Người phụ nữ với quyết tâm đưa đông trùng hạ thảo 'made in Vietnam' ra thị trường

Với ước mơ được trồng nấm, chị Nguyễn Thị Hồng đã tìm tòi tạo hướng đi cho tương lai của mình gắn với đông trùng hạ thảo. Đến nay, người phụ nữ này đã đưa được đông trùng hạ thảo 'made in Vietnam' ra thị trường với giá bình dân. Chị là 1 trong 9 nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Đông trùng hạ thảo tự nhiên được tìm thấy nhiều trên các cao nguyên ở Tây Tạng (Trung Quốc) với độ cao 4000m, cùng mức giá rất đắt. Bởi thế, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng loại dược liệu quý hiếm này.

Với mong muốn ai cũng có thể sử dụng loại dược liệu quý này, từ một cô gái tốt nghiệp khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hồng đã dày công tìm tòi, nghiên cứu.

Chị Hồng chia sẻ, trước đây, tại huyện Thanh Oai, Hà Nội trồng rất nhiều nấm, tuổi thơ chị gắn liền với cây nấm. Chị ước mơ sẽ đưa công nghệ vào sản xuất nấm để có thể phát triển, mở rộng và làm giàu bằng nghề này. Chính vì vậy, chị đã quyết định thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), khoa Công nghệ sinh học.

Với ước mơ được trồng nấm, chị Hồng đã tìm tòi và quyết tâm tạo hướng đi cho tương lai của mình gắn với đông trùng hạ thảo. Trải qua 6 năm miệt mài nghiên cứu với sự tư vấn hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia khoa học, lần lượt các dự án của chị đều thu được kết quả cao.

"Tôi muốn phát triển nghề trồng nấm nên cứ cố gắng làm, cố gắng nghiên cứu khoa học, kiểu gì cũng tới đích. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi nỗ lực của mình trong suốt mười mấy năm đã thành quả ngọt", chị Hồng cho hay.

Thời gian đầu khi chị mới bắt tay vào việc nuôi đông trùng đã gặp nhiều khó khăn, từ việc nuôi trồng đến đầu ra cho sản phẩm. Khi mới trồng, thu hoạch được là chị Hồng mang tặng người thân, hàng xóm. Cũng từ đó, nhiều người truyền tai nhau và chị bắt đầu có khách hàng.

Năm 2012, chị Hồng quyết định bán một mảnh đất, vay ngân hàng thành lập doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo.

Năm 2013, chị Hồng sinh con thứ ba, vì không có tiền nên chị Hồng đã mang nốt thứ tài sản giá trị cuối cùng trong nhà là chiếc xe máy đi cầm cố để lấy tiền lo viện phí. "Lúc trên bàn mổ, tôi chỉ sợ mình chết, các con sẽ mồ côi và người thân phải gánh một cục nợ trên trời rơi xuống", chị kể.

Sau thời gian đó, chị Hồng càng quyết tâm với hướng đi của mình, nhiều tháng liền chị đã cùng đồng nghiệp lặn lội lên dãy núi Hoàng Liên Sơn ở độ cao gần 3.000 m, quan trắc các chỉ tiêu khí hậu, tìm trong rừng già đến vùng ven suối, ven hồ... để có được 115 chủng giống đông trùng hạ thảo. Trong đó, có những chủng giống chứa hàm lượng hoạt chất cordycepin cao, lên tới 10 mg/g. Mẫu giống được chuyển về Hà Nội để tách bào tử luôn trong ngày mới bảo đảm cho việc nuôi cấy.

X

Sau nhiều lần thất bại, phải bán đất, bán nhà, vay mượn tiền và nhiều lần sang Trung Quốc để mua giống về nghiên cứu, chị Hồng đã đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc điều chỉnh các thông số nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp. Công trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo "made in Vietnam" của chị Hồng đã thành công và được các chuyên gia đánh giá cao về hàm lượng dược lý.

Với những thành quả đạt được, tháng 12/2021, chị Nguyễn Thị Hồng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021. Đây là lần thứ 2 chị được danh hiệu cao quý này.

Dưới đây là những hình ảnh của PV ghi nhận tại xưởng sản xuất nuôi trồng đông trùng hạ thảo "made in Vietnam" của chị Nguyễn Thị Hồng tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Tại xưởng sản xuất rộng gần 10.000m2 nằm ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) mỗi ngày có khoảng 50 công nhân làm việc, tất cả họ đều là người lao động địa phương. Một số là giáo viên mầm non sau khi ra trường không xin được việc làm đã được chị Hồng hướng dẫn, đào tạo và ổn định công việc gần nhà.

Quá trình tại nơi sản xuất có 3 giai đoạn chính là bóc tách nhộng ra khỏi kén; Cấy bào tử nấm vào trong con nhộng; Và công đoạn cuối là ủ tối.

Công đoạn đầu là chọn nhộng tằm sau 3 ngày đã tạo kén. Công nhân sẽ cắt bỏ vỏ kén và lựa chọn con tằm to khỏe, không bị bệnh.

Quá trình tại nơi sản xuất có 3 giai đoạn chính là: bóc tách nhộng ra khỏi kén; cấy bào tử nấm vào trong con nhộng và công đoạn cuối là ủ tối.

Sau khi đã bóc tách kén ra khỏi vỏ, các công nhân sẽ tiến hành cấy bào tử nấm vào trong con nhộng.

Các con nhộng được lựa chọn kỹ trước khi được cấy bào tử nấm vào trong nó.

Bào tử nấm sẽ nảy mầm sử dụng dinh dưỡng của nhộng sống làm thức ăn cho nấm.

Khi cấy bào tử vào nhộng cũng được chọn lựa đúng ở 1 vị trí cố định.

Mọi công đoạn đều đảm bảo an toàn vệ sinh, các mũi tiêm đều được hơ nóng trên lửa.

Sau khi nhộng được cấy bào tử nấm, sẽ được đưa đi ủ tối trong khoảng nhiệt độ từ 5-6 độ C.

Quá trình sau 15 ngày sẽ kiểm tra được con nhộng nào bị nhiễm, con nào không. Khoảng 30 ngày sau con nhộng bị nhiễm sẽ mọc mầm. Một chu trình sản xuất sẽ mất khoảng 4 tháng mới cho ra sản phẩm.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng, trước đây, hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô… cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Sau khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc và lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tự động thì độ ẩm và việc chiếu sáng cho cây nấm luôn được đảm bảo.

Hiện chị Hồng có 2 nhà xưởng rộng 1 ha và 5000m2, với khoảng hơn 100 lao động sản xuất. Tại xưởng sản xuất ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang có 48 phòng nuôi, ủ nấm, mỗi ngày có thể sản xuất được 4.000 – 5.000 hộp. Trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 90 - 100 nghìn phôi nấm và 200 kg nấm dược liệu khô, mỗi năm cho ra khoảng 1 triệu sản phẩm với doanh thu khoảng 40 tỷ/năm.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-phu-nu-voi-quyet-tam-dua-dong-trung-ha-thao-made-in-vietnam-ra-thi-truong-post197778.html