Người phụ nữ Nùng góp sức thay đổi quê nghèo
20 năm trước, xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh (Đại Từ) là một xóm nghèo. Vùng đất mấp mô đồi núi phần lớn diện tích là cỏ guột, tre, nứa, cọ... mọc um tùm. Nhưng hôm nay, khắp đồi trên, bãi dưới, Làng Thượng đã phủ kín một mầu xanh mướt của những vạt chè giống mới, tạo nên một vùng quê trù phú đầy sức sống. Sự đổi thay này có đóng góp của bà Lương Thị Cảnh, người dân tộc Nùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) sản xuất chè an toàn của xóm.
Từ Tỉnh lộ 269 đi vào xóm Làng Thượng chừng vài trăm mét, nhà bà Lương Thị Cảnh nằm trên quả đồi thấp ngay đầu xóm, phía sau nhà là những đồi chè xanh mướt nối tiếp nhau, trước mặt là vườn bưởi Diễn quả sai lúc lỉu. Đi một vòng quanh khu nhà bà Cảnh, chúng tôi có cảm giác như được dạo trong một khu du lịch sinh thái với nương chè, vườn cây ăn quả, đầm chăn thả cá được quy hoạch đẹp mắt, khí hậu trong lành, mát mẻ. Bà Cảnh cho biết: Trước, gia đình tôi cũng chung cảnh nghèo với nhiều hộ dân trong xóm. Vợ chồng tôi bắt đầu sự nghiệp từ 1 mẫu đất bố mẹ chia cho. Trong đó, có hơn 1 sào chè trung du, một ít ruộng, còn lại đồi bãi đầy cỏ hoang. Tuy đất rộng, nhưng phần lớn diện tích cằn cỗi, tôi đã trồng sắn, ngô... nhưng hiệu quả thấp. Gia đình tôi lo ăn từng bữa, tôi từng nghĩ, cứ mãi sống cảnh bữa trước lo bữa sau như thế, không biết có thể cho các con tiếp tục đi học không?. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán mãi, tôi quyết định tập trung vào cây chè, bởi đất đai và địa hình ở đây rất phù hợp với loại cây trồng này, cộng với gia đình tôi nhiều năm làm chè nên cũng ít nhiều gắn bó, hiểu được đặc tính cây chè.
Bà Cảnh đã đầu tư chăm sóc diện tích chè của gia đình. Cùng với việc phát cỏ, vun luống trồng thêm chè ở những diện tích đất trống; tiết kiệm được chút tiền, bà lại mua thêm đồi, bãi để mở rộng diện tích trồng chè. Từ 1 mẫu đất ban đầu, đến nay bà đã mở rộng quy mô vườn bãi lên 6ha, trong đó có 2,5ha chè, 3ha rừng trồng keo, trên 1 mẫu đầm nuôi cá, cùng với 200 gốc bưởi Diễn đang cho thu hoạch. Theo bà Cảnh: Để có được cơ ngơi như vậy, tất cả đều nhờ vào chữ “cần”. Bác Hồ dạy, việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được, cũng như dao siêng mài thì sắc bén, ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Trong 8 chữ vàng mà Bác dạy thì chữ “cần” Bác đặt lên đầu tiên. Vì vậy, tôi cũng đặt cần cù lên hàng đầu, đây cũng chính là yếu tố quyết định sự thành công của tôi.
Nói thì nói vậy, nhưng nhìn vào cách làm của bà, chúng tôi biết, để làm được như bà thì ngoài sự cần cù, còn có cả một cái đầu tính toán khéo léo, cùng với sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường. Minh chứng là, bà luôn là người tiên phong đi đầu ở địa phương trong việc đưa các giống chè mới vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và được người dân địa phương học tập, làm theo. Toàn bộ diện tích chè trồng mới của bà đều được đưa các giống mới vào thâm canh. Khi phần đông người dân vẫn còn làm chè trung du, bà đã chuyển sang trồng chè cành; khi người dân chuyển sang thâm canh chè cành thì bà lựa chọn giống chè chủ lực là VL20 đưa vào sản xuất. Hiện nay, trong 2,5ha chè của gia đình thì có đến hơn 1ha là chè VL20. Sở dĩ bà chọn trồng giống chè này là bởi chất lượng chè ngon, búp nây, để sản xuất chè tôm nõn và chè đinh rất dôi. Đặc biệt, năm 2000, bà Cảnh được tham gia lớp tập huấn về quy trình quản lý dịch hại tổng hợp sâu bệnh hại chè IPM. Sau khóa học, bà nhận thức rõ, đây chính là hướng đi trong tương lai. Bởi việc sản xuất chè có sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Sản phẩm muốn “sống” được trên thị trường, trước tiên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây hại cho sức khỏe con người và quy trình sản xuất này đã đáp ứng điều đó. Sau một thời gian áp dụng quy trình sản xuất mới, nói không với các loại thuốc bảo vệ thực vật, năng suất chè của gia đình không hề sụt giảm, mà chất lượng lại yên tâm. Nhờ thế, giá bán sản phẩm chè của gia đình bà cao hơn hẳn các hộ dân quanh vùng.
Từ diện tích chè của gia đình, hiện mỗi năm, bà thu 8 lứa, mỗi lứa trên 1 tấn búp tươi. Cùng với diện tích chè kinh doanh đang thì phát triển mạnh, những năm gần đây, bà Cảnh còn tập trung xây dựng vườn ươm giống chè với quy mô trên 1.000 vạn hom/năm cung cấp nguồn giống cho khắp các địa phương trong tỉnh. Chè và cây giống nhà bà được nhiều người tìm đến thu mua với giá cao.
Không những cần cù làm lụng phát triển kinh tế gia đình, bà còn chỉ cho bà con ở đây cách làm, truyền nhiệt huyết cho người dân cùng phấn đấu đi lên. Năm 2001, bà Cảnh đứng ra vận động người dân trong xóm thành lập CLB Sản xuất chè an toàn. Ban đầu, CLB chỉ có 31 thành viên tham gia, đến nay đã phát triển hơn 100 thành viên với tổng diện tích chè canh tác là 35ha. Toàn bộ diện tích này được bà con áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 18 tấn búp tươi/ha, giá bán bình quân đạt 230 nghìn đồng/kg chè khô, thời điểm gần Tết giá tăng lên 300 nghìn đồng/kg. Đối với chè tôm nõn giá từ 800-1 triệu đồng/kg, chè đinh giá bán luôn giữ trên 3 triệu đồng/kg.
Ông Hầu Văn Dương, Trưởng xóm cho biết: Đất đai ở đây chủ yếu là đồi thấp, ruộng ít, lại không tập trung, trong đó có nhiều ruộng thụt chỉ cấy được 1 vụ lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Vì thế mà trước đây, đời sống bà con ở đây nghèo lắm. Người dân Làng Thượng đã trồng chè ngót 20 năm, nhưng trước sản xuất theo cách cũ nên năng suất, chất lượng không cao. Mãi đến khi thành lập CLB Sản xuất chè an toàn, bà Cảnh đã tích cực chỉ bảo cho người dân thay đổi cách làm, từ việc đưa giống chè mới vào trồng, đến đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh, cây chè mới thực sự đem lại cuộc sống no ấm cho người dân ở đây. Hiện, xóm có hơn 100 hộ với 35ha chè, chủ yếu là chè cành. Sản phẩm chè Làng Thượng đã được thương lái tin tưởng đến thu mua, giá bán luôn ổn định. Nhờ đó, đời sống của người dân trong xóm đã nâng lên nhiều, năm 2014, xóm được công nhận Làng nghề sản xuất, chế biến chè, thời điểm đó, xóm còn 7 hộ nghèo; nay xóm không còn hộ nghèo, nhiều hộ đã có kinh tế thuộc diện khá, giàu. Năm 2015, Làng nghề đạt giải Ba trong cuộc thi Búp chè Vàng tại Lễ hội Văn hóa Trà do tỉnh tổ chức, đồng thời đạt giải Nhất Hội thi Bàn tay vàng sao chè do huyện tổ chức. Năm 2016, Làng nghề được công nhận là làng nghề tiêu biểu của tỉnh. Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của bà Lương Thị Cảnh. Không chỉ có công lớn trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con địa phương, năm 2009, bà Cảnh còn tiên phong hiến 300m2 đất trồng chè đang cho thu hoạch để mở rộng con đường vào xóm, tạo không khí thi đua đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương.