Người phụ nữ mắc căn bệnh đau đớn nhất thế giới
Kayla Hansen mắc căn bệnh mà nỗi đau của nó mang lại hơn cả khi sinh con, gãy xương hay hóa trị ung thư.
Cuộc sống của Kayla Hansen (sinh năm 1989), đến từ Arizona, Mỹ bắt đầu bị đảo lộn kể từ năm 2015 khi cô vô tình đập tay vào cửa xe. Cô không ngờ tai nạn nhỏ lại khiến bản thân mang theo căn bệnh đau đớn, cơ thể lở loét và không thể tự làm nhiều thứ.
Tai nạn bất ngờ mang theo nỗi đau cả đời
Tháng 12/2015, Kayla bất ngờ bị đập tay vào hai cánh cửa xe hơi. Chấn thương có thể xảy ra thường xuyên đó lại dẫn tới tình trạng nguy hiểm và không thể tưởng tượng được cho người phụ nữ này.
Một năm sau vụ chấn thương nói trên, cô đến bệnh viện kiểm tra vì tình trạng nóng rát “như bị thiêu đốt từ bên trong”. Theo Daily Mail, căn bệnh khiến mỗi hành động tiếp xúc của Kayla cũng trở thành một cơn đau thấu xương. Cô không thể lái xe, thậm chí rửa tay cũng làm làn da trở nên phồng rộp.
Ban đầu, các bác sĩ không tin, cho đến khi chứng kiến những tổn thương trên da của Kayla. Sau khi nghiên cứu, họ chẩn đoán cô mắc hội chứng đau khu vực phức tạp (CRPS). CRPS là tình trạng hệ thống thần kinh tấn công toàn bộ cơ thể của người bệnh.
Hầu hết người mắc đều phải trải qua cơn đau đớn toàn thân, cảm giác như bị bỏng, thiêu đốt từ bên trong hoặc bị ai đó đâm, cắt da thịt.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn không thể giải thích được nguyên nhân kích hoạt căn bệnh là từ đâu. Cứ 4.000 người sẽ có 1 người bị CRPS tấn công ở một mức độ nào đó.
Cuộc sống đảo lộn vì chứng bệnh lạ
Nói về thử thách tồi tệ nhất đời mình, Kayla chia sẻ với Barcroft TV trong một cuộc phỏng vấn: "Ở một số người, CRPS sẽ chỉ xuất hiện trên một cánh tay hoặc một chân nhưng tôi lại là trường hợp bị CRPS toàn thân”.
Hội chứng đau khu vực phức tạp được đánh giá là căn bệnh đau đớn nhất thế giới. Nỗi đau của nó mang lại vượt xa cả nỗi đau khi sinh con, gãy xương hay hóa trị ung thư. CRPS còn có biệt danh là “bệnh tự tử” vì số lượng người tìm đến cái chết sau khi không chịu nổi nỗi đau cơ thể rất cao.
Nữ bệnh nhân miêu tả cảm giác đau đớn không thể tồi tệ hơn: "Từ đầu đến chân giống như ai đó đổ xăng vào và châm mồi lửa đốt, sau đó lại đưa vào máy nghiền rác”. Kayla đang ở giai đoạn 4 của bệnh - tình trạng nặng nhất của hội chứng đau khu vực phức tạp.
Nếu “chấm điểm” cho nỗi đau mà Kayla phải chịu đựng từ 1 đến 10 thì hầu hết cơn đau đều ở mức cao nhất. "May mắn một số ngày nỗi đau giảm xuống mức 9 hoặc 9,5 nhờ thuốc giảm đau. Nhưng không bao giờ nó xuống thấp hơn nữa”, cô kể.
Chỉ 2 năm sau khi mắc bệnh, tình trạng lở loét của Kayla đã lan từ cánh tay phải xuống đến bàn tay và toàn cơ thể, thậm chí cả da đầu. Cô sử dụng một loại kem giảm đau dành cho những người xạ trị để bôi, nhằm giảm thiểu mức độ đau đớn, dù không nhiều.
“Tôi không thể lái xe hay làm bất kỳ điều gì, thậm chí là rửa tay. Nó khiến tôi căng thẳng và lo lắng vì mình trở nên phụ thuộc vào người khác”, NZ Herald dẫn lời bệnh nhân.
Trước khi mắc bệnh, Kayla là quản lý một nhà hàng Italy. Từ khi phát hiện mắc CRPS, hình ảnh một người phụ nữ trẻ độc lập, hòa đồng không còn, thay vào đó, cô phải gắn chặt với chiếc giường và sống phụ thuộc vào mẹ, nhờ bà giúp đỡ những việc nhỏ nhất như tắm hay đi vệ sinh.
Tìm cách sống chung với căn bệnh đau đớn nhất thế giới
Mắc chứng bệnh lạ lùng và đau đớn nhưng Kayla vẫn tìm nhiều cách để thích nghi với nó. Nhiệt độ trung bình của Arizona khoảng 30 độ C.
Điều kiện thời tiết càng làm cho tình trạng bệnh của Kayla tồi tệ hơn. Trong những tháng hè, nhiệt độ vượt mốc 38 độc C, người phụ nữ này phải ở trong phòng ngủ và theo dõi cẩn thận. Điều hòa luôn mở ở 18 độ C để giữ cho các vết lở loét không bị kích thích.
CRPS không có cách chữa trị nhưng có thể thuyên giảm nhờ vào một số biện pháp. Chính vì vậy, trong suốt 5 năm mắc bệnh, cô luôn thử nhiều cách để kiểm soát mức độ đau đớn.
Nữ bệnh nhân chia sẻ: "Tôi đã trải qua một vài lần điều trị kể từ khi mắc CRPS như tiêm truyền ketamine - loại dược phẩm cho những người đau mạn tính nghiêm trọng hay gây mê 10-15 dây thần kinh cảm giác”. Tuy nhiên, tất cả cách đó đều không hiệu quả.
“Lúc đầu, tôi rất thất vọng vì thử biện pháp nào cũng thất bại. Nhưng qua khỏi cảm giác buồn bã, tôi đã chấp nhận nó và sống chung như một phần của đời mình”, Kayla nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-mac-can-benh-dau-don-nhat-the-gioi-post1097388.html