Người phụ nữ 'vác tù và' ở bản vùng cao
Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Hà Thị Tự, sinh năm 1961, người dân tộc Mường, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao (Bá Thước) vẫn luôn năng nổ, nhiệt tình với công việc. Không ít người nói, bà 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng' nhưng bà Tự luôn tâm huyết rằng việc gì tốt cho dân, cho bản là còn nỗ lực hết mình.
Đập tràn và mương Nặm Oong được xây dựng năm 2019.
Trăn trở với bản làng
“Bác Tự à? Đó là đảng viên có uy tín được Nhân dân yêu mến, quý trọng và liên tục bầu làm trưởng thôn 10 năm rồi đấy” - ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao hồ hởi giới thiệu. Để được gặp gỡ người phụ nữ vừa là bí thư chi bộ, vừa là trưởng thôn “miệng nói, tay làm” của thôn Cao Hoong, chúng tôi tiếp tục vượt quãng đường hơn 6 cây số đường núi từ trung tâm xã Lũng Cao đến với những thôn xa nhất của xã Lũng Cao. Thôn Cao Hoong rồi đến thôn Kịt – nơi giáp ranh với tỉnh Hòa Bình. Đây cũng là 2 thôn nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Con đường về thôn mặc dù đã được cứng hóa nhưng đi qua những khúc cua, con dốc lên xuống ôm sát lấy sườn núi cũng đòi hỏi một tay lái cừ khôi mới có thể an tâm vượt quãng đường. Ngôi nhà của bà Tự nằm ngay ở đầu thôn. Thấy có người đến nhà tìm mẹ, cô gái ngồi trên gian nhà sàn nói vọng ra: Mẹ đi lên đồi từ sáng sớm rồi. Không có sóng điện thoại, thế là xe chúng tôi lại tiếp tục băng trên cung đường núi khoảng hơn 20 phút để tìm đến lán trại nơi bà Tự đang làm việc.
Gọi là lán trại nhưng đó cũng là ngôi nhà sàn nhỏ nằm lưng chừng ở một ngọn đồi bằng phẳng hiếm hoi ở vùng đất ấy. Bà Tự đang hái dâu trong vườn, nhìn thấy những vị khách không hẹn trước mà ghé thăm, liền bỏ túi dâu xuống, niềm nở đón khách vào nhà. Giữa không gian yên bình nơi núi rừng Pù Luông vời vợi, bà bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về công việc, đời sống của người dân trong thôn và về cuộc đời của bà với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến người đối diện phải tò mò.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Kịt, lấy chồng về làm dâu ở thôn Cao Hoong, bà Tự đã quá thấu hiểu sự khốn khó, tối tăm, mù mịt ở hai thôn vùng sâu, vùng xa của huyện Bá Thước. May mắn hơn những người phụ nữ cùng thời đó là bà được đi học đến lớp 4. Ngày đó, thời chiến tranh, vì biết chữ nên từ năm 13 tuổi, buổi sáng đi học, buổi chiều lại được cử đi làm cô giáo dạy vỡ lòng cho các cháu nhỏ. Đến năm 2008, bà nghỉ làm và được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, rồi tham gia các khóa HĐND xã Lũng Cao từ giai đoạn 2011-2021. Năm 2019, khi thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bà được bầu làm bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Cao Hoong. Chi bộ hiện có 7 đảng viên.
Kể về kỷ niệm khó phai nhất trong cuộc đời mình, bà Tự nhớ lại hành trình sang Ấn Độ cách đây 6 năm về trước. Năm đó, thông qua một dự án của tổ chức phi chính phủ Pháp GRET, thôn Cao Hoong là một trong những thôn của tỉnh Thanh Hóa được tài trợ các bộ thiết bị năng lượng mặt trời dùng để thắp sáng. Điều đặc biệt của dự án này là chọn lựa 4 phụ nữ trung niên người dân tộc thiểu số từ các thôn, bản nói trên để tham dự khóa học về năng lượng mặt trời từ tháng 3 đến tháng 9-2015 tại Trường Barefoot ở Tilonia, Ấn Độ. Bà Tự là một trong số những người phụ nữ được lựa chọn gửi đi đào tạo. Bà kể: “Khi được chọn đi học, tôi vừa mừng vừa lo bởi đó là lần đầu tiên xa nhà, đi máy bay đặt chân đến một đất nước khác mà không biết ngoại ngữ, không có người phiên dịch... Bỡ ngỡ nơi xứ người, nhưng phải tự động viên rằng đi làm lợi cho dân mà về không làm được thì dân vẫn khổ, họ đang trông chờ vào mình để bản làng được thắp sáng... Thế là sau 6 tháng được chỉ bảo tận tay, vừa học vừa làm nên tôi và các chị em đi cùng đã có thể lắp nối các mạch điện của đèn xách tay, vận hành bộ điều khiển sạc và máy kích điện, lắp ráp các bộ phận, bình ắc quy, đèn điện và bộ điều khiển...”. Một thời gian sau khi về nước, những bộ đèn năng lượng mặt trời được chuyển đến, bà Tự lắp đặt các bộ đèn cho các hộ dân thôn Cao Hoong và cả 2 thôn Kịt, Pốn. Ngày ấy, đèn nhà ai hỏng thì lại gọi bà Tự đến sửa, rồi còn chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn để cảm ơn... “Nhưng bây giờ những bộ năng lượng ấy hết hạn sử dụng nên phần lớn cũng đã xuống cấp nhiều. Hôm nào trời nắng cũng chỉ đủ sáng cho gia đình ăn bữa cơm lúc chập choạng tối. Bà con ở đây lúc nào cũng mong mỏi có điện lưới để đời sống văn minh hơn...”, bà Tự chia sẻ.
Kể tiếp về thôn của mình, bà bảo: Thôn Cao Hoong là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Lũng Cao, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Trước đây con đường về các thôn phía trong này rất khó khăn, thôn Cao Hoong cùng với thôn Kịt phía trong hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài. Từ năm 2013, được Nhà nước quan tâm đầu tư, con đường cứng hóa được hình thành, giao thông thông suốt nên đi lại đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ở đây đời sống người dân còn nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Nhà nào có con cái đang tuổi lao động đi làm ăn xa còn đỡ, nhà chỉ có người lớn tuổi thì thiếu thốn đủ bề...
Thôn Cao Hoong chỉ có 23 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sống rải rác bên sườn núi. 80% người dân ở xã Lũng Cao đi làm ăn xa, ở thôn Cao Hoong cũng vậy. Các hộ dân trong thôn chủ yếu làm nương kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ. Do cách trở về địa lý nên cuộc sống ở đây vẫn hoang sơ và thiếu thốn.
Noi gương cho thế hệ sau
Nhắc đến vị nữ trưởng thôn gương mẫu, người dân trong thôn ai cũng tấm tắc khen. Họ bảo, mặc dù bà Tự tuổi đã cao nhưng cứ mỗi lần họp bầu trưởng thôn là người dân vẫn cứ tín nhiệm chọn bà, họ đã quen với bà Tự làm công việc đó, sự nhiệt tình của bà có lẽ không phải người trẻ nào cũng có được.
10 năm làm trưởng thôn, 10 năm gắn bó với việc làng, việc nước ở một vùng xa xôi, hẻo lánh, bà Tự phấn khởi rằng mình đã góp được một phần công sức nhỏ bé để giúp bà con nơi đây vơi bớt khó khăn. “Để hoàn thành công việc được giao thì chỉ có 10 ngày làm việc gia đình, 20 ngày làm việc tập thể. Nhiệm vụ không chỉ là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với từng người dân, mà còn phải giải thích cặn kẽ, rõ ràng, chính xác, dân mới hiểu và tin. Đơn cử như việc vận động bà con chấp hành chủ trương về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên ở vùng lõi, việc tuyên truyền phải khéo léo, lựa lời động viên, không được rập khuôn thì mới thấm, để mọi người trong thôn hiểu được rằng bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống cho đời con, đời cháu sau này bởi nếu không có rừng thì mất hết...”, bà Tự chia sẻ.
Đối với những phần việc xây dựng một số công trình thiết yếu trong thôn, bà Tự cho rằng, thôn chỉ có 23 hộ, nên mỗi lần cần xây dựng công trình nào đó, không thể vận động các hộ đóng tiền bởi họ còn nghèo quá. Thế nên thôn vận động người dân góp đất, góp công rồi gom góp, dành dụm tiền khen thưởng bảo vệ rừng hàng năm của tập thể để dành xây dựng các công trình phục vụ đời sống. “Tiền đó nếu tiêu thì nhanh hết lắm, chỉ có dành để làm công trình thì mới mang lại lợi ích bền vững cho dân bản từ đời này sang đời khác”, bà nhấn mạnh.
Năm 2014, bà Tự cùng cán bộ thôn Cao Hoong đã đứng ra vận động người dân trong thôn hiến đất, san đất, dựng hàng rào, xây nên một khu sân trường ở điểm trường lẻ tại thôn Cao Hoong, để trẻ con có chỗ vui chơi an toàn. Năm 2019, từ nguồn quỹ bảo vệ rừng chi trả cho các thôn, bản làm tốt công tác bảo vệ rừng, thôn đã thống nhất gom góp lại để tổ chức cho Nhân dân trong thôn xây dựng đập tràn Nặm Oong và con mương dài 200m, phục vụ nước tưới cho 4,8 ha diện tích trồng lúa của người dân. Công trình này mang lại hiệu quả thiết thực khi diện tích đó có thể trồng được 2 vụ lúa, bảo đảm lương thực cho bà con. Năm 2020, thôn đã vận động Nhân dân hiến đất vườn, hiến công lao động để đào đắp đất thành đường sân bóng dài 500m và hai tuyến đường nội đồng dài 310m...
Những công trình ấy tuy nhỏ nhưng cũng đã giúp vơi đi nỗi vất vả trong đời sống, sản xuất của người dân ở thôn vùng cao. Đó còn là tâm huyết, thể hiện những phẩm chất đáng quý, tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm vì bà con trong thôn của người phụ nữ được xem như “cây đại thụ” của thôn làng!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nguoi-phu-nu-vac-tu-va-o-ban-vung-cao/136921.htm