Người phụ nữ chỉ biết ''cho''
Tấm lưng mỗi ngày một còng xuống, đôi tay chưa một ngày nghỉ ngơi, bà Lê Thị Đỉnh (22 Lê Văn Tám - Phường 10 - Đà Lạt) là hình ảnh đẹp đẽ của một người phụ nữ yêu lao động, giàu đức hy sinh, xây dựng tổ ấm gia đình bền vững.
Với đất nước, quê hương - vẹn nghĩa
15 tuổi bà Lê Thị Đỉnh quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã đi TNXP tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuổi đôi mươi (1964 - 1965) bà cùng đồng đội Đoàn 559 vào chiến trường Bình Trị Thiên, phục vụ chiến đấu ở đường 9 - Khe Sanh. Dũng cảm, hy sinh trong chiến đấu, xông xáo, đảm đang trong lao động, bà được cử ra Bắc học Trường Kinh tế Tam Dương - Vĩnh Yên. Chiến tranh ác liệt, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bà trở về Thanh Hóa nhận nhiệm vụ làm cán bộ huyện Thiệu Hóa, được tín nhiệm trở thành đại biểu HĐND cấp huyện và cấp tỉnh lúc bấy giờ. Ở tập thể nào, bà cũng thể hiện trách nhiệm, luôn đi đầu trong mọi việc. Bà gặp ông Trần Đình Thảo (kỹ sư nông nghiệp) là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa lúc bấy giờ hơn bà 24 tuổi, họ nên duyên vợ chồng.
Năm 1976, đất nước hết chiến tranh, ông bà chuyển công tác vào Đà Lạt. Bà Đỉnh vào làm ở Nhà khách Trung ương T78 (đặt tại Dinh I). Là người phụ nữ chăm chỉ, yêu lao động, tận tâm, tận tụy trong mọi việc; bà học nấu các món ăn rất nhanh, bà được đồng nghiệp và cả các vị lãnh đạo cao cấp Trung ương quý mến. Bà hiểu hết khẩu vị sở thích của từng vị khách là lãnh đạo cao cấp Trung ương: Tổng Bí thư Trường Chinh thích ăn đồ tây, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thích món ăn dân dã, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thích xem phim... Các món ăn do bà lên thực đơn, tự tay chọn thực phẩm, nấu nướng đến cho khách đều được khen ngon. Bà từng được ngâm thơ cho TBT Lê Duẩn nghe, khiến ông xúc động dành những lời khen tặng. Sự tận tâm tận tụy của bà cùng những đóng góp trong những năm chống Mỹ, tại Nhà khách T78, bà được Chính phủ trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Kể lại những năm tháng đẹp và ý nghĩa đời mình bà Lê Thị Đỉnh không khỏi xúc động đến rưng rưng.
Với chồng con - vẹn tình
Năm 1986, Nhà khách Trung ương giải thể, bà chuyển qua làm bếp cho Công ty Du lịch Lâm Đồng. Môi trường làm việc thay đổi, sức khỏe cũng yếu dần. Năm 1989, bà đã nghỉ hưu, trở về với gia đình, lúc đó người chồng cũng đã gần 60 tuổi, con chưa kịp lớn. Đồng lương hưu ít ỏi chỉ 40 đồng không thấm vào đâu so với chi phí cho 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học (12 - 16 tuổi). Bà bắt tay làm kinh tế gia đình, miệng nói tay làm, hai tay quơ quào hết việc nọ đến việc kia, “nhưng không bao giờ quơ quào những thứ không thuộc về mình” - bà cười hiền. Nuôi bò, trồng rau, nuôi heo, đan len thâu đêm suốt sáng. Tốc độ đan móc điêu luyện, đường kim mũi len khéo léo tinh xảo, bà đan được cả áo măng - tô, móc nhiều mặt hàng cao cấp bán đi các tỉnh thành trong nước, xuất khẩu ra cả nước ngoài. Bà đan len ra cơm ra gạo nuôi lớn 3 người con được ăn học đến nơi đến chốn. Xưởng đan len của bà có thời điểm lên đến 35 người làm. Hai cô con gái ngoài giờ học cũng cùng mẹ đan len, ai cũng giỏi, cũng khéo. Vừa lo lao động sản xuất, nhưng cũng đều đặn ngày ba bữa cơm gia đình không khi nào thiếu bàn tay của bà. Cứ đến bữa bà lại “lăn” vào bếp, tự tay nấu nướng cho chồng, cho con, rồi dọn dẹp, giặt giũ. Bếp núc một thời là “nghề” khi còn làm ở nhà khách, thì ở gia đình bà luôn thấy tự tay mình làm thì mới gọn gàng, nhanh chóng, chu toàn. Và cứ thế, bà vơ hết cả công việc về mình, luôn chân luôn tay. Bận việc là vậy, nhưng khi anh em họ hàng, bạn bè quen biết có việc nhờ bà lên thực đơn món ăn, tổ chức nấu tiệc cho vài trăm khách, bà cũng tận tình giúp đỡ không lấy công.
Con trai thành gia thất, cùng chung sống với con dâu trong một mái nhà, bà vẫn quen làm hết mọi việc. Xưa vừa bồng con vừa xoay xở công việc, nhà cửa tươm tất, thì giờ bà lại vừa chăm bẵm cháu vừa thu vén việc gia đình như một thói quen. Ở tuổi 75, bà làm mọi việc trong nhà từ cơm nước, giặt giũ, chăm bẵm 2 đứa cháu nội. Nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ, cửa sổ không một hạt bụi. Tấm lưng còng luôn chúi về phía trước, chân đi, hai tay quơ quào làm hết việc nọ đến việc kia, từ trong nhà ra ngoài ngõ.
Con nào bà cũng thương, hơn 20 năm mẹ chồng nàng dâu chung sống hòa thuận, 3 đứa cháu nội lớn lên từ tay bà chăm bẵm để con yên tâm làm việc.
Các con gái, con trai đều trưởng thành, tưởng là bà Đỉnh được thảnh thơi thì cũng là lúc chồng già đi đau yếu, rồi bị tai biến. 9 năm ông nằm một chỗ, một mình bà trông nom chăm sóc, cơm nước, vệ sinh cá nhân hàng ngày. Dù vất vả, nhưng với bà, hy sinh cho chồng, cho con, cho cháu là “được làm”, chứ không “phải làm”. Tấm lưng qua năm tháng dần còng đi mà bà cũng không để ý, nhiều lúc đau lưng, mỏi lưng không đứng thẳng lên được mà tay vẫn làm, người cứ cúi gập xuống mà quên cả đau. Được làm việc vì chồng, vì con, vì cháu là niềm vui với bà.
Ngoài vườn hoa cây cảnh bà tự tạo, tự trồng quanh nhà, ngày nào cũng tưới tắm, bà Lê Thị Đỉnh chỉ có một sở thích là làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ. Bà tham gia CLB thơ, 2 tháng mới sinh hoạt một lần, mỗi lần đến kỳ sinh hoạt thi ca thì mọi việc nhà được bà sắp xếp chu toàn từ ngày hôm trước. Giọng ngâm thơ của bà vẫn ngọt ngào, ngâm cho tôi nghe bài thơ “Ru anh” mà ở tuổi đôi mươi bà cùng đồng đội Đoàn 559 cùng ngâm đọc trên tuyến đường Trường Sơn năm nào: “Ru anh không tiếng à ơi/Anh nằm võng bạc em ngồi đung đưa/Đưa anh ngọn gió quê nhà/Vuốt ve mái tóc làn da chiến trường/Năm năm em sống xa anh/Năm năm thương nhớ cháy thành tin yêu”. Trong lời ru ngọt ngào là xúc cảm của những ngày tháng xa xưa ùa về. Ông qua đời đến nay vừa tròn 1 năm để lại trong bà nỗi trống trải. Dù những năm tháng sống bên nhau mọi việc ông đều “dành” cho bà hết, nhưng bà luôn cảm thấy hạnh phúc cuộc đời mình là lấy được người chồng hơn 24 tuổi nhưng dành cho nhau trọn vẹn nghĩa vợ chồng.
Mảnh đất bà dành bao sức lực mồ hôi san lấp, khai phá ngày đêm khi còn trẻ, bà chia cho các con an cư lạc nghiệp. Cả đời yêu lao động là thế, làm việc không ngơi tay ngơi chân là thế, nhưng đến tuổi già, bà Lê Thị Đỉnh không dành cho riêng mình bất cứ thứ gì. Với xã hội bà vẹn nghĩa, với gia đình người phụ nữ ấy vẹn tình, ở khu phố bà là người gương mẫu, được mọi người quý trọng. Bà Lê Thị Đỉnh, hình ảnh đẹp đẽ về đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam, cả đời dành những điều tốt đẹp nhất cho chồng cho con.