Người phụ nữ Hưng Yên cưu mang bé gái bị bỏ rơi, 20 năm sau gặt 'trái gọt'

20 năm cưu mang bé gái bị mẹ bỏ rơi, bà Bình cuối cùng đã được gặt 'trái ngọt'.

Sáng 1/8, chúng tôi nhấc điện thoại gọi cho bà Đặng Thị Bình (SN 1955, ngụ Hưng Yên) – người trông trẻ bất đắc dĩ phải nuôi con chủ suốt 20 năm qua. Chuông đổ 2-3 tiếng, bà đã bắt máy và hỏi chuyện bằng chất giọng hào sảng: "Ai gọi cho bà đó, có chuyện gì hay không?".

Lúc này, chúng tôi đặt vấn đề muốn hỏi thăm sức khỏe cũng như cuộc sống hiện tại của 2 bà cháu. Bà bỗng cười giòn tan: "Bà á! Bà vẫn khỏe lắm. Cuộc sống của bà vẫn vậy".

U70 đi làm giúp việc và đón trẻ trong xóm

Sau đó, người phụ nữ gần 70 tuổi cho biết bà vẫn sống trong ngôi nhà trọ tại xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên). Hằng ngày bà đi làm giúp việc dọn dẹp cho hàng xóm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. "Tôi chỉ làm giúp việc dọn dẹp nhà, thời gian khá linh động, lại không ở cùng chủ nên mức lương có vậy. So với thành phố thì không cao nhưng ở nhà quê vậy là ổn lắm", bà Bình nói.

Ngoài ra, bà Bình còn nhận đón 3 trẻ từ trường về nhà. Bà kể, sáng ra phụ huynh sẽ đưa con đến lớp, sau đó chiều bà đến đón chúng rồi đưa về tận nhà. Công việc không vất vả nên bà chỉ nhận 300.000 đồng/tháng/bé. Như vậy, bà sẽ có thêm 900.000 đồng góp vào thu nhập hàng tháng.

"Mỗi tháng, tôi kiếm được 4 triệu đồng. Tôi chia ra một phần để trang trải chi phí sinh hoạt; một phần cho cái Thương (đứa trẻ được bà nhận nuôi năm nào - PV) đi học và còn lại tiết kiệm phòng lúc ốm đau.

Tôi cũng dành được một khoản nho nhỏ đợi khi cháu đám cưới sẽ lên tặng làm của hồi môn. Khi đó nó về nhà chồng cũng đỡ tủi thân", người phụ nữ thành thật.

Bà Bình và Thương - cháu gái không cùng máu mủ

Bà Bình và Thương - cháu gái không cùng máu mủ

"Thương học trường đại học gì vậy bà?", khi được hỏi, bà Bình niềm nở cho biết, em đang học năm 3 trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2. Toàn bộ học phí 4 năm sẽ được nhà nước hỗ trợ 100% theo quy định. Còn tiền ăn và ở trọ, bà sẽ chu cấp hàng tháng.

"Tôi muốn con bé tập trung học tập nên bảo không phải đi làm thêm. Hàng tháng, tôi sẽ gửi tiền cho cháu trang trải chi phí ăn uống, ở trọ.

Con bé hiểu chuyện nên sống tiết kiệm lắm, mỗi tháng chỉ tiêu vài trăm nghìn. Nhiều lúc tôi bảo con cứ mua cái quần cái áo mới mà diện nhưng thấy vẫn mặc đồ cũ", bà Bình tâm sự.

Vừa dứt lời, bà Bình cho biết hiện Thương đang được nghỉ hè và trở về nhà sống cùng bà. Bà không yêu cầu em phải làm bất cứ việc gì nặng nhọc, chỉ cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ, còn bà sẽ làm tất cả.

Thương ngày bé

Thương ngày bé

Bà bảo đó không phải là chiều chuộng mà muốn được chăm sóc Thương mỗi ngày. Bà biết em đã lớn, chỉ vài năm nữa sẽ có người yêu và lấy chồng. Khi đó, bà sẽ không được ở gần để chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ. Hơn cả, bà muốn bù đắp những thiệt thòi mà em đã phải chịu đựng suốt từ tấm bé.

Hơn 20 năm nuôi con của chủ nhà

Năm 2002, do cảnh nhà nghèo khó, làm ruộng không đủ tiền nuôi con ăn học, bà Bình quyết định khăn gói lên Hà Nội nhận trông trẻ thuê cho các gia đình. 2 năm sau, bà nhận trông Thương trong một căn nhà trọ. Khi đó, em mới 5 tháng tuổi.

Bà Bình nhớ lại: "Hồi đó, mẹ cái Thương giao con bé cho tôi chăm sóc hoàn toàn. Cô ấy qua đi qua đêm, có đợt đi vài ngày mới về. Tôi hỏi thì kêu đi chữa bệnh.

Tôi thấy nhà có 2 mẹ con nên đồng ý chăm sóc giúp, coi con bé như cháu ruột. Tôi tìm mọi cách để nó có sữa bú những lúc mẹ vắng nhà".

Thương hơn 1 tuổi, người mẹ cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Bà Bình vẫn nhớ như in ngày 22/2/2005 - ngày con gái bà có người vào đặt vấn đề ăn hỏi. Bà điện cho mẹ Thương để thông báo nhà có việc nên không trông được. Nhưng không thấy người phụ nữ về trông con.

Với Thương, bà Bình chính là gia đình, là tất cả của cuộc đời

Với Thương, bà Bình chính là gia đình, là tất cả của cuộc đời

Sau đó nhiều ngày, bà liên tục điện thoại mà không được. Ban đầu bà cứ nghĩ họ ốm đau, nằm viện nên cố gắng chờ đợi. Cuối cùng bà chẳng thể liên lạc được.

"Hồi đầu, tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ tìm lại được mẹ của cái Thương. Cứ ở đâu có tin tức, tôi lại tìm đến tận nơi hỏi thăm tình hình. Nhiều người khuyên tôi nên cho nó vào trại trẻ mồ côi để bớt gánh nặng nhưng đâu có được.

Tôi vẫn nghĩ nhỡ người mẹ quay về tìm thì 2 mẹ con lại lạc mất nhau. Thế rồi bố tôi bảo, duyên phận đã đưa con bé đến với gia đình, thì cứ dang tay đón lấy", bà Bình xúc động nhớ lại.

Nhận nuôi Thương, bà Bình càng khó khăn hơn. Bà phải nhận trông thêm 2 - 3 đứa trẻ quanh xóm và làm các công việc như nhặt rác, hái thuê rau muống... để có tiền nuôi con và cháu.

Bà kể hồi đó ngày trông trẻ, tối lại địu Thương theo để nhặt rác, hái rau. Bà không có tiền mua sữa bột đành phải mua sữa đặc pha ra cho cháu uống. Cuối thánh lĩnh lương, bà mua vài vỉ sữa tươi để thay đổi.

Thương hiện là sinh viên sư phạm

Thương hiện là sinh viên sư phạm

"Tôi nói không phải kể công nhưng thực sự nhận nuôi cái Thương vất vả vô cùng. Tôi không chỉ nuôi nấng, dạy dỗ con bé mà còn lo làm giấy khai sinh, xin cho đi học. Bởi mẹ nó đâu có để lại giấy tờ gì.

Lúc sắp vào lớp 1, con bé chưa có giấy khai sinh vì không bố mẹ, lại chẳng nằm trong hộ khẩu của nhà ai nên không thể đến trường. Tôi đi gõ cửa khắp nơi, mất mấy tháng ngược xuôi cùng nhiều sự giúp đỡ mới có thể cho nó đi học", bà Bình tâm sự.

Hơn 20 năm nuôi dưỡng đứa trẻ không cùng máu mủ, bà Bình cuối cùng đã được gặt "trái ngọt" khi thấy Thương đã trưởng thành, trở thành cô sinh viên sư phạm. Đặc biệt mong ước duy nhất của bà ở tuổi 69 không phải sức khỏe hay tiền bạc mà là Thương.

"Tôi không mong ngày con bé báo hiếu hay nuôi dưỡng lại mình. Tôi chỉ mong nó tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Sau đó, nó cưới được người chồng tử tế rồi xây dựng tổ ấm. Có như thế, tôi mới yên lòng", bà nghẹn ngào.

Không muốn gặp lại bố mẹ ruột

Khi còn nhỏ, Thương vẫn nghĩ mình là cháu ruột của bà Bình. Đến khi biết chuyện, cú sốc lớn khiến em khóc rất nhiều ngày. Em khép kín, trầm tính và ít nói nhưng chưa bao giờ hỏi về bố mẹ ruột.

Bà Bình thương cháu, đến lớp nhờ cô giáo cho Thương vào đội múa của trường. Từ đó, em sống hòa đồng và không còn nhắc đến chuyện cũ.

"Giờ em đã biết bố mẹ ruột là ai nhưng không muốn gặp lại. Họ không tìm em sau bao năm như thế, có nghĩa cuộc sống đang rất tốt. Em không muốn vì em mà cuộc sống của họ đảo lộn.

Với em, bà và các con của bà là người thân ruột thịt. Hiện tại em có bà, có bố mẹ (Thương gọi các con của bà Bình là bố mẹ - PV), hà cớ phải thêm bố mẹ làm gì nữa”, Thương quả quyết.

Khai Tâm

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/nguoi-phu-nu-cuu-mang-be-gai-bi-bo-roi-20-nam-sau-gat-trai-ngot-202408030216452423.html