Người phụ nữ vượt lên số phận

Dáng người nhỏ thó, tay phải còn nửa phần nhưng với cánh tay trái mạnh mẽ, đôi chân thoăn thoắt và nghị lực phi thường, người phụ nữ này đã vượt lên số phận để có cuộc sống như hiện tại.

Chị Nguyễn Thị Hường và cậu con trai đang chuẩn bị cho gánh hàng sáng ngày hôm sau

Chị Nguyễn Thị Hường và cậu con trai đang chuẩn bị cho gánh hàng sáng ngày hôm sau

Đó là chị Nguyễn Thị Hường, 41 tuổi, quê ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (Gia Lộc). Ít ai biết rằng, ngay từ nhỏ, người phụ nữ nhỏ bé này đã khẳng định với xã hội rằng mình là người "tàn" nhưng không "phế". Điều này được minh chứng bằng thời gian chị bươn trải từ Bắc vào Nam để mưu sinh.

Chị Hường tâm sự: "Tay phải tôi bị khuyết tật bẩm sinh, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Phần vì điều kiện kinh tế gia đình, phần vì mặc cảm nên học hết lớp 6 tôi gác lại giấc mơ theo đuổi con chữ và theo gia đình vào Đắk Lắk. 13 tuổi nhưng tôi đã làm đủ việc, kể cả lên nương làm rẫy".

Năm 1998, chị Hường quay trở lại quê cùng gia đình làm nông nghiệp. Năm 2000, cô gái 20 tuổi này lại quyết định Nam tiến để mưu sinh. Đặt chân đến đất Sài Gòn, chị chọn công việc bán vé số đầu tiên. Chật vật rong ruổi khắp các con phố, nách bên phải kẹp túi vé số, tay trái mời chào, chỉ sau vài tháng, thấy mình không có duyên với công việc này, được người thân giúp đỡ chị bắt đầu bén duyên với nghề buôn bán hoa quả ở Chợ Lớn.

Sau 13 năm mưu sinh ở Chợ Lớn, với khoản tiền tiết kiệm được, chị quyết định về quê ở xã Gia Tân. Cùng với sự giúp đỡ của người thân, chị đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, kiên cố rộng khoảng 80 m2.

Năm 2014, chị sinh được 1 bé trai, điều này tạo cho chị niềm tin và hi vọng, thôi thúc chị phải cố gắng để nuôi con trưởng thành. Từ 4 sào ruộng của gia đình chị bắt đầu cày, cuốc trồng các loại rau màu. Năm 2016, chị mượn thêm 3 sào ruộng của người dân không sản xuất, một mình canh tác 7 sào ruộng. Ngoài trồng các loại rau màu, chị trồng thêm 30 cây hồng xiêm để tăng thu nhập.

Khi hỏi chị bị khuyết tật tay như vậy, sinh hoạt đã khó khăn mà sao còn trồng được 6-7 sào rau màu, chị Hường cho biết phải cố gắng để lo cho con. Từ cuốc, trồng cây, bón phân đến tát nước... một mình chị làm hết. Với người bình thường làm việc như chị đã khó khăn, vất vả nhưng với chị đã thành quen. 3-4 giờ sáng mò mẫm ra ruộng hái rau. Sau đó, đi bộ 3 km gánh rau đến chợ Cuối ở thị trấn Gia Lộc bán, rồi lại vội vàng quang gánh về cho con ăn, đi học.

Tảo tần như vậy nhưng mỗi tháng chị cũng chỉ thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng. Số tiền này cùng tiền trợ cấp của người khuyết tật hơn 400 nghìn đồng đủ để chị trang trải cuộc sống.

Ông Phạm Quang Quang, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Gia Lộc cho biết chị Hường là hội viên tiêu biểu, tích cực tham gia các hoạt động hội. Một phụ nữ đơn thân tự mình vươn lên trong cuộc sống là điều không hề dễ nhưng với chị Hường, một phụ nữ khuyết tật đơn thân nuôi con nhỏ lại càng khó khăn hơn. Bằng nghị lực, vượt lên số phận, chị đã tự mình lo liệu, trang trải cuộc sống gia đình, nhà cửa khang trang và nuôi dạy con ngoan, khỏe mạnh.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nguoi-phu-nu-vuot-len-so-phan-156344