Người Philippines tự hào khi đẩy mạnh kinh doanh đồ ăn nhanh ở Việt Nam. Còn chúng ta?
Chúng ta có nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn nhưng chưa có chuỗi cửa hàng nào tiếng tăm, chứ chưa nói đến việc xây nhà máy như Jollibee đang làm ở Việt Nam.
Ẩm thực Việt Nam tự hào có những sản phẩm ngon được thế giới biết đến như phở, bánh mỳ… Thế nhưng trong lúc chưa có hãng thực phẩm nào Việt Nam ghi dấu trên thị trường thế giới thì thị trường đồ ăn nhanh trong nước đã là cuộc chơi của các doanh nghiệp nước ngoài.
Không chỉ các hãng đồ ăn nhanh của thế giới như KFC, Starbucks, Buger King hay của châu Á như Loterria mà ngay cả các hãng trong khu vực ASEAN cũng đẩy mạnh tìm kiếm thị phần tại Việt Nam.
Theo Manila Times, Jollibee đã tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam khi giới thiệu cửa hàng thứ 150 tại Việt Nam. Trong một tuyên bố hôm qua 21.3, người khổng lồ về đồ ăn nhanh lưu ý rằng Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất bên ngoài Philippines.
Giám đốc điều hành của JFC, Ernesto Tanmantiong tuyên bố: "Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với chúng tôi vì đây là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á và có dân số trẻ và năng động khổng lồ. Đây cũng là một trong những thị trường quốc tế đầu tiên chúng tôi tham gia vào những năm đầu của Jollibee”.
Theo Manila Times, chi nhánh mới của JFC được đặt tại Thành phố Đà Nẵng, một trong những thành phố lớn nhất và là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Tanmantiong trong một buổi khai trương cửa hàng tại Anh đầu năm nay
Ông Tanmantiong khẳng định một cách đầy tự hào: "Ngay cả khi đại dịch gây ra nhiều thách thức, Jollibee Việt Nam đã cố gắng phát triển bền vững và vượt quá mong đợi của chúng tôi. Việc khai trương cửa hàng Jollibee thứ 150 của chúng tôi là minh chứng cho vị trí đặc biệt mà đất nước này nắm giữ trong lịch sử và trái tim của Jollibee".
Đại diện hãng này tại Việt Nam còn tỏ ra tự hào khi cho biết là: "đơn vị kinh doanh quốc tế đầu tiên của tập đoàn JFC sở hữu nhà máy sản xuất. Hiện nhà máy tọa lạc tại KCN Tân Kim mở rộng (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có tổng diện tích hơn 10.000 m2, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000/2018”.
Như vậy, nếu không đi Big C (thuộc về người Thái Lan), người Việt Nam có thể ngồi nhà đặt Grabfood (một ứng dụng của Singapore) hay Gojekfood (một ứng dụng của Indonesia) để ăn đồ của Jollibee (một đồ ăn nhanh của Philippines).
Đến người Philippines cũng còn biết Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á và có dân số trẻ và năng động khổng lồ để thâm nhập thị trường và làm ăn. Vậy thì chúng ta cũng cần phải làm gì để biết thâm nhập thị trường rộng lớn ở Đông Nam Á chứ?
Việt Nam tự hào có người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ nhưng chưa có ứng dụng nào phổ biến ngoài biên giới như Grab hay Gojek. Chúng ta có nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn nhưng chưa có chuỗi cửa hàng nào tiếng tăm, chứ chưa nói đến việc xây nhà máy như Jollibee. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghĩ đến điều đó thay vì nhìn cảnh xã hội chăm chăm đầu tư công nghệ lõi phân lô bán nền, chẳng thu được đồng ngoại tệ nào