Người phụ nữ gặp triệu chứng lạ khi mang thai, được AI 'cứu sống' sau đó
Người phụ nữ đã nhờ AI giải đáp vấn đề sức khỏe của mình.
Một câu chuyện đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc: một phụ nữ mang thai ở Bắc Mỹ đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng chỉ nhờ một cuộc trò chuyện tưởng chừng vô hại với ChatGPT – công cụ trí tuệ nhân tạo của OpenAI.
Natalia Tarian, 28 tuổi, hiện sinh sống tại thành phố Charlotte, bang Nam Carolina, Mỹ. Cô đang mang thai ở tháng thứ 8 thì bất ngờ cảm thấy hàm dưới trở nên cứng đờ – một triệu chứng kỳ lạ mà cô chưa từng gặp phải trong suốt thai kỳ. Thay vì tra cứu trên mạng hay gọi bác sĩ ngay lập tức, Natalia – vốn có thói quen trò chuyện với ChatGPT để giải trí – đã thử hỏi công cụ AI này xem chuyện gì đang diễn ra với mình.

“Tôi không nghĩ đó là điều gì nghiêm trọng", Natalia chia sẻ trên Reddit. “Lúc đó tôi chỉ muốn thư giãn một chút. Nhưng ChatGPT đã khiến tôi ngạc nhiên khi đề nghị tôi đo huyết áp ngay".
Cảm thấy tò mò, Natalia làm theo. Và rồi cô giật mình khi thấy chỉ số huyết áp của mình cao bất thường. Nửa giờ sau, cô đo lại lần nữa – huyết áp không những không giảm mà còn tăng lên. ChatGPT tiếp tục nhấn mạnh rằng cô nên gọi xe cấp cứu càng sớm càng tốt. Dù ban đầu bán tín bán nghi, Natalia cuối cùng vẫn quyết định đến bệnh viện để kiểm tra cho chắc. Và quyết định đó đã cứu mạng cô.

Khi nhập viện, các bác sĩ phát hiện huyết áp của cô đã lên tới mức nguy hiểm: 200/146. Họ lập tức tiến hành mổ lấy thai khẩn cấp để bảo vệ cả mẹ và con. Natalia được chẩn đoán mắc tiền sản giật – một biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Tuy em bé chào đời an toàn, nhưng tình trạng sức khỏe của Natalia vẫn rất đáng lo ngại. Cô bắt đầu mất dần thị lực và được bác sĩ chỉ định chụp MRI khẩn cấp để kiểm tra xem có bị phù não hay không. Sau 5 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, các triệu chứng mới dần cải thiện. Cuối cùng, cô đã có thể nhìn thấy khuôn mặt con trai mình một cách rõ ràng – khoảnh khắc xúc động mà cô mô tả là “không thể quên suốt đời”.

Khi chia sẻ lại câu chuyện trên Instagram, Natalia không ngờ rằng nó lại lan truyền nhanh chóng đến vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, bài đăng của cô thu hút hơn 30 triệu lượt xem, cùng hàng loạt bình luận từ cư dân mạng trên khắp thế giới.
Nhiều người không giấu được sự kinh ngạc và xúc động: “Thật tuyệt vời khi bạn đã nghe theo lời khuyên đó", “Tôi cũng từng hỏi ChatGPT về triệu chứng đau bụng và nó khiến tôi đi khám – hôm sau tôi phải mổ ruột thừa", “Đây là lý do AI nên được sử dụng – để giúp đỡ, không phải để đánh cắp tác phẩm nghệ thuật", “ChatGPT là bác sĩ, nhà trị liệu và chuyên gia marketing của tôi luôn đó! Mừng là bạn an toàn!”.
Tuy nhiên, không ít người cũng đưa ra cảnh báo cần thiết: ChatGPT không phải bác sĩ, và việc dựa vào AI cho các vấn đề y tế nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường nếu không được xác nhận bởi chuyên gia y tế thực thụ.
Dù vậy, trường hợp của Natalia đã thổi bùng lên cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe. Nó cho thấy rằng, dù không phải là một công cụ thay thế bác sĩ, AI vẫn có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc nâng cao nhận thức, cảnh báo nguy cơ và thúc đẩy hành động kịp thời – đặc biệt là khi con người có xu hướng xem nhẹ triệu chứng hoặc trì hoãn việc đi khám.
Natalia chia sẻ: “Tôi không ngờ một cuộc trò chuyện ngẫu hứng lại cứu mạng tôi và con trai. Dù ChatGPT không phải là bác sĩ, nhưng tôi biết ơn vì nó đã thúc đẩy tôi hành động kịp lúc".
Câu chuyện của cô như một lời nhắc nhở rằng trong thời đại số, công nghệ – nếu được sử dụng đúng cách – có thể trở thành một người bạn đồng hành đắc lực trong việc bảo vệ sức khỏe, và đôi khi, cả tính mạng con người.