Người phụ nữ chuyên 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'
Suốt hơn 40 năm liền, bà Trần Thị Kim Nết (sinh năm 1946, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) làm việc không lương cho xóm, ấp theo kiểu 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'. Ở cái tuổi 77, bà vẫn tích cực tham gia công tác ở Chi hội Người cao tuổi, quản lý Tổ Nhân dân tự quản được người dân kính trọng, ngưỡng mộ.
Suốt hơn 40 năm làm việc không lương
Bà Nết tham gia vào đội thanh niên xung phong ở địa phương trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước với công việc làm giao liên, xuống đường biểu tình chống quân giặc đi càn…
Sau giải phóng, bà tham gia Chi hội Phụ nữ ấp Hàm Luông (xã Tân Phú) với vai trò là Chi hội trưởng. Công việc chính của bà là vận động chị em phụ nữ kế hoạch hóa gia đình; hỗ trợ, giới thiệu vay vốn giúp chị em nghèo vươn lên.
Bà Nết kể lại: “Những năm sau giải phóng, kinh tế ở địa phương còn rất khó khăn, đường xá chưa phát triển nên chủ yếu là đi bộ đến từng nhà để vận động chị em phụ nữ. Gia đình nào nghèo thì mình làm hồ sơ rồi lên xã để nhờ xác nhận vay vốn; vận động kế hoạch hóa gia đình hay vận động lá dừa, cây để cất lại trường học…
Công việc vất vả, nhưng mình rất quyết tâm vượt qua khó khăn vừa tham gia công tác ở ấp vừa phát triển kinh tế gia đình”. Năm 1997, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng và tiếp tục tham gia công tác, làm thiện nguyện ở địa phương dù chẳng có đồng lương hay chế độ hỗ trợ nào.
Năm 2005, bà xin thôi làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hàm Luông do tuổi cao và để cho thế hệ kế cận trẻ, năng động hơn làm việc. Chỉ được một thời gian ngắn, chính quyền địa phương tiếp tục động bà làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Hàm Luông vì thấy bà còn sức khỏe và uy tín với bà con xóm làng.
Sau đó, bà kiêm luôn làm tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản số 7 (ấp Hàm Luông) để giúp địa phương quản lý an ninh trật tự, vận động người dân xây dựng giao thông nông thôn.
Bà Nết tâm sự: “Suốt mấy chục năm làm việc không lương, nhiều người hỏi tôi lấy chi phí đâu để sống. Tôi chỉ nói còn sức khỏe thì còn làm, suốt ngày đi xe đạp tới xóm ấp thì đâu tốn chi phí đi lại. Ở nhà tôi sống cùng đứa con và trồng gần chục công vườn cây ăn trái nên thu nhập tạm ổn, an tâm làm việc vì bà con xóm ấp. Bây giờ, nhiều người kính trọng vì mình làm những việc có ích cho xã hội”.
Thấy cô Nết lớn tuổi mà làm việc nhiệt tình, chúng tôi ai cũng ngưỡng mộ và học hỏi theo.
Bà Nguyễn Thị Thinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hàm Luông
Tuy tuổi đã cao nhưng bà làm việc rất khoa học, lập danh sách cẩn thận từng hội viên người cao tuổi, làm thủ tục cấp bảo hiểm tế, ai không điều kiện đi lãnh chế độ trợ cấp người cao tuổi bà cũng lãnh thay. Những hội viên người cao tuổi ốm đau, đi bệnh viện đều được thăm hỏi. Hằng năm bà lập danh sách để tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi và có mô hình tiết kiệm trong người cao tuổi để chăm lo cho người cao tuổi nghèo, neo đơn.
Bà Nguyễn Thị Thinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hàm Luông cho biết: “Thấy cô Nết lớn tuổi mà làm việc nhiệt tình, chúng tôi ai cũng ngưỡng mộ và học hỏi theo. Không chỉ hăng hái tham gia công tác tại ấp mà còn siêng năng trong sản xuất, chăm sóc vườn cây ăn trái để làm gương cho con cháu noi theo. Chính những việc làm của cô đã giúp cho phòng trào sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới ở địa phương phát triển”.
Làm tới khi không chạy xe đạp nữa mới thôi
Mấy hôm nay, nghe thông tin một hội viên người cao tuổi bị bệnh, bà sắp xếp công việc xong rồi lên xe đạp chạy thẳng tới nhà để thăm hỏi, động viên. Tuổi đã cao, nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh để tự mình đạp xe hàng cây số.
Bà Nết tâm sự: “Tôi làm tới chừng nào không đạp xe được nữa mới thôi chứ bây giờ còn sức khỏe là còn làm phục vụ bà con, giúp hội viên người cao tuổi vui sống. Hết lo cho người cao tuổi thì lại cùng địa phương vận động làm đường giao thông nông thôn, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự ở xóm làng…”.
Ngoài ra, bà cũng tham gia làm công tác thiện nguyện tại ấp khi tham gia nấu cơm, làm thức ăn để cung cấp miễn phí cho Bệnh viện Tâm thần và Trường nhà nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật. Hằng tháng, bà vận động tiền của bà con trong ấp để mua gạo, thức ăn rồi cùng nhau nấu, chở xuống tận nơi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Phú Cao Văn Một đánh giá: “Đồng chí Nết là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Hàm Luông có nhiều đóng góp cho hoạt động của hội và được Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng Kỷ niệm chương. Suốt mấy chục năm liền năng nổ, nhiệt tình trong công tác được bà con, xóm làng rất quý mến”.
Năm 2004, bà Nết được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tặng bằng khen vì có thành tích tích cực trong xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa; Kỷ niệm chương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”, Kỷ niệm chương của Hội Người cao tuổi Việt Nam và rất nhiều giấy khen của các cấp, các ngành.
Trong căn nhà tường tươm tất của bà treo đầy những giấy khen, bằng khen được bà lưu giữ cẩn thận, không chỉ để tự hào mà là cách để dạy con cháu sống sao cho có ích với xã hội.