Người Pháp đang chật vật khổ sở chỉ vì một loại gia vị gắn liền với cuộc sống hàng ngày

Việc khan hiếm và thiếu trầm trọng loại gia vị này đang khiến người Pháp khốn đốn.

Vào một buổi sáng gần đây ở Dijon, trung tâm của Burgundy (nước Pháp), dòng người tụ tập tại trung tâm thành phố để chờ cửa hàng mù tạt nổi tiếng Maille mở cửa.

Cecile Martin cũng giống như nhiều người Pháp khác đã lặn lội từ nơi xa xôi để mua bằng được một lọ mù tạt nổi tiếng. Một tấm biển trong cửa hàng ghi rõ: Mỗi một gia đình chỉ được mua một lọ mà thôi.

Bà Cecile Martin chia sẻ rằng, mù tạt tạo ra hương vị thơm ngon, kích thích vị giác người ăn. Nó thường được dùng kèm với món khoai tây chiên, bánh mì sandwich, mì ống...

"Cả gia đình tôi đều yêu thích mù tạt ở Dijon. Sự khan hiếm mù tạt đang là vấn đề lớn đối với chúng tôi. Thật khó có thể tưởng tượng việc ẩm thực Pháp tồn tại mà không có nó", bà Cecile Martin cho biết.

Dòng người đứng xếp hàng để được mua mù tạt.

Dòng người đứng xếp hàng để được mua mù tạt.

Tình trạng khan hiếm trầm trọng

Mù tạt là thành phần chính trong hầu hết bữa ăn của người Pháp. Đây cũng là nguồn gốc của niềm tự hào dân tộc: Việc sản xuất mù tạt đã được quy định ở Pháp ngay từ thời Trung cổ và mù tạt Dijon đã nổi tiếng trên toàn cầu.

Pháp là nơi tiêu thụ mù tạt lớn nhất thế giới nhưng nơi đây chỉ có khoảng 4.500 ha trồng cây mù tạt. Hạn hán và các đợt nắng nóng xảy ra vào năm ngoái ở Canada đã làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung mù tạt toàn cầu. Trong khi đó, 80% lượng nhập khẩu mù tạt của Pháp lại đến từ quốc gia này.

Giá nhiên liệu ngày một cao đã làm cho chi phí vận chuyển tăng chóng mặt. Các nhà sản xuất Pháp cho biết côn trùng ăn hạt mù tạt, vốn phát triển mạnh khi nhiệt độ ấm hơn, cũng đang làm hỏng vụ mùa.

Tình trạng khan hiếm đã khiến người dân tìm mọi cách để tích trữ loại gia vị này trong tủ bếp khi các nơi quy định mỗi người chỉ được phép mua một lọ. Trong khi đó, các nhà hàng đang tìm cách sáng tạo ra các món ăn khi thiếu trầm trọng gia vị quen thuộc.

Guillame Royer, đầu bếp tại Au Clos de Napoleon ở vùng nông thôn Burgundy chia sẻ rằng nhà hàng thường tiêu thụ 6 - 7kg mù tạt mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện tại, nhà hàng này đã ngừng phục vụ mù tạt cho khách hàng.

Guillame Royer phải thay đổi cách chế biến món ăn vì thiếu mù tạt.

Guillame Royer phải thay đổi cách chế biến món ăn vì thiếu mù tạt.

Royer nói: "Chúng tôi cố gắng chế biến ít món ăn hơn từ mù tạt. Chúng tôi đã điều chỉnh công thức nấu ăn của mình sao cho phù hợp. Nhà hàng đã cố gắng thay thế mù tạt bằng những loại gia vị khác để bù đắp".

Phóng viên của tờ Washington Post đã đến thăm bốn cửa hàng tạp hóa ở phía tây Paris. Họ không có mù tạt để bán hoặc không có hai nhãn hiệu mù tạt phổ biến, bao gồm Maille và Amora.

"Tôi đã không có mù tạt trong ba tháng. Bạn cũng sẽ không tìm thấy nó ở bất kỳ nơi nào khác", Hassan Talbi, chủ sở hữu một cửa hàng nhỏ ở Rue de Courcelles, cho hay.

Talbi cho biết Carrefour, nhà cung cấp, đã gửi cho anh một lô mù tạt vào khoảng hai tháng trước và anh không nhận được thêm hàng kể từ đó.

Mù tạt đang trở nên khan hiếm.

Mù tạt đang trở nên khan hiếm.

Một cú đánh giáng mạnh vào nhà sản xuất

Sự thiếu hụt mù tạt đã khiến các nhà sản xuất ở Pháp lao đao, hầu hết tất cả đều tập trung ở vùng Burgundy, nơi có lịch sử sản xuất mù tạt từ nhiều thế kỷ trước.

Luc Vandermaesen, Giám đốc điều hành của Reine de Dijon, nói với DW năm ngoái: "Hạn hán ở Canada cùng với mùa đông bất thường ở Pháp vào năm ngoái khiến vụ mùa thu hoạch ở cả 2 nơi đều bị tàn phá. Điều này đồng nghĩa với việc, cả hai nguồn cung cấp mù tạt chính của chúng tôi đều cạn kiệt".

Reine de Dijon, nhà sản xuất mù tạt lớn thứ ba của Pháp, thường sản xuất khoảng 16.000 tấn mù tạt mỗi năm. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khiến nhà sản xuất này giảm 25% sản lượng tổng thể trong năm nay. Họ buộc phải tăng giá mù tạt để bù lỗ. Công ty thường xuyên bị 'cháy máy' bởi các cuộc gọi từ những người tìm kiếm mù tạt.

Các nhà sản xuất mù tạt không có nguyên liệu để làm.

Các nhà sản xuất mù tạt không có nguyên liệu để làm.

Vandermaesen cho hay: "Vấn đề lớn nhất chúng tôi gặp phải là nguồn cung bất ổn. Vì vậy, công ty vẫn đang tìm cách duy trì hoạt động sản xuất nhiều nhất có thể".

Paul Delacour, người làm việc tại một trang trại ở phía tây bắc Paris, cho biết các loại hạt mù tạt trồng ở Pháp bị côn trùng gây hại nặng nề trong năm nay. Theo Delacour và các nhà sản xuất khác, quy định hạn chế của Pháp và châu Âu đối với một số loại thuốc trừ sâu có thể khiến họ khó ứng phó hơn.

Theo Fabrice Genin, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hạt mù tạt của Burgundy, biến đổi khí hậu cũng đóng một vai trò quan trọng đối với vấn đề này.

Từ 12.000 tấn hạt mù tạt được sản xuất vào năm 2016, chúng tôi đã giảm xuống còn 4.000 tấn vào năm 2021. Thật đơn giản, chúng tôi không còn có thể quản lý được sâu bệnh nữa”, ông Genin nói.

Bên cạnh đó, vấn đề không chỉ liên quan đến nguồn cung, khi mù tạt cũng trở nên đắt hơn. Nguồn cung thấp từ Canada, kết hợp với nhiều vấn đề khác, trong đó có lạm phát, đã góp phần đẩy giá mù tạt ở Pháp tăng.

Giá mù tạt ở Pháp đang tăng nhanh.

Giá mù tạt ở Pháp đang tăng nhanh.

Marc Désarménien, Tổng giám đốc của Edmond Fallot, một công ty sản xuất mù tạt có trụ sở tại Burgundy, cho biết giá sản phẩm của ông đã tăng trung bình 9% vào đầu năm và sẽ tăng vào năm tới để theo kịp lạm phát.

Luc Vandermaesen, Chủ tịch tập đoàn Mustard of Burgundy, phát biểu mới đây: “Tôi e rằng sẽ mất một thời gian nữa trước khi chúng tôi có thể cung cấp thêm. Tình hình sẽ căng thẳng cho đến năm 2024”.

Nguồn: DW, AP

Diệp Lục

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-phap-dang-chat-vat-kho-so-chi-vi-mot-loai-gia-vi-gan-lien-voi-cuoc-song-hang-ngay-20220922141006467.htm