Người phụ nữ 64 tuổi luôn thức đến 3 giờ sáng để ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm, nhưng tinh thần học tập của bà Ngô Thị Kim Chi (sinh năm 1959) vẫn vô cùng lớn. Ở tuổi 64, bà Chi đều đặn đến trường, làm bài tập về nhà như những học viên trẻ khác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Học viên 64 tuổi ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông căng thẳng không kém những thí sinh trẻ

Những ngày tháng 6 oi ả, khi phần nhiều học sinh đã thoải mái vui chơi, nghỉ hè hay tham gia các hoạt động ngoại khóa thì các học sinh cuối cấp lại bước vào khoảng thời gian ôn luyện căng thẳng, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, chuyển cấp quan trọng của cuộc đời.

Trong số đó, có bà Ngô Thị Kim Chi (phường Tân Thuận Đông, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), học viên đặc biệt của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 7.

Bà Ngô Thị Kim Chi quay trở lại trường học khi đã bước vào tuổi trung niên. Ảnh: NVCC

Bà Ngô Thị Kim Chi quay trở lại trường học khi đã bước vào tuổi trung niên. Ảnh: NVCC

Ở trường từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, rồi từ 13 giờ đến 17 giờ, chỉ trừ chiều thứ 3, thứ 5 và ngày Chủ nhật, lịch học của bà Chi dày đặc chẳng kém học viên trẻ nào.

Sang tháng 6 này, bà còn tham gia lớp học buổi tối từ 18 giờ đến 20 giờ cho Toán và Vật lí – hai môn học mà bà thấy khó nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì còn phải chăm sóc chồng, là cựu chiến binh, sức khỏe đã yếu, nên thời gian trong ngày của bà Chi càng tất bật như nêm.

Để hoàn thành bài vở của các môn học, đặc biệt là những môn thi tốt nghiệp, người phụ nữ 64 tuổi này thường xuyên thức đến 2, 3 giờ sáng.

Ngủ muộn, dậy sớm vốn không tốt cho sức khỏe, nhưng bà Chi chấp nhận, cố gắng hết sức để vượt qua, bởi bà đang được sống trong chính niềm mơ ước của bản thân từ hơn 40 năm trước, khi bà còn nhỏ.

Không đến trường nhưng không ngừng học

Bà Chi kể, mình là chị cả trong gia đình có 5 chị em. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hết lớp 8, bà Chi phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ lao động, kiếm thêm thu nhập nuôi các em, bỏ dở niềm mơ ước trở thành bác sĩ đã ấp ủ bấy lâu.

"Thuở ấy phải nghỉ học tôi khóc nhiều lắm. Nhưng xã hội, hoàn cảnh như vậy nên cũng phải đành. Chỉ biết tích cực làm việc, rồi nghĩ khi nào có điều kiện sẽ học lại. Nhưng đấy cũng chỉ là nghĩ vu vơ thôi, đâu có hy vọng gì bởi nhà quá nghèo", bà Chi ngậm ngùi tâm sự.

Bà Chi (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn học viên chụp ảnh lưu niệm với cô giáo dạy môn Vật lí nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: NVCC

Bà Chi (ngoài cùng bên phải) cùng các bạn học viên chụp ảnh lưu niệm với cô giáo dạy môn Vật lí nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: NVCC

Sau ngày đất nước giải phóng năm 1975, khi đã lập gia đình, bà tham gia lại vào lớp học bổ túc văn hóa buổi tối do địa phương tổ chức. Song, vì hoàn cảnh kinh tế và bộn bề gia đình nên một lần nữa, bà đành gác lại ước mơ đi học, tự nhủ khi nào cuộc sống ổn định sẽ trở lại trường lớp.

Trong quá trình mở quán ăn, bà Chi vẫn không quên tìm hiểu kiến thức trên mạng để tự học những kỹ năng cần thiết cho công việc.

Hơn 40 năm trôi qua, bà Chi cùng chồng tần tảo, cố gắng nuôi các con ăn học với suy nghĩ: "Phải cho con cái học hành đầy đủ, không để vất vả như bố mẹ đã từng".

Đến nay, 3 người con của bà Chi đều đã tốt nghiệp đại học, công việc ổn định. Cậu con trai út của bà còn có bằng thạc sĩ, hiện đang sinh sống cùng vợ tại Mỹ.

Năm 2016, khi đôi tay đã không còn thoăn thoắt, thường xuyên bị đau nhức, lưng bị thoái hóa nặng, bà Chi dừng công việc buôn bán và bắt đầu lại hành trình thực hiện ước mơ được đi học của mình.

Nhưng sự vất vả như vẫn vận vào bà ngay cả khi cuộc sống tưởng như đã ổn định. Vì đã lâu không đi học, tâm lý ngại ngần nên ban đầu bà Chi nộp đơn xin học tại một trung tâm giáo dục thường xuyên ở xa nhà để đỡ xấu hổ với láng giềng.

Tuy nhiên, hồ sơ của bà không được nhận. Thất vọng, chán nản, nhưng mong ước được đi học vẫn lớn hơn mọi trở ngại nên bà quyết định tìm cách theo học tại trung tâm gần nhà ở quận 7.

"Tôi vẫn nhớ nguyên ngày được cô Dương Lệ Thúy, hồi đó là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp quận 7 nhận hồ sơ của tôi. Nhưng vì không còn học bạ thuở nhỏ nên cô Thúy bảo tôi phải học lại từ lớp 6.

Lúc đó tôi muốn reo lên thật lớn vì chỉ cần được đến trường đi học thôi, tôi đã mừng lắm rồi, vào lớp mấy cũng được", bà Chi hồi tưởng lại đầy hào hứng.

Nỗi ám ảnh việc không được đi học

Người già đi học hẳn sẽ khác với người trẻ đang tuổi đến trường. Ngày đầu đến lớp học trở lại, bao nhiêu cảm xúc như những ngày nhỏ vào lớp 1 chợt ùa về. Có bồi hồi, có vui sướng và có cả lo lắng. Là học viên lớn tuổi nhất trong lớp, bà Chi tự thu mình lại và chỉ tập trung học hành.

Nhưng sau đó, với sự dễ thương vốn có của những đứa trẻ hiểu chuyện, bạn học trong lớp của bà Chi lại chủ động tiếp cận đến người "bạn già" này để trò chuyện, giúp bà dần quen với không khí lớp học.

Chỗ nào thầy cô giảng nhanh quá không ghi kịp, bà xem nhờ vở của bạn học. Chữ nào khó nhìn do mắt mờ, bà nhờ bạn xem giúp. Và ngược lại, chỗ nào bài tập phức tạp, bà chia sẻ lại với những học viên chưa hiểu.

Bà Chi (bên trái) chụp ảnh lưu niệm với cô giáo Nguyễn Thị Lan - giáo viên bồi dưỡng môn Địa lí cho bà thi học viên giỏi cấp thành phố 2 lần. Ảnh: NVCC

Bà Chi (bên trái) chụp ảnh lưu niệm với cô giáo Nguyễn Thị Lan - giáo viên bồi dưỡng môn Địa lí cho bà thi học viên giỏi cấp thành phố 2 lần. Ảnh: NVCC

Việc học cứ thế trôi trong niềm vui của tuổi già. Nhưng một lần nữa, bà Chi có vấn đề về mắt phải đi mổ và điều trị đốt xương sống vốn đã mang bệnh từ lâu.

Bà bộc bạch: "Lúc đi khám và mổ mắt, tôi chỉ lo sẽ không được nhìn thấy mặt chữ, không được đi học nữa thì buồn lắm.

Tôi phải hỏi bác sĩ nhiều lần là có thành công được không, nếu không, tôi cố gắng nhìn mờ cũng được để tiếp tục đi học. Thật may, ca phẫu thuật thành công và tôi đã nhìn tốt hơn trước dù vẫn phải đeo kính. Vậy là hạnh phúc quá rồi".

Ngoài việc đi học, bà Ngô Thị Kim Chi còn tham gia công tác khuyến học của khu phố nơi bà sinh sống. 6 năm liền, bà làm Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của khu phố 3, phường Tân Thuận Đông.

Bà được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Nhờ nỗ lực học tập, từ lớp 6 đến hết lớp 12, bà Chi luôn đạt danh hiệu Học viên giỏi của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, năm lớp 9 và lớp 12, bà còn đạt giải Nhì và giải Ba môn Địa lí tại kỳ thi học viên giỏi cấp thành phố dành cho hệ giáo dục thường xuyên. Có nằm mơ bà Chi cũng không ngờ đến một ngày bà lại có được kết quả học tập ấy. Bà hân hoan như một đứa trẻ.

Các giấy khen và giấy chứng nhận kết quả, thành tích học tập, thi cử của bà Ngô Thị Kim Chi. Ảnh: NVCC

Ngoài việc đi học, bà Ngô Thị Kim Chi còn tham gia công tác khuyến học - khuyến tài của khu phố bà sinh sống. Ảnh: NVCC

Ngoài việc đi học, bà Ngô Thị Kim Chi còn tham gia công tác khuyến học - khuyến tài của khu phố bà sinh sống. Ảnh: NVCC

"Nhiều người nói tôi già rồi học làm gì, chẳng nhẽ không có hiểu biết hay sao mà phải đi học!"

Con đường tiếp thu tri thức vốn chẳng dễ dàng, với người lớn tuổi như bà Chi lại gặp thêm những trắc trở khác về sức khỏe và lại bị người ta nói ra nói vào, như muốn thử thách tinh thần học tập của người phụ nữ đã phải gác lại mơ ước được đi học quá nửa cuộc đời.

Bà Chi kể trong các môn, Toán, Vật lí và Hóa học là 3 môn luôn làm bà trăn trở, vừa phải nhớ nhiều công thức khô cứng, vừa phải linh hoạt để áp dụng chúng một cách nhuần nhị trong các bài tập.

Bà phải cố gắng gấp 2, 3 lần học viên trẻ khác, dành thời gian nhiều hơn để giải đề, ôn tập kiến thức. Chỗ nào chưa hiểu, bà lại hỏi thầy cô, bạn bè trong lớp.

Vì đau lưng, cứ sau một tiết ngồi học, bà lại phải xin phép thầy cô để đi lại, giúp xương khớp nhẹ nhàng dễ chịu hơn.

Tới trường ở tuổi 64, bà Chi được gia đình ủng hộ, nhưng hàng xóm láng giềng lại nói bà sướng không biết hưởng, đến tuổi nghỉ ngơi lại lao vào học hành vất vả. "Có người người bạn hỏi tôi: lớn tuổi rồi đi học làm gì. Tôi đáp là học để biết thêm kiến thức, hiểu biết nhiều hơn. Người bạn đó mỉa mai, bây giờ không hiểu biết hay sao mà phải đi học nữa cho khổ!

Tôi nghe vậy buồn lắm. Cũng thắc mắc: mình đi học thấy vui mà sao họ lại bảo khổ. Tôi thấy tự tin hơn, hoạt bát hơn, trí não cũng nhanh nhẹn hơn những người cùng trang lứa.

Nhờ học tập, tôi ứng dụng được nhiều vào cuộc sống như giải thích được tại không nên nấu các thực phẩm gì với nhau. Hay hiểu sâu hơn các vấn đề xã hội mà mình đã chiêm nghiệm mà chưa thấu bấy lâu.

Lần sau khi gặp những người khác quan điểm như trên, tôi không đề cập đến chuyện học của mình nữa mà cứ tập trung làm điều mà mình thấy thoải mái thôi", bà Chi giãi bày.

Bà Ngô Thị Kim Chi chụp ảnh cùng con trai, con dâu và các cháu tại lễ trưởng thành do trung tâm tổ chức. Ảnh: NVCC

Bà Ngô Thị Kim Chi chụp ảnh cùng con trai, con dâu và các cháu tại lễ trưởng thành do trung tâm tổ chức. Ảnh: NVCC

Trải nghiệm đặc biệt của bà Chi: học cùng cháu nội tại cùng một trường

Năm 2016, Trường Trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát – nơi cháu nội bà Chi theo học xây dựng lại, học sinh phải học tạm bên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7.

Những tưởng sẽ rất vui khi hai bà cháu học chung một trường. Nhưng khi thấy các bạn của cháu cười vì bà lớn tuổi rồi mà còn đi học, bà Chi thương cháu chưa hiểu chuyện, sợ cháu ngại khi nghe vậy nên tự dặn cháu: "Trên trường, con không cần phải chào hay nhìn bà đâu".

Một thời gian sau, thầy cô Trường Trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát biết chuyện về bà Chi, đã chia sẻ lại cho các học sinh trong trường như một tấm gương tự học suốt đời. Thái độ của những người bạn kia cũng thay đổi tích cực, cháu của bà Chi lại càng tự hào về người bà của mình.

Thấm thoát 7 năm học đã trôi qua, chỉ mấy ngày nữa, bà Chi sẽ bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Dù kết quả có ra sao, người phụ nữ 64 tuổi này cũng đã có kế hoạch cho riêng mình.

Nếu điểm số tốt, bà Chi sẽ học lên đại học với mong ước đỗ vào một trường sư phạm, hoặc sẽ mở lớp học miễn phí dành cho học sinh hoàn cảnh khó khăn trong khu phố để chia sẻ những kiến thức mình biết.

Điều bà Chi trăn trở nhất là sức khỏe của chồng ngày càng yếu, bà phải dành thời gian cho ông nhiều hơn, nhưng tinh thần ham học của bà còn rất lớn và vẫn muốn học sâu nhiều lĩnh vực.

Dường như bước sang tuổi xế chiều, bà Ngô Thị Kim Chi mới được sống thực sự trong những đam mê của mình với trường lớp, sách vở và kiến thức. Sức khỏe, tuổi tác hay dư luận xã hội sẽ không thể cản được tinh thần hiếu học ấy, bởi bà tin: mỗi ngày biết thêm một chút kiến thức, cuộc sống của mình sẽ càng dễ dàng và hạnh phúc hơn.

Đắc Quang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nguoi-phu-nu-64-tuoi-luon-thuc-den-3-gio-sang-de-on-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-179230607175239389.htm