Người phụ nữ 40 tuổi thích nấu ăn, không theo chủ nghĩa tối giản nhưng bếp luôn gọn gàng quanh năm bằng 3 cách này
Nếu muốn căn bếp của mình trở nên thuận tiện, dễ sử dụng và đẹp mắt, bạn phải cân bằng được tính sống động và cảm giác sạch sẽ, gọn gàng.
Như chúng ta đã biết, nếu đồ dùng không được xử lý đúng cách trong bếp mở sẽ gây phản tác dụng. Nó không những không đạt được hiệu quả về khả năng lưu trữ mà còn tạo ra một cảm giác vô cùng bừa bộn và khó chịu. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người dù yêu thích phong cách bếp mở đến mấy cũng không dám đưa nó vào trong căn nhà của mình.
Song, với Xiaoji (Trung Quốc) thì khác. Cô ấy không phải là người theo chủ nghĩa tối giản, nấu ăn thường xuyên và có rất nhiều món đồ dùng khác nhau trong nhà bếp nhưng căn bếp của Xiaoji lại rất gọn gàng và sạch sẽ. Điều đó đã khiến không ít người tò mò, không biết cô ấy đã làm thế nào để giải quyết được số lượng lớn các món đồ trong căn bếp?
1. Bất cứ thứ gì bạn muốn mang về nhà, phải có điều gì đó chạm đến trái tim bạn
Xiaoji đã thiết lập một bộ "tiêu chuẩn tiếp nhận vật phẩm" cho chính mình và gia đình. Tất cả các vật phẩm vào nhà phải được xác định bởi tính thực tế. Đảm bảo rằng mọi món đồ ngoài tính thiết thực còn phải gây hứng thú cho người dùng.
Về vấn đề này, Xiaoji đặc biệt chú ý đến đồ dùng nhà bếp.
Vì vậy, căn bếp mở áp dụng phương pháp lưu trữ mở để có thể trưng bày từng món đồ yêu thích mà Xiaoji nhìn thấy hàng ngày. Điều này khiến cuộc sống của Xiaoji tràn ngập niềm vui bởi ở mỗi ngóc ngách mà cô ấy nhìn thấy đều mang tới cảm giác thú vị.
Khi bạn có tâm trạng vui vẻ, những bữa ăn bạn nấu tự nhiên sẽ có hương vị thơm ngon hơn, đó là một loại phản hồi tích cực", Xiaoji nói.
2. Tăng tần suất dọn dẹp và giữ mọi thứ gọn gàng
Ngoài việc giữ gìn cho mọi thứ thật gọn gàng, ngăn nắp, những căn bếp mở cũng cần được vệ sinh thường xuyên hơn.
Để có một cuộc sống thoải mái, Xiaoji đặt ra cho mình quy tắc là nhất quyết phải dọn dẹp nhà bếp mỗi ngày.
Nhiều người cho rằng việc này quá mệt mỏi và họ sẽ không thể kiên trì được trong một, hai tuần phải không? Tuy nhiên, Xiaoji đã thực hiện điều này liên tục trong suốt 5 năm mà không cần chút nỗ lực nào.
Theo cô, dọn dẹp nhà bếp không phải là một công việc vất vả mà là việc cần làm để thiết lập thành thói quen và giữ gìn những thứ mình yêu thích.
Điều này trở thành một điều thú vị. Chính động lực bên trong đã thôi thúc tôi hành động, và không cần phải có cái gọi là “kiên trì” chút nào", Xiaoji nói.
Khi Xiaoji đang dọn dẹp, ngoài việc chiêm ngưỡng những món đồ yêu thích của mình, cô ấy cũng sẽ suy nghĩ và điều chỉnh một số chỗ không hợp lý trong bếp.
Ví dụ, đôi khi sẽ có cảm giác thật lãng phí khi vứt đi những chiếc khăn giấy dùng để lau rau củ. Vậy nên cô ấy quyết định sẽ tái sử dụng và cất lại để lau bụi, vết bẩn khi vệ sinh nhà cửa.
Trình tự vệ sinh hàng ngày của Xiaoji là làm sạch bếp và bồn rửa trước, sau đó mới lau bàn làm việc, tủ bếp, v.v.
"Hãy xác định trình tự và thực hiện theo quy trình đã thiết lập để từ đó các hoạt động thực tế có thể hiệu quả hơn rất nhiều", Xiaoji nói thêm.
Trên thực tế, việc bảo trì nhà bếp của Xiaoji không có bí quyết gì lớn, chỉ là các thói quen vệ sinh đơn giản được thực hiện đều đặn hàng ngày.
"Đừng bao giờ bỏ qua sức mạnh của thói quen. Một khi bạn biến một nhiệm vụ khó khăn nhưng cần thiết thành thói quen, bạn sẽ tránh được nhiều rắc rối hơn", cô nhấn mạnh.
3. Chọn sản phẩm thân thiện với môi trường để giảm rác thải sinh hoạt
Trong bếp của Xiaoji có một số vật dụng dùng một lần như túi lưới, đũa gỗ, bát nhựa, v.v. Mặc dù những món đồ dùng một lần rồi vứt đi này rất tiện lợi cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhưng chúng cũng làm tăng thêm gánh nặng cho môi trường xung quanh.
Mặt khác, việc phụ thuộc quá nhiều vào những vật dụng dùng một lần thực chất lại làm tăng thêm gánh nặng cất giữ trong bếp, khiến căn bếp trở nên bừa bộn và mất thẩm mỹ.
Vì vậy, Xiaoji cố gắng hết sức để lựa chọn những món đồ có thể tái chế thay vì những món đồ dùng một lần, từ đó giúp giảm rác thải sinh hoạt, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa và chỉ mua những món đồ phù hợp.