Người phụ nữ nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng

Sau gần 2 tiếng đồng hồ đi xe gắn máy từ TP. Đông Hà lên thôn Tà Lao, xã Tà Long (Đakrông) chúng tôi mới có dịp gặp được chị Hồ Thị Ngam, (42 tuổi), người dân tộc Pa Kô, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tà Lao, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao. Chị là người phụ nữ có nhiều đổi mới, nỗ lực trong phát triển kinh tế, năng động trong hoạt động xã hội, là điển hình để nhiều chị em phụ nữ vùng cao noi theo.

Chị Hồ Thị Ngam (bên phải) cùng Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương tại Khu du lịch sinh thái suối A Lao -Ảnh: NV

Chị Hồ Thị Ngam (bên phải) cùng Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương tại Khu du lịch sinh thái suối A Lao -Ảnh: NV

Người phụ nữ đầu tiên làm chủ mô hình kinh tế tập thể

9 giờ sáng một ngày đầu tháng 8/2024, chúng tôi có mặt ở khu du lịch sinh thái nơi chị Hồ Thị Ngam làm Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao. Những ngày này, dù ở đây có mưa nhưng chị vẫn tất bật với công việc của mình chuẩn bị mọi thứ từ thực phẩm đến sắp xếp, trang trí các vật dụng để đón du khách.

Vừa làm việc, chị vừa kể: “Năm 2020, tôi được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tà Long hướng dẫn, vận động tham gia các hoạt động dịch vụ của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng suối A Lao. Với vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác, tôi suy nghĩ phải làm gì để phát triển khi khu du lịch này nằm sâu trong vùng rừng núi, mọi thứ còn hoang sơ, ít người biết đến. Từ đó, tôi cùng với chị em trong tổ hợp tác thống nhất đầu tư mở rộng chòi lán, bãi đỗ ô tô, xe máy, bếp nấu, nhà tắm, khu treo võng, trang trí...trong khuôn viên đoạn suối mùa hè nước trong xanh mát rượi để đón du khách.

Để đáp ứng tốt nhu cầu cho du khách, cùng với ẩm thực là các sản vật của người dân nơi đây, tổ hợp tác còn phục vụ đồ tắm suối, dụng cụ bắt cá và còn có cả những trang phục dệt bằng thổ cẩm của người Vân Kiều, Pa Kô để du khách mặc chụp ảnh với giá hợp lý. Sau khi chuẩn bị hoàn tất, tổ hợp tác tăng cường quảng bá hình ảnh khu du lịch lên mạng xã hội. Nhờ đó cứ vào mùa hè rất đông du khách đến đây trải nghiệm. Với cách làm đó, tổ hợp tác đã tạo việc làm ổn định cho 20 phụ nữ, doanh thu mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng, thu nhập đạt từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng”.

Những món đặc sản được chị Hồ Thị Ngam chế biến để phục vụ du khách- Ảnh: HT

Những món đặc sản được chị Hồ Thị Ngam chế biến để phục vụ du khách- Ảnh: HT

Chị Tằm, một du khách ở thị xã Quảng Trị chia sẻ: “Biết được khu du lịch này qua mạng xã hội đã lâu, mùa hè này tôi đưa gia đình lên đây trải nghiệm. Tại đây, cả nhà tôi được hòa mình vào thiên nhiên với nước suối mát trong, tiếng chim hót líu lo, cây cối xanh tươi và đón nhận cả những nụ cười thật hồn hậu của các chị phục vụ ở khu du lịch này. Có dịp, gia đình tôi sẽ trở lại khu du lịch này để tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp của thiên nhiên và cả những tình cảm chân thành của người Vân Kiều, Pa Kô trên dãy Trường Sơn”.

Khi nói về chị Hồ Thị Ngam, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương chia sẻ: “Chị Ngam là người phụ nữ biết tìm tòi học hỏi, đã nghĩ là làm nên được chị em phụ nữ nói riêng và người dân ở đây nói chung rất khâm phục, nể trọng. Chị Ngam thường xuyên gần gũi với chị em trong thôn để trao đổi, giúp đỡ về cách làm ăn như trồng rừng, trồng lúa, chăn nuôi, chi tiêu đúng cách, giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người.

Để có điều kiện tiếp xúc với nhiều chị em trong thôn, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tà Lao, chị luôn đi đầu thực hiện tốt mọi công việc của thôn, đồng thời cùng với thôn và chị em thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa- văn nghệ, thể dục - thể thao. Đến nay, thôn Tà Lao đã thành lập 3 đội văn nghệ, 1 nhóm phụ nữ nòng cốt trong công tác tuyên truyền, 1 Câu lạc bộ phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, 1 Câu lạc bộ làm cha mẹ, qua đó giúp phụ nữ tự tin xây dựng cuộc sống gia đình tốt hơn và có nhiều đóng góp cho xã hội”.

Chị Hồ Thị Thương cho biết thêm, chị Ngam là người phụ nữ đầu tiên làm chủ mô hình kinh tế tập thể ở địa phương đem lại cuộc sống khá giả cho nhiều phụ nữ. Năm 2023, chị Ngam được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Biết kinh doanh online sớm nhất ở địa phương

Thấy được sự thuận lợi về đất đai và khí hậu, ngoài trồng rừng lấy gỗ, gieo trỉa lúa rẫy, chị Ngam cùng với Hội LHPN xã Tà Long vận động phụ nữ gieo cấy thử nghiệm thành công lúa nếp than. Đây là một loại nếp không chỉ để nấu cơm xôi thơm dẻo mà còn tạo ra loại rượu rất có giá trị được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, thôn Tà Lao đã phát triển hơn 2 ha loại giống lúa nếp này. Khi có lượng lúa nếp dồi dào, chị Ngam tự học cách kinh doanh online trên internet để giúp chị em bán sản phẩm nếp than, sau đó mở rộng ra các sản phẩm khác bán ra thị trường.

Chị Hồ Thị Ngam tâm sự: “Tôi là người Pa Kô ở địa phương khác, khi về làm dâu ở đây chưa lâu thì được tổ chức giới thiệu, chị em tin tưởng bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tà Lao nên vừa mừng vừa lo. Tuy nhiên, sau khi nhận thức được nhiệm vụ của mình, tôi thường xuyên tự nỗ lực học hỏi cùng với sự giúp đỡ của lãnh đạo Hội LHPN xã, của cấp ủy, chính quyền địa phương, của thôn, và tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đường dẫn vào Khu du lịch sinh thái Tà Lao -Ảnh: N.V

Đường dẫn vào Khu du lịch sinh thái Tà Lao -Ảnh: N.V

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi thường xuyên nói với chị em rằng, mình là con cháu Bác Hồ nên phải học tập Bác để xây dựng cuộc sống mới. Từ đó, Chi hội phụ nữ thành lập Câu lạc bộ phụ nữ làm theo lời Bác, qua đó vận động chị em đóng góp công sức, tiền của để giúp đỡ phụ nữ đơn thân, cao tuổi, già yếu, đồng thời vận động 100% hội viên tham gia nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản với tổng số 6 nhóm, 82 thành viên, tổng số tiền tiết kiệm được hằng năm 130 triệu đồng để giúp đỡ chị em còn khó khăn thêm vốn sản xuất.

Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, Chi hội phụ nữ cùng với thôn xây dựng 15 mô hình làm vườn rau gia đình, 5 mô hình nuôi gà thả vườn, 2 mô hình chăn nuôi lợn bản thịt theo nhóm, 1 mô hình hợp tác chăn nuôi dê...Với cách làm đó, đã có nhiều chị em làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các mô hình chăn nuôi và trồng rừng”.

Ghi nhận thành tích đạt được, chị Hồ Thị Ngam được các cấp từ tỉnh đến cơ sở khen thưởng.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-phu-nu-no-luc-vi-su-phat-trien-cua-cong-dong-187451.htm