Người phụ nữ sinh 2 con từ chỉ số 1% cơ hội mang thai

Chị Nguyễn Thị Hường (33 tuổi, trú ở Hải Dương) hiếm muộn nhiều năm vì suy giảm buồng trứng nặng, chỉ còn 1% cơ hội có con nhưng kỳ tích đã đến sau 5 lần hỗ trợ sinh sản thất bại từ những nang trứng góp nhặt.

Năm tuổi 21, chị Hường đi khám vô sinh sau 1 năm kết hôn. Lần khám đầu tiên, bác sĩ cho biết chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0.01, con số quá thấp, gần như không còn khả năng sinh sản.

Không chỉ suy giảm buồng trứng, chị Hường còn bị tắc một bên vòi trứng, chính vì vậy việc có thai tự nhiên càng khó hơn, như cơ hội trúng độc đắc. Bác sĩ khuyên anh chị nên thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Suốt 3 năm sau đó, chị Hường phẫu thuật thông vòi trứng và đặt niềm tin vào 5 lần bơm IUI nhưng không thành công.

Năm 2018, vợ chồng chị Hường đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khám. Do tình trạng dự trữ buồng trứng thấp nên cơ hội tạo phôi rất mong manh. Với khát khao cháy bỏng mong có con của chị Hường, BSCKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện đã đưa ra những tư vấn, phác đồ chi tiết giúp gia đình hiểu về quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Suốt quá trình kích trứng cũng gặp khó khăn do tình trạng suy giảm, hy vọng duy nhất là hai nang trứng nhỏ tạo được hai phôi ngày 3. Bác sĩ đã chọn bơm phôi tương. May mắn, chị Hường đậu thai và sinh một bé gái vào tháng 3/2019.

Chị Hường và 2 quý tử sau nhiều năm chữa vô sinh. Ảnh: BVCC.

Chị Hường và 2 quý tử sau nhiều năm chữa vô sinh. Ảnh: BVCC.

Năm 2023, chị Hường đến bệnh viện khám để làm IVF thêm lần nữa nhưng chỉ số AMH không khả quan hơn lần trước. Suốt quá trình kích trứng gian nan, bác sĩ lấy được 2 nang trứng và chỉ tạo được duy nhất một phôi ngày 3 và chuyển phôi. Kết quả, bà mẹ này đã mang thai lần hai và hạ sinh một bé trai vào đúng ngày 30/4/2024.

Theo các bác sĩ, một người phụ nữ chỉ bị suy giảm buồng trứng mức độ nhẹ còn nang trứng dự dữ và hoạt động phát triển, rụng trứng vẫn diễn ra thì vẫn có cơ hội có thai tự nhiên. Tuy nhiên, vì hoạt động chức năng buồng trứng kém, sự phát triển, rụng trứng không thường xuyên nên tỷ lệ có thai tự nhiên thấp, chỉ khoảng 5-10% bệnh nhân mang thai mà không cần điều trị gì. Còn lại, phụ nữ cần nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Các trường hợp buồng trứng suy nặng không còn nang trứng dự trữ, buồng trứng đáp ứng kém để có thai cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp xin trứng.

Bác sĩ Hưởng khuyến cáo, sau 1 năm kết hôn/chung sống hoặc phụ nữ trên 35 tuổi, sau 6 tháng chung sống không dùng biện pháp tránh thai mà chưa có thai cần đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm tình trạng suy buồng trứng và điều trị hỗ trợ sinh sản kịp thời.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-phu-nu-sinh-2-con-tu-chi-so-1-co-hoi-mang-thai-2395375.html