Người phụ nữ cứu tượng Nữ thần Tự do

Ban đầu, tượng Nữ thần Tự do chỉ là món quà từ Pháp mà Mỹ miễn cưỡng nhận.

Chân dung vị cứu tinh của bức tượng Nữ thần Tự do, Georgina Schuyler (1841 - 1923).

Chân dung vị cứu tinh của bức tượng Nữ thần Tự do, Georgina Schuyler (1841 - 1923).

Vì quá… vô dụng và tai hại, nó suýt bị bỏ hoang, may mà được nhà hoạt động xã hội Georgina Schuyler (1841 - 1923) nỗ lực kêu gọi đề bài thơ Bức tượng Vĩ đại Mới (The New Colossus) của nhà thơ Emma Lazarus (1849 - 1887) thì mới được giữ lại.

Món quà bị ghẻ lạnh

Tượng Nữ thần Tự do là tác phẩm điêu khắc khổng lồ của nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi (1834 - 1904, Pháp). Ngày 28/10/1886, nó được Pháp tặng cho Mỹ để thiết lập và chứng minh tình hữu nghị giữa 2 quốc gia.

Mặc dù là món quà cực to và giàu ý nghĩa chính trị, song nó không được chào đón cho lắm. Một nhà báo Anh đương thời đã phản ánh thẳng thắn: “Mỹ không muốn bức tượng. Họ chỉ nhận vì chẳng đặng đừng”.

Tuy được thiết kế như ngọn hải đăng, đuốc của Nữ thần Tự do quá mờ nhạt, không thể sử dụng làm đèn hiệu cho thuyền bè ngoài xa. Những hôm trời nhiều sương mù, ngọn đuốc này còn bị hơi nước che khuất hoàn toàn.

Chiều cao của Nữ thần Tự do những 93m. Thuở mới tới Mỹ, nó là công trình kiến trúc cao nhất New York và… là “bàn giết mổ” chim di cư. Vào một đêm của tháng 10/1888, hàng trăm con chim di cư đã bị “vòng tròn hào quang” trên đầu bức tượng này làm rối trí, đâm sầm vào bức tượng và chết.

Thập niên 1890 với giá điện tăng vọt, lượng du khách viếng thăm tượng Nữ thần Tự do sụt giảm thảm hại, từ 96.715 lượt ở năm đầu tiên xuống còn 43.695 lượt ở năm 1898. Các nhà quản lý chán chẳng buồn chăm sóc, mặc kệ khuôn viên xung quanh xuống dốc, cầu cảng rỉ sét, ván bậc thang mục nát.

Năm 1894, đến cả Ủy ban Hải đăng cũng không muốn thay đuốc cho Nữ thần Tự do. Phát ngôn viên của cơ quan này còn tuyên bố, bức tượng rất vô dụng. Năm 1901, nó bị đẩy cho Bộ Chiến tranh với lý do “được lắp đặt trên nền pháo đài Fort Wood cũ”.

Vị cứu tinh

Schuyler là nhà báo và nhà soạn nhạc tích cực hoạt động xã hội. Bà xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm chính trị, là hậu duệ của 2 nhân vật nổi tiếng, Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton (1757 - 1804) và Đại tướng Philip Schuyler (1733 - 1804).

Từ thuở thiếu niên, Schuyler đã rất quan tâm đến việc bảo tồn lịch sử. Khi bức tượng Nữ thần Tự do đến Mỹ, bà xác định đây là tượng đài quan trọng bậc nhất, mang thông điệp chính trị đẹp và cần được chăm sóc, bảo vệ để trường tồn.

Trong giới nghệ thuật, Schuyler là bạn thân của Lazarus. Cả 2 có chung tư tưởng chính trị và đam mê nghệ thuật, tiếc là Lazarus lại mất sớm.

Thuở còn sống, Lazarus là một trong các nữ thi sĩ được yêu thích. Vào năm 1883, bà viết thi phẩm “Bức tượng Vĩ đại mới” với mục đích góp phần kêu gọi tài trợ cho việc xây dựng bệ tượng Nữ thần Tự do. Tuy nhiên, sau khi quỹ xây dựng bệ tượng được quyên góp đủ, bài thơ của bà lại bị lãng quên. Cùng với sự qua đời của tác giả, nó rơi vào dĩ vãng.

Năm 1901, Schuyler vô tình thấy một bản sao của “Bức tượng Vĩ đại mới”. Bị ấn tượng bởi nội dung mang tính chất bày tỏ thông điệp chào mừng người nhập cư của nó, bà lập tức phát động chiến dịch khắc nó lên bệ tượng Nữ thần Tự do. Cùng lúc, Schuyler viết thư gửi chị gái của Lazarus là nhà phê bình Josephine Lazarus (1846 - 1910), đề nghị tham gia để “tưởng nhớ Lazarus và khơi nguồn hy vọng cho đất nước của chúng ta”.

Thời gian đầu đến Mỹ, tượng Nữ thần Tự do bị chê bai đủ điều. Ảnh: Wikimedia.org

Thời gian đầu đến Mỹ, tượng Nữ thần Tự do bị chê bai đủ điều. Ảnh: Wikimedia.org

Cuộc chiến dài

Thập niên 1900, Mỹ chìm trong phân biệt sắc tộc và chủ nghĩa bài Do Thái. Tại New York, các khu dân cư của người nhập cư bị đối xử tàn tệ và luôn trong tình trạng đói nghèo, bệnh tật tràn lan.

Trước đó 2 thập niên, Quốc hội còn thông qua một loạt các đạo luật chống người nhập cư, nổi bật nhất là Đạo luật Loại trừ người Hoa năm 1882 và quy định kiểm tra trình độ đọc - viết đối với người nhập cư vào năm 1897.

Schuyler vốn là một nhà cấp tiến. So với tấm lòng “tưởng nhớ Lazarus”, bà kỳ vọng vào “khơi nguồn hy vọng cho đất nước” nhiều hơn. Bài thơ của Lazarus vừa hay bộc lộ được toàn bộ thực tế của “đất nước nhập cư” và khao khát của một nhà cấp tiến.

“Những đám đông co ro khao khát thở không khí tự do/ Những rác rưởi khốn cùng của vùng đất các người chen chúc/ Gởi cho ta những thứ đó, những kẻ không nhà, lao đao trong bão tố/ Đứng cạnh cánh cửa vàng, giương cao ngọn đèn sáng, có ta” (bản dịch của Hồ Văn Hiền).

Bắt đầu từ tháng 5/1901, Schuyler tiếp cận Ủy ban Tượng Nữ thần Tự do, tổ chức đứng ra gây quỹ dựng bức tượng và đòi họ tiếp tục chịu trách nhiệm. Bà cũng hợp tác với nhà hoạt động xã hội nổi tiếng kiêm biên tập viên của Tạp chí Century, Richard Watson Gilder (1844 - 1909). Cuối năm, Schuyler tới châu Âu, liên hệ với các bạn bè của Lazarus để huy động thêm sự hỗ trợ.

Ngày 5/5/1903, sau 2 năm cố gắng không ngừng nghỉ, nỗ lực của Schuyler được đáp trả bằng thành quả tuyệt vời nhất là bài thơ của Lazarus được khắc lên bệ tượng Nữ thần Tự do.

Nhà thơ Emma Lazarus (1849 - 1887) và bài thơ được khắc trên bệ tượng Nữ thần Tự do. Ảnh: Bbc.com

Nhà thơ Emma Lazarus (1849 - 1887) và bài thơ được khắc trên bệ tượng Nữ thần Tự do. Ảnh: Bbc.com

Kể từ lúc này, tượng Nữ thần Tự do chính thức là “biểu tượng cho vùng đất mới, nơi những con người yếu đuối bị áp bức, coi thường tìm thấy cơ hội phát triển bản thân và lập nghiệp theo ý mình”.

Tất nhiên, tiếng xấu “bức tượng vô dụng và tai hại” của Nữ thần Tự do đã không biến mất chỉ sau một đêm. Vào năm 1906, nó vẫn bị chế giễu là “thiếu nữ béo quay đến từ Pháp, tuy không già đi nhưng vẫn cần phải được trang điểm lại”.

Phải đến năm 1917, Nữ thần Tự do mới bắt đầu có được tiếng thơm nhờ trở thành tâm điểm cho các chiến dịch liên quan đến quyền lợi của người nhập cư. Từ đó về sau, bức tượng này ngày càng lừng danh, thu hút du khách toàn cầu.

Theo smithsonianmag

Vũ Thị Huế

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-phu-nu-cuu-tuong-nu-than-tu-do-post689315.html