Người phụ nữ dùng giấy bìa, tăm tre... làm mô hình nhà đậm chất ký ức miền Tây

Giữa nhịp sống hối hả của phố thị, chị Nguyễn Hồng Phúc ở Cà Mau bằng đôi bàn tay khéo léo, sự kiên nhẫn lặng lẽ dựng lại những mái nhà ở miền Tây xưa, lưu giữ cả một vùng ký ức tuổi thơ. Những tác phẩm của chị không chỉ mang tính nghệ thuật, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, để ký ức miền Tây sống mãi trong lòng mỗi người.

Chị Hồng Phúc biến giấy bìa, tăm tre... thành nếp nhà miền Tây xưa.

Không học mỹ thuật, cũng không phải dân kiến trúc, chị Nguyễn Hồng Phúc (ở phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau) vẫn khiến nhiều người nể phục bởi tài biến giấy bìa, tăm tre... thành nếp nhà xưa, những cảnh vật thôn quê, để giữ lại ký ức tuổi thơ ở sông nước miền Tây.

Những căn nhà mô hình bé xíu, nhưng bên trong vẫn đầy đủ bếp lửa, mâm cơm đồng quê, giường, tủ, kệ thờ, hay cảnh vườn với cây rơm, đàn trâu, đàn gà; hình ảnh đôi vợ chồng tóc bạc phơ ngồi uống trà, nghe radio bên ao cá, cánh đồng lúa thơ mộng… đều được chị Phúc thu nhỏ, đóng khung trong lòng bàn tay.

 Chị Nguyễn Hồng Phúc tỉ mẩn ráp nội thất cho một mô hình căn nhà miền Tây xưa.

Chị Nguyễn Hồng Phúc tỉ mẩn ráp nội thất cho một mô hình căn nhà miền Tây xưa.

Chị Phúc kể, thời điểm dịch COVID-19, chị tình cờ xem trên mạng những mô hình nhà miền Tây thu nhỏ và học làm theo. Ban đầu, chị làm những căn nhà sàn miền Tây xưa, những mô hình tàu, ghe, rồi dần dần đam mê lúc nào không hay.

Nhiều căn nhà của chị làm ra không dựa theo mẫu, chỉ từ trí nhớ, từ một bức ảnh cũ, hoặc từ chính ngôi nhà thuở bé chị từng ở.

“Tôi rất thích những gì mộc mạc, đơn sơ của ngày xưa nên muốn dựng lại để con cái qua đó biết được những gì cha mẹ, ông bà đã từng trải qua. Từng mái hiên, lu nước, cối xay gạo... chỉ cần nhìn thấy là nỗi nhớ quê hương lại ùa về. Cũng từ nỗi nhớ ấy, những ngôi nhà mô hình được nhiều người con xa quê cùng sở thích tìm đến”, chị Phúc chia sẻ.

Theo lời chị Phúc, các mô hình chị làm ra cũng có nhiều người tìm tới mua, khách hàng đa phần người lớn tuổi, muốn quay lại tuổi thơ, cũng có trường mầm non mượn các mô hình chị làm để dạy trẻ biết về nguồn cội quê xưa.

 Mô hình căn nhà bé xíu nhưng khó quên với nhiều người.

Mô hình căn nhà bé xíu nhưng khó quên với nhiều người.

“Có lần, một chủ tiệm vàng gửi ảnh chụp nhà ngày xưa rồi đặt mình làm lại mô hình, khi nhận sản phẩm thấy giống như thật liền đặt thêm căn nhà của cha mẹ xưa. Cũng có lần một cụ ông khoảng 80 tuổi đứng suốt vài giờ chăm chú theo dõi tôi làm mô hình”, chị Phúc nhớ lại.

Điều khiến chị Phúc vui nhất không phải người ta mua những mô hình mình làm ra bao nhiêu tiền, mà thấy mọi người xem rồi thốt lên “giống hệt nhà mình ngày xưa”. Tùy vào độ công phu, mỗi mô hình có giá từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Tới nay, chị đã cho ra đời hơn 20 mô hình lớn nhỏ khác nhau.

Không dừng lại ở việc làm mô hình để bán hay trưng bày, chị Phúc còn xem đây là một cách giáo dục con cái tình yêu quê hương. Nay con gái chị cũng chung đam mê với mẹ.

 Những mô hình nhỏ nhưng chân thật đến từng chi tiết.

Những mô hình nhỏ nhưng chân thật đến từng chi tiết.

 Chị Phúc làm một số mô hình phục vụ dịp Tết trung thu cho các em thiếu nhi.

Chị Phúc làm một số mô hình phục vụ dịp Tết trung thu cho các em thiếu nhi.

Tân Lộc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-phu-nu-dung-giay-bia-tam-tre-lam-mo-hinh-nha-dam-chat-ky-uc-mien-tay-post1762853.tpo