Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tự thắp cho mình một đam mê

Nhà văn Nguyễn Văn Học nói, anh yêu văn, yêu báo, và tự thắp cho mình một đam mê, để lúc nào cũng khát đi, khát viết, khát chia sẻ. Ðó cũng là cách để anh tự làm mới mình. Thời gian, dường như ngày càng trôi nhanh, trôi vội. Trong xã hội tiêu dùng, chỉ cần chúng ta chùng xuống, chán chường, giảm đam mê, chúng ta sẽ bị bỏ lại.

PV: Thưa anh, vì sao là một nhà văn có nhiều đầu sách cả truyện ngắn cả tiểu thuyết, nhưng anh lại công tác tại một tờ báo?

Nhà văn Nguyễn Văn Học. Ảnh: NVCC.

Nhà văn Nguyễn Văn Học. Ảnh: NVCC.

Nhà văn NGUYỄN VĂN HỌC: Ở ta hiếm có nhà văn sống được bằng viết văn thuần túy. Rất nhiều người viết văn trước khi viết báo, hoặc viết văn trước khi học đại học, và hầu hết phải làm một công việc nào đó để có lương thường xuyên. Có những nhà văn nổi tiếng, làm việc ở các cơ quan tạp chí, thì cũng là làm một công việc để hưởng lương, rồi mới an tâm viết lách. Tôi cũng trong guồng ấy, vừa đam mê báo chí, vừa say đắm văn chương. Hai thứ song hành, bổ trợ nhau, “nuôi” cho tôi sống với đam mê của mình.

Là một người chuyên về văn chương, lợi thế khi làm báo là gì thưa anh?

- Tất nhiên, đó là sự nhạy cảm của văn chương lan tỏa sang mỗi lần đi tìm hiểu thực tế, lấy thông tin hoàn thiện bài báo. Có văn chương ở trong ngòi bút, bài báo sẽ giàu chất văn hơn, sinh động hơn, tình hơn. Với tôi đó là lợi thế. Và tôi thường để cho mỗi bài báo sau khi sống đời sống báo chí, tiếp tục được in thành sách, để có thêm một đời sống khác.

Anh chia sẻ về công việc báo chí của anh, chuyên mục, đề tài anh thường viết là như thế nào?

- Tôi công tác ở báo Nhân Dân, mục tôi phụ trách là làm về vấn đề xã hội. Nói chung là khá rộng. Người ta thường hỏi nhà báo là giữ mục gì, hay phụ trách thông tin về bộ, ngành nào. Vì là xã hội, nên tôi viết cả đề tài lao động, thương binh, công đoàn, công an, quân đội, rồi ô nhiễm môi trường, đất đai, rà phá bom mìn… Tất nhiên, vì là ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, nên hầu hết là bài khá chuyên sâu, chứ không viết kiểu tin tức bình thường. Tôi cũng phụ trách chọn truyện ngắn cho ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần. Trước đây còn mục lý luận phê bình thì tôi cũng kết nối để đặt cộng tác viên viết luôn.

Việc làm báo, đã mang lại những gì cho anh?

- Việc làm báo cho tôi những trải nghiệm thực tế, hiểu biết xã hội, cho tôi kết nối bạn bè, đồng nghiệp, các chuyên gia, để có thể giúp mình “sống nhiều” hơn. Việc làm báo cũng giúp tôi nuôi dưỡng cảm xúc, tình yêu cuộc sống, sự tự tin, lạc quan. Thí dụ, làm ở mảng lao động, thương binh, xã hội, tôi sẽ tiếp xúc với nhiều số phận thiệt thòi, đau khổ, khuyết tật, mất mát…, nhưng nhiều người trong số họ vẫn khát sống, yêu cuộc sống… Điều đó cho tôi hiểu được rằng, với những khó khăn mình trải qua chẳng là gì so với người khác. Những cố gắng của mình chẳng là gì so với rất nhiều người mình đã làm.

Vậy thì mình chẳng hà cớ gì hờ hững với đời, mà phải nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết, để lan tỏa, để có thể đóng góp một phần nào đó cho xã hội, hay cụ thể là cho những phận người đang chịu thiệt thòi.

Tôi thấy, viết văn là cảm xúc, là tưởng tượng, hư cấu, trong khi báo chí đòi hỏi lý tính, chính xác. Anh làm thế nào để đi cân bằng giữa hai dòng?

- Điều này rất nhiều nhà văn làm được mà. Trái tim nhà văn, tôi nghĩ có nhiều ngăn hơn người bình thường (cười). Trong thực tế, mỗi nhà văn viết báo đều biết phân thân, biết lúc nào thì sử dụng “ngăn văn”, khi nào dùng “ngăn báo”.

Với tôi, hai thứ luôn bổ trợ cho nhau. Nhờ làm báo, được đi, được quan sát, sẽ mở rộng sự tưởng tượng. Ngược lại, khi viết báo, đòi hỏi lý tính, chính xác, thì sự cẩn trọng phải được đặt lên trên hết. Mà văn xuôi cho tôi sự cẩn trọng, để bớt viết những bài hớ hênh, khô cứng.

Anh đã vượt qua các khó khăn, áp lực để có bài viết tốt, đều đặn nộp đúng hạn ra sao?

- Vấn đề là phải tuân thủ giờ giấc và rèn cho mình khả năng tuân thủ. Khi đã nhận đề tài thì phải làm cho xong rồi mới nghỉ ngơi. Có người chơi chán rồi mới làm. Còn tôi, phải làm cho xong, cho kỹ, rồi lại nghĩ đến việc khác, như sáng tác. Vậy là công việc diễn ra liên tục.

Do “đất diễn” bị thu hẹp, nên nhiều báo ít sử dụng bài của cộng tác viên (trừ số Tết). Vậy nên, các nhà văn cũng phải “khéo co kéo”. Số lượng nhà văn, nhà thơ cộng tác, viết báo vẫn đông đảo, chỉ có điều, số lượng bài viết có giảm đi mà thôi.

NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN HỌC

Chúng ta đã đi qua 20 năm làm báo, chứng kiến những khi báo chí thịnh vượng, với việc sống được bằng nghề, cho đến khi, mọi thứ thay đổi, tất cả đều tăng chỉ có nhuận bút báo chí là giảm dần, anh chia sẻ về điều này?

- Thực tế, nhuận bút thì có cơ quan bị giảm, do phát hành giảm, thu hẹp, nhưng có những cơ quan báo chí vẫn tăng nhuận bút. Tất nhiên, trong bối cảnh chung, rất nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn, theo đà chững lại của nền kinh tế. Đây là thử thách, buộc mỗi người làm báo phải tự vượt lên.

Đó có phải lý do nhiều nhà văn nhà thơ, trước từng cộng tác với nhiều tờ báo, giữ các chuyên mục, ra sách từ những bài viết này, nhưng giờ dần vắng bóng?

- Cả báo chí, thị trường sách đều gặp khó trong giai đoạn này. Việc để có doanh nghiệp, công ty sách, nhà xuất bản đầu tư in sách cho tác giả ngày càng trở nên khó khăn, hiếm hoi. Trước đây có cả chục công ty sách tư nhân hoạt động mạnh, đầu tư in rất nhiều sách cho nhà văn, nhà báo. Có thời điểm chỉ cần nhà văn có chút tiếng tăm, viết xong bản thảo là chào hàng, có người in ngay.

Nhưng giờ thì không được như thế nữa rồi. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến các nhà báo giữ chuyên mục, trong đó, họ đặt ra mục tiêu là in sách, tức là tạo cho những bài viết ở chuyên mục đó một đời sống khác - đời sống sách vở. Bây giờ vẫn có người làm, nhưng ít, và chủ yếu tự bỏ tiền túi ra in sách.

Với quan sát của anh, nhiều nhà văn nhà thơ còn viết báo như xưa không? Hay có sự thay đổi về số lượng?

- Do “đất diễn” bị thu hẹp, nên nhiều báo ít sử dụng bài của cộng tác viên (trừ số Tết). Vậy nên, các nhà văn cũng phải “khéo co kéo”. Số lượng nhà văn, nhà thơ cộng tác, viết báo vẫn đông đảo, chỉ có điều, số lượng bài viết có giảm đi mà thôi.

Với anh, vì sao anh vẫn kiên nhẫn làm nghề cho đến nay, kể cả các bài phóng sự, phải lăn lộn, đi xa tìm hiểu, anh vẫn đầy năng lượng, nhiệt huyết và tình yêu nghề?

- Tôi không sống thực dụng, nhưng khá thực tế. Bởi thế, tôi tiếc thời gian. Tôi sợ tuổi xuân, cả tuổi làm nghề trôi xa mất. Nên lúc còn trẻ, có thể làm được gì thì cố làm. Nên bây giờ, như chị thấy, tôi còn vẽ vời. Chơi với sắc màu, cũng làm tôi có thêm cảm hứng, cảm xúc cho văn chương.

Xin cảm ơn anh!

VIỆT QUỲNH (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-van-nguyen-van-hoc-tu-thap-cho-minh-mot-dam-me-10284572.html