Người phụ nữ giúp Ấn Độ làm nên thành công của tàu khám phá Mặt trăng

Ngày 23/8, Ấn Độ vỡ òa vui mừng khi Chandrayaan-3 đáp xuống cực nam của Mặt trăng thành công. Ít ai biết rằng phía sau thành công đó là một phụ nữ.

 Tàu tự hành Chandrayaan-3 đáp xuống vùng cực nam của Mặt trăng ngày 23/8. (Ảnh: ISRO)

Tàu tự hành Chandrayaan-3 đáp xuống vùng cực nam của Mặt trăng ngày 23/8. (Ảnh: ISRO)

Thành viên chính trong nhóm làm nên thành công của sứ mệnh đầy tham vọng là bà Ritu Karidhal Srivastava, người được đặt biệt danh là “Người phụ nữ tên lửa” của Ấn Độ.

TS Karidhal là nhà khoa học cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), giám đốc sứ mệnh của Chandrayaan-2 và phó giám đốc điều hành của Mangalyaan - sứ mệnh tàu quỹ đạo sao Hỏa (MOM) của Ấn Độ.

Bà được ưu ái gọi với biệt danh “Người phụ nữ tên lửa” vì khả năng lãnh đạo và đóng góp to lớn cho các dự án lớn của ISRO.

Thành công này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên đến được cực nam của vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.

TS Karidhal là cử nhân Vật lý của ĐH Lucknow, sau đó nhận bằng thạc sĩ về kỹ thuật hàng không vũ trụ của Viện Khoa học Ấn Độ (IISc). Năm 1997, bà gia nhập ISRO.

Bà Karidhal đã được trao nhiều giải thưởng cho các thành tích trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

TS Karidhal luôn bị mê hoặc bởi không gian vũ trụ và muốn làm điều gì đó khác biệt. Bà từng sưu tập những mẩu giấy cắt ra từ các bản tin ISRO và NASA, sau đó xuất bản hơn 20 bài báo trên các ấn phẩm quốc tế và quốc gia về lĩnh vực này.

TS Karidhal được coi là hình mẫu cho những phụ nữ mơ ước tạo nên dấu ấn trong lĩnh vực STEM.

Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của ISRO được phóng lên thành công từ trung tâm vũ trụ Satish Dhawan hôm 14/7, vượt qua hành trình dài 300.000km để đến được khu vực cực nam của Mặt trăng.

Thành công này đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực khám phá không gian vũ trụ. Trước đây, chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ đưa được tàu tự hành hạ cánh mềm xuống Mặt trăng.

Trước đó, Ấn Độ đã thực hiện hai sứ mệnh Mặt trăng. Sứ mệnh Chandrayaan đầu tiên được phóng lên ngày 22/10/2008 để tìm nước. Chandrayaan-2 được phóng vào ngày 22/7/2019 nhưng bị lạc chỉ còn cách Mặt Trăng 2,1 km.

Mục tiêu chính của Chandrayaan-3 là phân tích hóa học và phám phá các yếu tố phục vụ những sứ mệnh khám phá vũ trụ trong tương lai.

Bình Giang

Theo IndianExpress

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-phu-nu-giup-an-do-lam-nen-thanh-cong-cua-tau-kham-pha-mat-trang-post1562932.tpo