Người phụ nữ dẫn cháu bé đi có bị xử lý hình sự?

Liên quan đến vụ việc cháu bé 3 tuổi bị dẫn đi khỏi trường mầm non ở TP Hải Phòng, theo luật sư, trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy cô gái này mắc bệnh tâm thần thì cơ quan điều tra sẽ quyết định không khởi tố vụ án hình sự…

Vụ mang cháu bé 3 tuổi bị dẫn đi ra khỏi trường mầm non

Hình ảnh Đồng Thị Thu đưa cháu bé ra khỏi trường học được camera ghi lại. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh Đồng Thị Thu đưa cháu bé ra khỏi trường học được camera ghi lại. Ảnh chụp màn hình

Người phụ nữ lạ dẫn cháu bé đi khỏi trường mầm non

Chiều 14/1, lực lượng chức năng đã tìm thấy cháu bé 3 tuổi, là học sinh Trường mầm non Thiên Hương nghi bị bắt cóc tại khu vực đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân (TP Hải Phòng). Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tạm giữ Đồng Thị Thu (SN 2007, trú tại thôn Sú, phường Hoàng Lâm, TP Thủy Nguyên (thuộc TP Hải Phòng), đối tượng tình nghi bắt cóc. Hiện Thu đã được đưa về trụ sở CA để lấy lời khai và điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Thông tin thêm về sự việc, lực lượng chức năng nhận định, đối tượng có tâm lý không bình thường, có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Trước đó, ngày 13/1, cháu N.T.M (3 tuổi) đi học tại lớp 3A2 Trường Mầm non Thiên Hương (phường Thiên Hương, TP Thủy Nguyên). Đến khoảng 16h cùng ngày, một phụ nữ tầm 20 - 25 tuổi vào lớp nói với cô giáo: "Cô ơi, cho em đón T.M", nên cháu M chạy ra theo người đó. Sau đó, người phụ nữ này và cháu T.M ra tủ lấy đồ dùng cá nhân và đưa cháu về. Khoảng 17h, mẹ cháu M nhắn tin cho cô giáo, lúc này mới biết cháu bé đã bị người lạ mặt đón đi.

Nhận được thông tin, cơ quan chức năng khẩn trương đã vào cuộc, trích xuất hệ thống camera và xác định sau khi dẫn bé gái ra khỏi sân trường, người phụ nữ trên đã bắt taxi sang khu vực đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân (TP Hải Phòng).

Trách nhiệm pháp lý trong vụ việc

Về trách nhiệm pháp lý trong câu chuyện trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng đã làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ khả năng nhận thức của cô gái này. Theo clip về sự việc người dân phát hiện ra cô gái này dẫn cháu bé đi thì đã chặn đường, giữ cháu bé và tra khảo cô gái này. Tại thời điểm đó thái độ của cô gái rất hiền lành, bình tĩnh mà không có bất kỳ biểu hiện lo lắng sợ hãi gì...

Quá trình làm việc với cô gái này và những thông tin mà gia đình cung cấp cho thấy cô gái có biểu hiện mắc bệnh tâm thần thì sẽ tiến hành trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của cô gái này.

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy cô gái này mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi nên đã đưa cháu ra khỏi trường mầm non, chưa gây hại gì cho cháu bé thì cơ quan điều tra sẽ quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì chủ thể không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy cô gái này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, do hạn chế khả năng nhận thức nên đã thực hiện hành vi bắt cóc cháu bé thì sẽ xử lý hình sự cô gái này về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo Điều 157 Bộ luật Hình sự.

Còn theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, xét hành vi của đối tượng đã xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em. Đối tượng là người không quen biết, không được gia đình đồng ý đón cháu đã tự ý vào Trường mầm non Thiên Hương đưa cháu bé 3 tuổi thoát khỏi sự quản lý, chăm nom của bố mẹ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quan hệ về quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em, đã phạm vào tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” quy định tại khoản 1 Điều 153 Bộ luật Hình sự là có căn cứ.

Hành vi của đối tượng không những gây hoang mang lo lắng cho gia đình và mọi người về sự an toàn của cháu bé mà còn gây mất trật tự trị an trên địa bàn nên cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin được biết, đối tượng đã từng bị bệnh thần kinh. Nếu xét thấy đối tượng có biểu hiện tâm lý bất thường thì Cơ quan điều tra sẽ xem xét đối tượng đã từng điều trị bệnh để có căn cứ trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng và có hay không đồng phạm trong vụ việc này để xử lý tương ứng theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của giáo viên, theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ việc này rất may mắn là cháu bé đã được phát hiện và đưa về với gia đình một cách an toàn. Nếu không phát hiện kịp thời thì kể cả người đưa cháu bé đi là người tâm thần hay là người bình thường thì sự nguy hiểm với cháu bé là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục này, làm rõ quy trình đưa đón học sinh để truy trách nhiệm đồng thời để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Trường hợp đã có quy trình đưa đón học sinh mà giáo viên hoặc người quản lý của cơ sở giáo dục này, người có chức trách nhiệm vụ có liên quan không thực hiện đúng quy trình do thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của bộ luật hình sự. Trường hợp thiếu trách nhiệm nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải xem xét xử lý kỷ luật. Trường hợp cơ sở giáo dục và đào tạo chưa có quy trình đưa đón học sinh, còn sơ hở trong công tác quản lý để đảm bảo an toàn cho học sinh thì cần phải bổ sung kịp thời để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thời gian ở trường học.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguoi-phu-nu-dan-chau-be-di-co-bi-xu-ly-hinh-su-407213.html