Người phụ nữ hơn một thập kỷ chôn cất hàng nghìn thai nhi
Trong suốt 13 năm, bà Đỗ Thị Cúc (xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã tự tay mình tìm kiếm và chôn cất hàng nghìn thai nhi vô thừa nhận. Và như một cơ duyên, sau suốt hành trình 'khác người' ấy, bà cũng tự tay đón thêm về gia đình mình 3 người con không cùng máu mủ.
Câu chuyện của bà Cúc cũng là minh chứng đầy thuyết phục cho tấm lòng bao dung, độ lượng của người phụ nữ Việt Nam.
Người mẹ của hơn hàng nghìn thai nhi xấu số
Một buổi chiều mùa hè năm 2009, theo thông lệ, bà Cúc dắt chiếc xe đạp cà tàng của mình ra khỏi căn nhà nhỏ ra bãi rác ven đê để nhặt ve chai. Trong lúc đang lúi cúi với phế liệu, bất ngờ bà thấy một bọc ni-lông màu đen kín mít. Tò mò, người phụ nữ mở ra xem thì bủn rủn cả người khi phát hiện 7 thai nhi nhỏ xíu…
Lúc ấy, mồ hôi bà Cúc đổ ra như tắm, cả người run rẩy không dám tin vào mắt mình. Trong một khoảng khắc, tất cả như mờ nhòe đi, chỉ còn lại những hình ảnh đầy bi thương đang đập ngay vào trước mắt.
Bắt đầu câu chuyện về… mối duyên nợ với thai nhi, bà Đỗ Thị Cúc run run kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện 13 năm về trước ấy. Bà bảo: Đó cũng là lần đầu tiên một người phụ nữ nông dân vốn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhìn thấy những thi hài bé nhỏ, còn chưa lớn nổi thành hình hài con người.
Lúc ấy, tôi vừa sợ, vừa thương các con. Không thể để các con nằm lại ở đây với nắng mưa được.
Bà Đỗ Thị Cúc
“Lúc ấy, tôi vừa sợ, vừa thương các con. Không thể để các con nằm lại ở đây với nắng mưa được”, bà Cúc bần thần nhớ lại, những nếp nhăn trên khuôn mặt khẽ xô nhau, dồn về phía khóe mắt đỏ hoe.
Nghĩ là làm, bà Cúc lục khắp người, lộn túi trái, moi túi phải thì chỉ còn đúng… 38.000 đồng phòng thân. Toàn bộ số tiền phòng thân này sau đó đã được bà mua khăn trắng và 7 chiếc hộp nhựa để về khâm liệm, chôn cất cho 7 thai nhi.
Ngày hôm sau, biết tin bà Cúc “tìm thấy” nhiều thai nhi, lực lượng công an địa phương đã tới nhà và nhờ bà đưa tới địa điểm phát hiện. Thế nhưng, khi tới nơi, bãi rác đã bị người ta đốt cháy nham nhở. Trong lúc mọi người vẫn đang loay hoay, bà Cúc bất ngờ phát hiện một bọc màu đen nằm sát vệ trồng khoai nước. Mở ra, bên trong ngoài lổn nhổn những ống truyền, băng gạc, kim tiêm là 8 thai nhi bé bỏng nữa.
“Các anh ơi đây rồi”, bà hốt hoảng la lên.
Từ phía xung quanh, tất cả xúm lại. Không ai bảo ai, những người có mặt tại hiện trường đều bật khóc.
Cũng từ cái ngày định mệnh ấy, người phụ nữ làng Phú Đa gắn bó với hành trình tìm kiếm và chôn cất những đứa trẻ chưa kịp có cơ may làm người. Quyết định kỳ lạ và có phần “điên rồ” của bà cũng được gia đình ủng hộ. Ngày ngày, bà rong ruổi trên chiếc xe cũ mèm khắp các bãi rác ở Hà Nam, Hưng Yên, các khu vực lân cận phòng khám tư để tìm kiếm, thu nhặt xác thai nhi về chôn cất. Hôm ít thì bà nhặt được vài bé, bữa nào nhiều thì lên tới hàng chục. Người dân quanh vùng cũng thường xuyên gọi bà trong trường hợp phát hiện những thai nhi bị phá bỏ.
Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà nằm bên thân đê, bà Cúc chỉ tay vào một góc nhỏ nhắn ngoài sân, phía trên xếp ngay ngắn vài chiếc tiểu sành đợi sẵn. Bà cho hay, trước kia, do chưa có điều kiện nên bà thường mua các hộp nhựa hoặc dùng khuôn xi măng ghép lại thành tiểu để chôn cất. Khi nào có khoản dư, thì bà lại sắm sửa tiểu sành đầy đủ.
“Ban đầu, người ta còn bàn ra, tán vào, nói tôi gàn dở này kia. Nhưng tôi tự nghĩ, để các cháu nằm lẫn lộn trong rác thì không sao đành lòng. Thế là cứ làm, làm như một thói quen và cũng là cách để cho mình thấy bình an”, ngừng lại một lát, bà Cúc khe khẽ thở dài.
Trong suốt 13 năm tìm và đưa những thiên thần chưa bao giờ biết khóc về yên nghỉ với đất mẹ, bà Cúc từng chứng kiến nhiều cảnh hết sức đau lòng. Đó là trường hợp một em bé đã đầy đủ hình hài, nặng 2,7kg bị bỏ lại trên bãi rác của thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam); hay trường hợp một cặp song sinh bị phá bỏ khi chưa đầy 20 tuần tuổi. Mỗi lần như thế, bà đều cẩn thận tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, đeo tất tay, tất chân rồi mới chôn cất.
Bà cũng dành riêng một khu đất cho phần mộ thai nhi. Ngày giờ chôn cất, thời gian lập mộ, tổng số đều được khắc cẩn thận trên bia mộ.
Lẩm nhẩm đếm, bà Cúc bảo: “Con số có thể đã lên tới hàng nghìn. Tôi không biết rõ nữa. Chỉ nghĩ: Ngày nào còn sức, tôi sẽ vẫn đi tìm và lo cho các con”.
Hạnh phúc nở hoa dù không chung dòng máu
13 năm rong ruổi, bà Cúc “thai nhi” còn tìm kiếm được thêm cho gia đình 3 thành viên nhí đặc biệt.
Dừng lại một chút, bà kể: Cách đây hơn 8 năm, bà nghe tin một người mẹ trẻ lỡ dở định phá thai nên liền bỏ hết công việc tới khuyên nhủ, hỗ trợ rồi… quyết định nhận luôn hai cháu bé từ khi lọt lòng để chăm sóc.
“Lúc ấy, cô bé mới mang thai được 2 tháng nhưng cứ nằng nặc đòi bỏ nên ngày nào tôi cũng phải gọi điện động viên. Có ngày, tôi còn đi 20-30km mang gạo cho cháu ăn tẩm bổ”, Bà Cúc nhớ lại.
Sau một thời gian, người mẹ trẻ ấy trở dạ. Đích thân bà vay mượn được hơn 10 triệu đồng rồi vào bệnh viện chăm lo. Hai bé sinh đôi Trần Bảo Q. và Trần Bảo K. ngay sau đó được giao lại cho bà Cúc. Còn người mẹ thì bỏ vào miền Nam sinh sống cho tới tận bây giờ.
"Bảo Q. và Bảo K. sinh ra rất yếu do mẹ các bé giấu thai nên để lại nhiều hậu quả. Trong suốt những tháng đầu, hai con chỉ ngủ trên vòng tay tôi cả ngày lẫn đêm nên thời gian đó tôi vô cùng mệt mỏi. Cả hai con mắt hơi kém. Tôi cũng đưa con đi viện khám nhưng bác sĩ bảo cháu bị bẩm sinh nên không còn cách nào chữa trị. Cũng vì thế mà hai con học hành cũng bị ảnh hưởng nhiều", bà Cúc thở dài.
Sống trong tình yêu thương, bao bọc của bà Cúc, hai bé Bảo Q. và Bảo K. đã có tuổi thơ đúng nghĩa, được nghịch ngợm vui đùa như bao đứa trẻ nhưng luôn biết ngoan ngoãn nghe lời. Hai anh em khoác vai nhau chia sẻ: "Mẹ của chúng con là mẹ Cúc, chúng con yêu mẹ nhiều lắm".
Khác với anh em Bảo Q. và Bảo K., trường hợp của bé Hồng A. lại vô cùng đặc biệt. Cô bé 4 tuổi được bà Cúc đưa về sau khi bị bố mẹ bỏ rơi lúc còn đỏ hỏn.
“Tôi vẫn nhớ đó là vào ngày 25/9 Âm lịch năm 2018, khoảng 21 giờ tối, tôi đang đi trên đê gần cầu Yên Lệnh (Duy Tiên, Hà Nam) thì phát hiện một bọc màu trắng bên đường. Tới gần thì thấy một bé gái đang ngằn ngặt khóc. Thương quá, tôi vội vàng cởi áo, bọc cháu lại rồi mang về nhà rồi gọi bác sĩ tới khám. Rất may, con khỏe mạnh bình thường”, bà Cúc kể.
Những ngày sau đó, hình ảnh bé được đăng tải trên mạng xã hội. Thế nhưng, những người tìm đến đều không ai chứng minh được quan hệ với cháu. Đặng chẳng đừng, bà Cúc lại quyết định nhận bé làm con và đặt cho cái tên Hồng A.
"Bé rất ngoan, trong suốt một tháng trời tôi nuôi con không một tiếng khóc, ăn xong là ngủ. Giờ bé đã gần 4 tuổi tuổi, đáng yêu, xinh xắn, thông minh, biết quan tâm đến mẹ", người phụ nữ này chia sẻ.
Tôi nghĩ, quan trọng là cái tâm, cái đức. Gia đình tôi từ khi có thêm công việc này cũng có thêm nhiều niềm vui và tiếng cười.
Ông Trần Thuyến (chồng bà Cúc)
Ông Trần Thuyến, chồng bà Cúc ngồi ngay bên cạnh cười lành lẽ khi chúng tôi hỏi có bao giờ thấy chạnh lòng vì ở độ tuổi quá 50, hai vợ chồng ông vẫn trong cảnh cha già, con cọc không. Ông bảo: “Tôi nghĩ, quan trọng là cái tâm, cái đức. Gia đình tôi từ khi có thêm công việc này cũng có thêm nhiều niềm vui và tiếng cười”.
Chia tay ông bà, bóng chiều đã loang lổ đổ trên thân đê xao xác gió. Ngày mai, bà Cúc sẽ lại tiếp tục hành trình khó tin nhưng có thật như suốt 13 năm qua của mình…