Người phụ nữ 41 tuổi ở Hà Nội mổ đẻ đến 7 lần, bác sĩ chuyên khoa nói gì?

'35 năm làm nghề sản khoa, đây là lần thứ 2 tôi thực hiện ca mổ hy hữu có số lần mổ đẻ nhiều đến thế', TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ về trường hợp đặc biệt này.

Chị Đ.T.T.H (41 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) vừa sinh con thứ 7 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Điều đáng nói, đây là lần thứ 7 chị sinh con bằng phương pháp mổ đẻ.

Theo chia sẻ của chị H, do tiền sử trước đó chị đã mổ 7 lần (6 lần mổ đẻ, 1 lần mổ phụ khoa), tuổi cao và bị tiểu đường thai kỳ nên lần mang thai này, gia đình chị khá lo lắng. Cuối cùng, anh chị quyết định lựa chọn bệnh viện tuyến cuối là Bệnh viện Phụ sản Trung ương để mổ đẻ.

Chia sẻ về trường hợp đặc biệt này, GS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết: Hàng chục năm làm nghề sản khoa đây là lần thứ 2 ông thực hiện ca mổ hy hữu có số lần mổ đẻ nhiều đến thế. Lần đầu là vào năm 1996, khi ông mới vào nghề và đang là bác sĩ nội trú tại Cộng hòa Pháp, ông đã mổ lấy thai cho 1 phụ nữ Châu Phi mổ đẻ lần thứ 7.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chúc mừng gia đình chị H "mẹ tròn con vuông". Ảnh BVCC

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương chúc mừng gia đình chị H "mẹ tròn con vuông". Ảnh BVCC

Theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, đẻ thường với số lần nhiều như thế đã là nguy hiểm, còn sản phụ này mổ đẻ đến 7 lần là 1 trường hợp rất hiếm.

"Trước một ca đặc biệt, tôi cũng rất quan tâm làm sao để tốt cho mẹ và bé, rất vui ca mổ đã thành công, em bé chào đời khóc to, hồng hào", Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói.

Sau sinh, sản phụ H và bé trai nặng 3,1kg được chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện. Em bé được massage, chiếu tia plasma rốn và thực hiện sàng lọc sơ sinh để dự phòng các bệnh có thể mắc phải.

Khi nào nên sinh mổ?

Theo các chuyên gia, mổ đẻ được chỉ định trong các trường hợp như: Thai phụ có những bệnh lý như cao huyết áp, huyết áp tăng cao không điều chỉnh được bằng thuốc gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi; thai phụ sinh khó, kéo dài thời gian chuyển dạ hay thai nhi bị kém phát triển trong tử cung, quá ít nước ối, có dấu hiệu suy thai, cần phải đưa thai ra ngay, nếu không sẽ nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi...

Sinh mổ nhiều lần tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe cả mẹ và bé. Ảnh minh họa

Sinh mổ nhiều lần tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe cả mẹ và bé. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện nay, do tâm lý sợ đau khi sinh thường hoặc nghĩ rằng, mổ đẻ con sinh ra sẽ thông minh hơn và một số lý do khác, nhiều chị em phụ nữ và gia đình đã không ngần ngại chủ động đề nghị được mổ đẻ cho lần sinh của mình. Điều này dẫn đến thực trạng, hiện nay tỷ lệ mổ lấy thai tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và ngày càng bị lạm dụng.

Sinh mổ có một số ưu điểm như làm giảm nguy cơ tai biến, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi nếu mẹ gặp phải các vấn đề bất thường như bệnh lý tim mạch, biến chứng thai kỳ, thai nhi quá lớn hoặc thai suy trong chuyển dạ. Nếu như sinh thường có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ thì một cuộc sinh mổ chỉ mất khoảng 30-45 phút. Tuy nhiên, hệ lụy từ phương pháp sinh này cũng không phải là nhỏ.

Nguy cơ khi mổ đẻ quá nhiều

Các chuyên gia sản khoa từng đưa ra cảnh báo, mổ lấy thai có nhiều biến chứng hơn đẻ thường. Đồng thời, nếu mổ lấy thai con thứ nhất thì đương nhiên khi sinh các con sau cũng sẽ phải thực hiện mổ lấy thai bởi vì tử cung có sẹo rồi thì tỷ lệ mổ tăng rất cao.

Từng chia sẻ về vấn đề này, theo BSCKII Nguyễn Xuân Hải, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số lần sinh mổ càng nhiều thì chị em càng dễ gặp phải biến chứng trong lần mang thai và sinh con sau. Các biến chứng có thể gặp phải như: Nhau tiền đạo, nhau bong non, rau cài răng lược, vỡ tử cung, gây khuyết sẹo mổ lấy thai...

Cùng với đó, người mẹ có thể gặp các bất thường sau sinh như: Viêm dính tử cung, đau nhức vết mổ, sẹo mổ cũ dính các tạng vào vết mổ thành bụng, đặc biệt là bàng quang. Những nguy cơ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của mẹ. Hơn nữa, thời gian hồi phục sức khỏe của người mẹ sẽ lâu hơn kéo theo thời gian phải nằm viện cũng dài hơn.

Còn với đứa trẻ, nếu sinh mổ chủ động khi trẻ chưa đủ tháng, trẻ có khả năng bị suy hô hấp cấp. Ngoài ra, nếu non tháng, trẻ cũng dễ bị hạ thân nhiệt, xuất huyết não, vàng da nhân, nhiễm trùng huyết.

Trong trường hợp mổ đẻ theo hình thức chọn ngày, chọn giờ thì nguy cơ đứa trẻ mắc các bệnh lý sơ sinh và phải nhập đơn vị hồi sức sơ sinh cao gấp 3 lần so với những trường hợp đẻ thường hoặc đẻ mổ nhưng đã qua giai đoạn chuyển dạ. Thậm chí, đã có trường hợp, trẻ tử vong khi bị ép ra đời vào giờ đẹp.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra, những chị em phụ nữ đã sinh mổ nên thực hiện kế hoạch hóa gia đình ít nhất 2 năm để vết mổ cũ được hồi phục hẳn. Việc mang thai quá sớm sau mổ đẻ sẽ làm tăng nguy cơ sinh non và nhiều tai biến khác.

Ngoài ra, dù là sinh mổ hay sinh thường, chị em cũng nên thực hiện kế hoạch hóa gia đình để không sinh quá nhiều con, tránh gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và con.

Nguyễn Mai

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-41-tuoi-o-ha-noi-mo-de-den-7-lan-bac-si-chuyen-khoa-noi-gi-172240815112818442.htm