ Vị thành niên, Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, Anh; GS.TS Peter Allebeck, Khoa Y tế Công cộng Toàn cầu, Học viện Karolinska; Jesper Sundewall, trợ lý nghiên cứu, Y học xã hội và Sức khỏe toàn cầu, ĐH Lund, Thụy Điển. PGS. TS Kim Bảo Giang tham gia với tư cách là phản biện của luận án.

Hành trình đến với vai trò phản biện độc lập của luận án đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực và kiến thức chuyên sâu. Năm 1990, cô học sinh Kim Bảo Giang, quê Thái Bình trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội. Sáu năm sau, tốt nghiệp, cô được giữ lại trường làm trợ giảng tại bộ môn Tổ chức Y tế và Y xã hội học, rồi trở thành giảng viên chính thức của Khoa Y tế công cộng. Với học lực xuất sắc cùng niềm đam mê học hỏi, cô giáo trẻ Kim Bảo Giang thi đỗ rồi làm luận văn thạc sĩ Y tế công cộng tại Trường ĐH Tổng hợp Umea (Thụy Điển). Sau đó tiếp tục làm luận án tiến sĩ tại Học viện Karolinska.

TS. Giang trở về Việt Nam tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu tại Trường ĐH Y Hà Nội, đồng thời cộng tác với các trường ĐH nước ngoài. Năm 2011, bà được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận PGS.

Bài học về sự nghiêm túc và chất lượng

Theo PGS Kim Bảo Giang, hệ thống giáo dục ĐH của Thụy Điển có nhiều khác biệt, trong bảo vệ luận án TS, phản biện không có vai trò bỏ phiếu cho NCS đỗ/trượt. Phản biện là người thảo luận những điểm mạnh, yếu của luận án và đặt câu hỏi cho NCS để làm thế nào thể hiện được mức độ hiểu biết của NCS về lĩnh vực nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu; khả năng giải thích kết quả nghiên cứu; ý nghĩa của nghiên cứu với thực tiễn và chính sách, cũng như suy luận mở rộng kết quả nghiên cứu.

Theo quy định về đào tạo TS của Học viện Karolinska, người tham gia phản biện phải có trình độ TS, tuy nhiên thường là GS, có hiểu biết và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu của NCS; là người không có quan hệ thân thích hay công việc với NCS và thầy hướng dẫn của NCS. Phản biện không được liên hệ hay trao đổi gì với NCS về các nội dung liên quan đến luận án trước khi bảo vệ.

Quy trình lựa chọn phản biện luận án TS ở Học viện Karolinska cũng rất đặc biệt. Thầy hướng dẫn tìm phản biện trên toàn cầu qua các kênh thông tin khác nhau, qua công trình xuất bản và tên tuổi của các nhà khoa học trong lĩnh vực để mời và phỏng vấn. Sau đó ứng viên gửi lí lịch khoa học cho đơn vị quản lý đào tạo và ban lãnh đạo khoa để duyệt. Phản biện được mời trước khi diễn ra lễ bảo vệ 3-6 tháng. Trong đó, 2 tháng trước khi bảo vệ, toàn bộ luận án và các bài báo khoa học trong luận án được gửi tới cho người được chọn làm phản biện.

PGS Kim Bảo Giang đã có 80 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, cùng hơn 70 công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong nước.

Quy trình buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của Học viện Karolinka cũng khác biệt. Thành phần gồm 1 phản biện, 3 thành viên hội đồng (3 người này chấm điểm). Sau phần trình bày luận án, phản biện sẽ đặt câu hỏi với NCS, thời gian cho phần hỏi đáp tối thiểu là 1giờ còn có thể kéo dài đến khi nào phản biện hết câu hỏi hoặc hài lòng, có khi cuộc trao đổi này kéo dài 3 giờ.

Bà Giang cho hay, tại buổi bảo vệ luận án, với vai trò là người phản biện,bà đã hỏi NCS trong 1 giờ 40 phút. Để hỏi được NCS, người phản biện phải hiểu rất rõ từng chi tiết của luận án. Phải đọc kĩ và phải hiểu lĩnh vực nghiên cứu và các phương pháp liên quan đến luận án.

Lần đầu tiên được mời tham gia với vai trò là phản biện, bà Giang rút ra được nhiều điều cần học hỏi từ hệ thống giáo dục hàn lâm ở châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng. Tuy từng bảo vệ luận án ở Học viện Karrolinska, nhưng buổi tham gia với vai trò phản biện đã mang đến cho bà Giang bài học về sự nghiêm túc, chất lượng. NCS phải hiểu từng chữ đã viết trong luận án, phải hiểu về vấn để mình làm, các lý luận xung quanh thì mới trả lời được các câu hỏi của phản biện cũng như của những người tham gia trong buổi bảo vệ. Phản biện cũng phải hiểu và đọc rất kĩ luận án mới hỏi được NCS. “Sau 1 buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, ngoài đánh giá được NCS, người ta còn có thể đánh giá được phản biện. Cuộc thảo luận trung lập của phản biện và NCS giúp hội đồng có nhìn nhận khách quan”, bà Giang nói.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-phan-bien-dac-biet-o-hoc-vien-karolinska-post1644858.tpo