Việc cần làm ngay khi nghi ngờ uống nhầm thuốc giả

Nếu vô tình sử dụng loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo thuốc giả, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và hành động kịp thời.

 Tang vật là thuốc chữa bệnh giả vừa bị công an thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Tang vật là thuốc chữa bệnh giả vừa bị công an thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đánh sập đường dây sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả có quy mô lớn, với tổng khối lượng hàng giả lên tới 10 tấn và số tiền thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng. Chiến dịch khám xét đồng loạt tại 6 điểm nóng từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đến TP.HCM, An Giang và Đồng Tháp đã hé lộ một mạng lưới tinh vi, chuyên cung cấp 21 loại thuốc tân dược và thuốc chữa xương khớp giả.

"Cú phanh gấp" này không chỉ khiến dư luận rúng động mà còn khiến nhiều người dân hoang mang khi nhận ra mình có thể đã dùng phải thuốc giả.

Thuốc giả không chỉ là bột vô hại

Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, một trong những hiểm họa khôn lường nhất của thuốc giả chính là khả năng "ngụy trang" triệu chứng, khiến bác sĩ chẩn đoán sai, người bệnh bỏ lỡ thời điểm vàng trong điều trị. Với các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường hay xương khớp, chậm trễ điều trị có thể đổi bằng biến chứng nặng nề.

"Uống phải thuốc giả, người tăng huyết áp hoặc suy tim có thể rơi vào đột quỵ mà không hiểu vì sao. Người bệnh nghĩ mình đang được điều trị, nhưng thực chất không có bất kỳ hoạt chất nào tác động. Trong khi đó, bệnh vẫn âm thầm tiến triển, phá hủy mô, cơ và khớp. Khi quay lại bệnh viện, mọi chuyện có khi đã quá muộn", bác sĩ Mạnh nói.

Theo bác sĩ Mạnh, không dừng lại ở việc không có tác dụng điều trị, nhiều loại thuốc giả còn được sản xuất bằng nguyên liệu rẻ tiền, thảo mộc không rõ nguồn gốc, thậm chí trộn bột màu công nghiệp, kim loại nặng như chì và thủy ngân. Những chất này, khi tích tụ lâu ngày trong cơ thể, có thể gây độc gan, suy thận, rối loạn thần kinh, tổn thương tiêu hóa và mạch máu.

Đáng sợ hơn, các sản phẩm điều trị xương khớp, thường được người cao tuổi ưa chuộng, lại bị trộn corticoid liều cao để tạo cảm giác "giảm đau tức thì". Hệ quả là suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, thậm chí suy tim - một cái giá quá đắt cho sự nhẹ dạ.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho rằng vụ bắt giữ đường dây sản xuất và phân phối thuốc giả quy mô lớn khiến dư luận bàng hoàng không chỉ vì sự táo tợn của các đối tượng mà còn bởi hậu quả khôn lường với sức khỏe cộng đồng. Song, chúng ta cần làm rõ bản chất "giả" của các loại thuốc này.

 Một trong những hiểm họa khôn lường nhất của thuốc giả chính là khả năng "ngụy trang" triệu chứng, khiến bác sĩ chẩn đoán sai, người bệnh thì bỏ lỡ thời điểm vàng trong điều trị. Ảnh: Freepik.

Một trong những hiểm họa khôn lường nhất của thuốc giả chính là khả năng "ngụy trang" triệu chứng, khiến bác sĩ chẩn đoán sai, người bệnh thì bỏ lỡ thời điểm vàng trong điều trị. Ảnh: Freepik.

"Nếu chỉ là bột vô hại, không có hoạt chất, thuốc hoàn toàn không tác dụng, khiến bệnh diễn tiến nghiêm trọng, đặc biệt với các trường hợp nhiễm khuẩn. Nguy hiểm hơn, nếu thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đủ hàm lượng như ghi trên nhãn, hiệu quả điều trị sẽ suy giảm, làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc - một hiểm họa y tế toàn cầu", TS.DS Hùng phân tích.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh với trẻ em mắc viêm phổi, viêm màng não hay nhiễm trùng huyết, việc dùng kháng sinh giả chẳng khác nào tước đi cơ hội sống còn duy nhất.

Làm sao để không thành nạn nhân?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc phòng, khuyến cáo nếu vô tình sử dụng loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và hành động kịp thời.

"Đầu tiên, hãy ngừng ngay việc sử dụng thuốc. Dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi. Người bệnh nên giữ lại bao bì thuốc, theo dõi sát các biểu hiện bất thường và đến cơ sở y tế gần nhất. Việc khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi", bác sĩ Hoàng hướng dẫn.

Đồng thời, ông nhấn mạnh đừng quên báo cáo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương. Hành động này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng cũng đưa ra 5 nguyên tắc giúp người dân tránh mua phải thuốc giả:

Tìm hiểu tên sản phẩm, đảm bảo không nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng (tác dụng hỗ trợ sức khỏe) và thuốc (tác dụng điều trị bệnh).
Đọc kỹ nhãn hay bao bì sản phẩm, tìm hiểu thông tin về thành phần, hoạt chất chính, hàm lượng có đủ khuyến nghị hàng ngày cho cơ thể. Tìm hiểu các thành phần phụ bao gồm chất bảo quản, hương liệu, màu thực phẩm, thành phần gây dị ứng hoặc chất độc hại.
Tìm hiểu liều lượng và hướng dẫn sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, ghi trên nhãn hoặc phiếu công bố chất lượng thường kèm trong hộp sản phẩm. Không tự ý tăng liều uống để tránh ngộ độc. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền cần tham vấn bác sĩ nếu muốn dùng thuốc.
Kiểm tra thông tin về nhà sản xuất, giấy chứng nhận đạt các tiêu chuẩn như GMP, ISO, HACCP, hoặc Bộ Y tế cấp phép. Có thể kiểm tra mã vạch, QR code để xác minh thông tin sản phẩm.
Kiểm tra hạn sử dụng thuốc, tránh mua sản phẩm gần hết hạn hoặc bao bì bị hỏng.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/viec-can-lam-ngay-khi-nghi-ngo-uong-nham-thuoc-gia-post1547353.html