Người phụ nữ da màu đầu tiên bị FBI truy nã

Assata Shakur gây chú ý dư luận nước Mỹ vào năm 1973 khi gây ra cái chết cho một sĩ quan cảnh sát bang New Jersey, và một lần nữa sau khi trốn thoát sang Cuba vào năm 1984. Nhưng người phụ nữ này là ai và tất cả câu chuyện là gì?

Từ JoAnne Byron đến Assata Shakur

JoAnne Deborah Byron (tức Assata Shakur) chào đời năm 1947 ở khu phố trung lưu Jamaica thuộc quận Queens thành phố New York nước Mỹ. Lúc đó, nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm ngặt theo chủng tộc và giới tính, với sự phân biệt được viết thành luật và đan xen vào văn hóa thành phố New York.

Những thực tế này phần lớn sẽ định hình cuộc đời của người phụ nữ được biết đến với cái tên Assata Shakur và sự bất bình đẳng về chủng tộc cuối cùng đã trở thành cái cớ cho mọi tội ác mà cô phạm phải và cuối cùng đưa cô vào danh sách truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đối với phần tử bị coi là khủng bố trong nước.

New York là một nơi khắc nghiệt đối với những cô gái da đen như Assata Shakur. Cha mẹ ly dị khi còn nhỏ và Shakur dành phần lớn thời gian đầu đời ở nhà bà ngoại mình ở Bắc Carolina, trước khi một biến động khác đưa cô trở lại quận Queens khi bước vào tuổi thiếu niên.

Shakur là phụ nữ da màu đầu tiên bị FBI truy nã gắt gao.

Shakur là phụ nữ da màu đầu tiên bị FBI truy nã gắt gao.

Ở Queens, Shakur nhanh chóng trở thành phần tử vô kỷ luật và thường xuyên bỏ nhà ra đi, đôi khi sống với nhiều người lạ. Cuối cùng, người dì Evelyn của Shakur nhận nuôi cô gái bướng bỉnh.

Mối quan hệ này dường như là bước ngoặt trong cuộc đời của cô gái. Sau này, Shakur mới tiết lộ việc người dì Evelyn muốn huấn luyện bà trở thành một phụ nữ khác biệt: thông minh, có học thức, tinh tế và dũng cảm.

Evelyn thực sự không thể kiểm soát được tính khí ương bướng hay sự độc lập của Shakur nhưng người dì có thể thu hút sự chú ý của cô gái bằng những chuyến đi đến nhà hát và các yếu tố văn hóa khác, cũng như với những cuốn sách từ thư viện khổng lồ của mình và những cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ đồng hồ giữa hai dì cháu với nhau.

Với sự giúp đỡ của người dì Evelyn, Assata Shakur cũng cố gắng học tập để vào được Trường Cao đẳng Cộng đồng Manhattan ở New York và sau đó là Đại học Thành phố New York danh tiếng hơn.

Cuộc sống đại học vào giữa thập niên 1960 khá ồn ào và trải nghiệm của Assata Shakur cũng không có ngoại lệ. Đến năm 1966, Shakur tham gia vào các nhóm sinh viên phản chiến và phong trào Sức mạnh Đen (Black Power) ngày càng phát triển ở Mỹ.

Năm 1967, Assata Shakur kết hôn với sinh viên và nhà hoạt động tên là Louis Chesimard, nhưng họ đã ly dị chỉ 3 năm sau đó - ngay trong khoảng thời gian bà đi đến Oakland, California, để gặp gỡ và chính thức tham gia tổ chức chính trị gọi là Black Panther Party (BPP).

Shakur đã nhiệt tình giúp đỡ BPP mở ra các hoạt động ở Bờ Đông và tình nguyện điều hành chương trình bữa sáng miễn phí nổi tiếng của họ ở New York. Chương trình này là một phần trong nỗ lực thiết lập sự hiện diện của tổ chức trong các khu phố người da đen và tuyển mộ những người trẻ tuổi.

Poster với hình ảnh của Joanne Chesimard (tức Assata Shakur) được trưng bày trong cuộc họp báo đưa ra thông tin cập nhật về cuộc truy nã Chesimard vào ngày 2-5-2013 tại thành phố Newark, bang New Jersey.

Poster với hình ảnh của Joanne Chesimard (tức Assata Shakur) được trưng bày trong cuộc họp báo đưa ra thông tin cập nhật về cuộc truy nã Chesimard vào ngày 2-5-2013 tại thành phố Newark, bang New Jersey.

Đến năm 1971, Shakur gia nhập Quân đội Giải phóng Đen (BLA) và Cộng hòa New Afrika (RNA)- hai nhóm ly khai cực đoan bạo lực, cực đoan và tuyên bố về một quốc gia Đen độc lập. RNA là một tổ chức dân tộc da đen và phong trào ly khai đen được phổ biến bởi các nhóm chiến đấu tự do Đen ở Mỹ.

BLA là một nhóm quá khích, cực đoan từng đấu tranh để giành độc lập từ chính quyền Mỹ vào cuối những năm 1960-1970. Nhóm này chịu trách nhiệm cho các vụ ám sát hơn 10 nhân viên cảnh sát và hàng chục cảnh sát khác bị thương trên khắp nước Mỹ.

Cuộc chiến của một phụ nữ da đen

Cuộc chiến tranh cho một “quê hương đen” ở Bắc Mỹ bắt đầu, ít nhất là đối với Assata Shakur, với một loạt vụ cướp dọc Bờ Đông. Vào tháng 4-1971, Shakur và một số người bạn đã cố gắng cướp một người đàn ông có vũ trang trong phòng khách sạn.

Shakur bị bắn vào bụng và sau đó đối mặt với tội danh cướp có vũ trang và gây nguy hiểm. Chẳng mấy chốc, Shakur được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại và tiếp tục thực hiện các vụ cướp ngân hàng để tài trợ cho các hoạt động BPP.

Một năm sau vụ cướp khách sạn, tên Shakur xuất hiện trên các mặt báo do liên quan đến vụ tấn công bằng lựu đạn vào xe cảnh sát thành phố New York làm hai sĩ quan bị thương. Cùng thời gian đó, một người nào đó - được cho là Assata Shakur - đã bắn một sĩ quan cảnh sát Brooklyn đang thực hiện lệnh bắt giữ, và một người khác - một lần nữa, cũng có lẽ là Shakur - đã kiếm được 89.000 USD từ một vụ cướp ngân hàng ở Brooklyn. Shakur cũng có thể đã cướp một nhà thờ vào khoảng thời gian đó.

JoAnne Chesimard (tức Assata Shakur) bị giải từ nhà tù Đảo Riker ở thành phố New York đến nhà tù Hạt Middlesex vào tháng 1-1976.

JoAnne Chesimard (tức Assata Shakur) bị giải từ nhà tù Đảo Riker ở thành phố New York đến nhà tù Hạt Middlesex vào tháng 1-1976.

Tất cả những điều này rất dễ để biện minh, theo Assata Shakur. Shakur có một cái cớ được cho là hợp lý. Shakur đang sống trong một xã hội bạo lực trắng trợn, và bởi vì là một phụ nữ da đen, nên cô cũng là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính.

Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 2-5-1973, James Harper - cảnh sát trưởng bang New Jersey – ra lệnh dừng một chiếc ô tô chạy quá tốc độ với đèn hậu bị hỏng trên đường cao tốc New Jersey. Trong lúc dừng xe, Harper yêu cầu nam tài xế của chiếc xe bước ra ngoài và, theo lời khai sau đó của một sĩ quan khác, tìm thấy một khẩu súng bên trong xe. Điều xảy ra tiếp theo là một thành viên của BLA bị bắn chết, Shakur bị thương và Trooper Harper bị giết bằng hai phát súng vào đầu từ súng của chính mình.

Các thành viên BLA còn sống đã chạy trốn khỏi hiện trường nhưng nhanh chóng bị bắt giữ sau cuộc săn lùng trải dài liên bang được tổ chức. Còn Assata Shakur bị bắt giữ tại một trạm dừng chân.

Các hoạt động của Shakur đưa cô vào danh sách theo dõi khủng bố, và bộ phận chống khủng bố của FBI nhanh chóng coi tổ chức Shakur là mục tiêu chính. Các nhà chức trách ở hơn một chục bang được thông báo về BLA và các công tố viên có một danh sách dài thậm thượt các tội danh chống lại các thành viên của nhóm.

Bản thân Shakur bị buộc tội với 10 trọng tội trong đó bao gồm vụ nổ súng trên đường cao tốc, nhiều vụ cướp, vụ bắt cóc một kẻ buôn bán heroin và cố gắng giết chết 2 nhân viên cảnh sát ở Queens.

Phiên tòa xét xử Shakur bắt đầu vào mùa hè năm 1973. Lần này người dì Evelyn trở lại cuộc sống của Shakur với tư cách là luật sư bảo vệ, cùng với luật sư dân quyền cấp tiến William Kunstler.

Luật sư William Kunstler.

Luật sư William Kunstler.

Một số cáo buộc được bãi bỏ trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Vào tháng 7-1973, Shakur được tha bổng cho một vụ cướp ngân hàng ở Queens, và vào tháng 8, một bồi thẩm đoàn khác cũng không kết tội được về một vụ cướp khác ở Brooklyn. Những điều đó dẫn đến một vụ tha bổng vào tháng 12-29173. Vào tháng 1-1974, vụ án đường cao tốc New Jersey bị ngưng lại vì Shakur đang mang thai, nhưng bị buộc tội vài tháng sau đó vì một vụ tấn công bằng lựu đạn.

Kết án, trốn thoát và cuộc sống tị nạn

Sau khi đánh bại hầu hết các cáo buộc chống lại mình, Assata Shakur và đội ngũ pháp lý của bà bắt tay vào cuộc chiến chống lại hệ thống tư pháp nước Mỹ. Trong nhiều năm, các luật sư của Shakur đã trì hoãn vụ án giết người trên đường cao tốc New Jersey với các vấn đề thủ tục.

Sau khi hạt Middlesex chi khoảng 1 triệu USD cho vụ án, Shakur đã cố gắng không thành công để đưa các thủ tục tố tụng chuyển sang tòa án liên bang. Cuối cùng, Shakur cũng bị buộc tội giết người và cả 6 tội tấn công khác. Khi nghe phán quyết, Shakur chỉ trích bồi thẩm đoàn phân biệt chủng tộc và tuyên bố bản thân thấy xấu hổ vì đã tham gia phiên tòa.

Cuốn tự truyện “Assata: An Autobiography” của Assata Shakur.

Cuốn tự truyện “Assata: An Autobiography” của Assata Shakur.

Trong một cuộc phỏng vấn ngay sau phán quyết, luật sư Kunstler tuyên bố các bồi thẩm đoàn da trắng đã được chọn để kết tội Shakur. Vài tháng sau phán quyết của tòa án, Shakur bị kết án tù chung thân vì tội giết người, và từ 26 đến 33 năm cho các tội danh tấn công.

Năm 1979, tức sau chưa đầy hai năm Shakur bị giam cầm, một số thành viên BLA trang bị súng và giấy căn cước giả xâm nhập nhà tù, bắt một vài lính gác làm con tin và đưa Shakur vào một chiếc xe tải đang chờ sẵn.

FBI tổ chức một cuộc săn lùng lớn quyết bắt cho được Shakur và các cộng sự của cô, nhưng không có kết quả. Shakur lẩn trốn tại New Jersey và Pennsylvania trong 5 năm trước khi trốn thoát đến Cuba vào năm 1984 dưới hình thức tị nạn chính trị. Shakur sống cởi mở trong ngôi nhà ở Cuba cho đến năm 2005, khi Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra mức tiền thưởng lên tới 1 triệu USD.

Năm 2013, phần thưởng tiếp tục tăng gấp đôi là 2 triệu USD! Với sự giảm căng thẳng gần đây trong quan hệ Mỹ-Cuba, không rõ liệu Shakur có còn một ngôi nhà an toàn ở Cuba trong những năm tới hay không.

Chính phủ liên bang Mỹ rất muốn dẫn độ Shakur. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump có lẽ trong thời gian sắp tới sẽ giảm bớt áp lực buộc Cuba phải giao trả Assata Shakur. Cuba đôi khi vẫn trả các tội phạm hoặc nghi phạm về Mỹ nhưng không áp dụng dẫn độ và từ chối giao trả bất kỳ ai liên quan đến các vụ việc mà Havana cho là có động cơ chính trị.

Năm 1988, Shakur xuất bản cuốn sách “Assata: An autobiography”(tạm dịch: Assata: Tự truyện) do bà viết trong thời gian tị nạn ở Cuba.

Năm 1993, Shakur xuất bản cuốn sách thứ hai “Still black, still strong” (tạm dịch: Vẫn còn đen, vẫn còn mạnh), viết chung với 2 tác giả Dhoruba bin Wahad và Mumia Abu-Jamal. Một bộ phim tài liệu về Shakur, tựa “Eyes of the rainbow” (tạm dịch: “Đôi mắt cầu vồng), được viết và đạo diễn bởi nhà làm phim người Cuba, Gloria Rolando, ra mắt vào năm 1997.

Diên San (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nguoi-phu-nu-da-mau-dau-tien-bi-fbi-truy-na-558942/