Người ra đi, tiếng đàn ở lại

Lại thêm một tài năng âm nhạc ra đi. Đó là Thao Giang (sinh năm 1948) - nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng, nhạc sĩ sáng tác khí nhạc dân tộc. Vào hồi 20h10' ngày 24/10/2023, ông trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 75 tuổi.

Ở nước ta, nói đến các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, không thể không nhắc đến tiếng đàn nhị điêu luyện, đầy sức quyến rũ của Thao Giang bên cạnh những tên tuổi lừng danh như Mạnh Thắng, Hồ Khắc Chí, Thanh Tâm, Hoàng Anh Tú (đàn bầu), Xuân Khải, Xuân Hoạch (nguyệt), Phương Bảo (thập lục), Mai Phương (tỳ bà), Đinh Khắc Ban (đáy), Ngọc Phan, Đức Tùy, Đinh Thìn (sáo trúc)... Và nhắc đến Thao Giang là phải nhắc ngay đến hai tác phẩm để đời, trở nên kinh điển của đàn nhị: "Kể chuyện ngày mùa" và "Tình quê hương". Cũng từ hai tác phẩm này mà ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2023.

Cố nhạc sĩ Thao Giang.

Cố nhạc sĩ Thao Giang.

Trong Thao Giang có 3 con người: Biểu diễn, sáng tác và giảng dạy. Mảng nào ông cũng xuất sắc, để lại dấu ấn và như một cái bóng lớn khó có người vượt qua. Trước hết, ông là nghệ sĩ biểu diễn đàn nhị. Tiếng đàn của ông ngọt ngào, nỉ non, thánh thót, rất lôi cuốn người nghe. Có thể mượn hai câu thơ của Nguyễn Du miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều để vận vào tiếng nhị của Thao Giang: "Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa". Nhị là loại nhạc cụ rất khó chơi. Kéo được nên tiếng đã là khó. Không khéo thì mãi cũng vẫn chỉ vang được lên những tiếng "ò í e".

Sinh ra ở một làng quê thuộc huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ), cậu bé Nguyễn Văn Vĩnh - tên khai sinh của Thao Giang - mê âm nhạc từ nhỏ và đặc biệt là rất thích nghe âm sắc các loại nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị, đàn bầu, nguyệt, thập lục... Thế rồi cơ duyên cho cậu gặp được cụ Vũ Tuấn Đức khi ấy là một nhạc công lừng danh của âm nhạc cung đình Huế. Cụ được Bộ Văn hóa (cũ) và Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mời ra đặt nền móng và xây dựng khoa Âm nhạc cổ truyền. Cụ đã dẫn dắt cậu đi vào con đường âm nhạc dân tộc.

Trong mấy nhạc cụ dân gian kể trên mà thứ nào cậu cũng thích, cụ Đức đã gợi ý cho Vĩnh học đàn nhị vì thứ này trong trường âm nhạc lúc ấy chưa có ai học. Rất hồn nhiên, cậu hỏi cụ: "Bác ơi! Cháu thấy đàn này những người hát xẩm trên tàu điện hay kéo. Thế cháu học xong cũng đi hát xẩm à? Mà cháu lại không biết hát và cũng không mù". Cụ Vũ Tuấn Đức phá lên cười rồi nói với cậu học trò nhỏ: "Không! Ta học bài bản thì sẽ phát triển, nâng cao cây nhị để có thể chơi được nhiều bản nhạc hay, khó hơn. Và nếu cháu có khả năng thì còn sáng tác những bản nhạc mới cho nhị diễn tấu chứ".

Nói rồi, cụ Đức bắt đầu dạy nhị cho Vĩnh. Cậu tiếp thu rất nhanh, để lộ tiếng đàn đặc biệt khiến người thầy rất hài lòng. Gắn với cây nhị, Vĩnh lấy cho mình nghệ danh là Thao Giang. Cũng bởi cậu rất thích bài hát "Du kích sông Thao" - một ca khúc nổi tiếng ra đời trong thời kỳ chống thực dân Pháp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Từ đó, cậu phát triển tài năng rất nhanh. Năm 1967, tốt nghiệp ra trường, Thao Giang được giữ lại làm giảng viên. Ông đã đào tạo nên nhiều nghệ sĩ đàn nhị sau này cũng rất nổi tiếng như Thế Dân, Văn Hà, Sĩ Toán...

Song song với giảng dạy và biểu diễn, Thao Giang còn sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc cho các nhạc cụ dân tộc diễn tấu. Ngoài 2 tác phẩm lớn được Giải thưởng Nhà nước như đã nói, còn có: "Làng ven sông", "Đan lưới", "Ao cá Bác Hồ" (đàn thập lục), "Du thuyền trên sông Hương" (đàn bầu), "Đường xa vui những tiếng đàn" (tỳ bà), "Hương rừng" (tam thập lục)...

Thao Giang từng được cử sang Ấn Độ 5 năm để học nâng cao và giao lưu với nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc của nước này. Từ đây, ông trang bị được thêm nhiều kinh nghiệm phong phú trong việc sáng tác và diễn tấu nhạc cụ dân tộc nói chung, nhị nói riêng.

Nhạc sĩ Thao Giang chơi nhị.

Nhạc sĩ Thao Giang chơi nhị.

Nói đến Thao Giang, người ta không chỉ nhớ đến 2 tác phẩm đặc sắc ông sáng tác và biểu diễn như đã nói mà còn phải nhắc đến một người rất tâm huyết, có thể nói là sẵn sàng hy sinh tất cả để theo đuổi con đường phục hồi âm nhạc cổ truyền nói chung, đặc biệt là thể loại hát xẩm. Ông đã từ chối cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Nhạc cụ cổ truyền ở Trường Âm nhạc Việt Nam để chuyên tâm với công việc mình yêu thích như vừa nói.

Hát xẩm bao năm bị coi là một thứ ca hát rẻ tiền chỉ dành cho những người nghèo khổ - tầng lớp dưới đáy xã hội. Người duy nhất còn lại am hiểu thể loại này là cụ Hà Thị Cầu ở Yên Mô, Ninh Bình (nay cũng đã qua đời). Thao Giang thấy nếu cụ qua đời thì hẳn là sẽ vĩnh viễn mai một hình thức ca hát rất đặc biệt này. Vậy nên ông đã tập hợp thêm nhiều người cùng tâm huyết kiên quyết bảo tồn và phát huy. Và thế là lần đầu tiên vào năm 2005, nhờ công chính của Thao Giang, tại chợ Đồng Xuân và nhiều phố đi bộ khác của Hà Nội, cứ vào những tối cuối tuần là lại có sinh hoạt hát xẩm phục vụ nhân dân miễn phí, luôn có rất đông khách đến thưởng ngoạn.

Thao Giang cũng là người có công lớn trong việc vận động để thành lập Trung Tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (nằm trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Tại đình Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội), những lớp học hát xẩm, trống quân và nhiều làn điệu dân ca khác đã được mở thường xuyên, thu hút nhiều người đến học miễn phí. Điều đặc biệt là, bên cạnh những người cao tuổi còn có nhiều bạn trẻ tham gia những lớp học này. Một thành công khiến nhiều người không thể hình dung là lần đầu tiên tại một trung tâm biểu diễn lớn nhất nước là Nhà hát Lớn (Hà Nội), đêm biểu diễn hát xẩm và trống quân mừng xuân Mậu Tý năm 2008 được tổ chức trước sự chứng kiến của công chúng và nhiều khách nước ngoài. Tại buổi đó, công chúng Hà Nội đã sửng sốt khi thưởng thức tiếng hát xẩm trời phú của cụ Hà Thị Cầu đã ở tuổi 90 mà giọng hát vẫn vang như chuông.

Thành công trên đã khích lệ Thao Giang và các đồng nghiệp, cộng sự tiếp tục phát huy tác dụng của hát xẩm và thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm do ông làm Phó Giám đốc (về sau là Giám đốc).

Đến thăm những lớp học của Trung tâm, chứng kiến nhiều học sinh trong đó có không ít bạn trẻ, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ Thao Giang đã dày công củng cố và phát triển sự nghiệp. Nhưng ông kể rằng để có được thành quả, cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng như đã phải đầu hàng. Không phải ai cũng ủng hộ. Có người trong giới âm nhạc còn cho ông là... hâm khi từ bỏ chức phó Khoa ở Nhạc viện Hà Nội để về lo phục hồi, phát triển môn hát xẩm. Thời gian đầu khi chưa ai biết đến Trung tâm, Thao Giang cùng các cộng sự còn phải bỏ tiền túi ra để lo liệu nhiều việc.

Thao Giang là người có tài, trí, lại có tâm và sống giản dị, đồng hòa, dễ gần. Thấy NSƯT Quang Phác có hoàn cảnh khó khăn, ông đã mời người ca sĩ này đến Trung tâm luyện giọng cho các học sinh để có thêm thu nhập mặc dù Trung tâm ở ngay gần Nhạc viện, có thể mời được nhiều giảng viên thuận tiện. Một lần ông mời tôi đến thăm, nói chuyện cho học sinh và các thành viên của Trung tâm nghe. Tôi nhận lời. Ông nói sẽ đến đón bằng xe máy vì không có ô tô. Tôi nói không cần phiền hà như vậy, sẽ tự đến. Ông đích thân chuẩn bị loa, đài, âm thanh rất chu đáo.

Thao Giang cũng sáng tác ca khúc. Ông cho tôi nghe (hát miệng chứ chưa thu âm) một số bài và cần tôi góp ý. Ông nói: "Mình không có ý công bố ca khúc. Chỉ là thích viết. Nhưng phải nghe được, có chất lượng nên Nguyễn Đình San phải nói thật ý nghĩ, không được khen đại, cổ vũ, cho đi máy bay khiến mình ngộ nhận". Ông đã nói thế thì tôi góp ý thẳng thắn. Ca khúc của ông rất được, bài nào cũng thấm đẫm chất liệu dân gian, nghe rất "vào" tai. Chỉ có điều, cần trau chuốt thêm về ca từ và thay đổi tiết tấu ở một số bài cần thiết.

Ông nói với tôi: "Chỉ có anh là góp ý như vậy, còn thì đều khen. Tôi biết họ khen chiếu lệ nên rất cảm ơn anh". Và ông kéo bằng được tôi ra quán để thù tạc. Ông tâm sự, chuyện trò đủ điều. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là nỗi đau đáu, canh cánh về sự phát triển của âm nhạc truyền thống, của cây đàn nhị, các làn điệu như xẩm, trống quân, cò lả... Ông cho rằng rồi đây những người am hiểu và tâm huyết với âm nhạc truyền thống sẽ lần lượt ra đi. Không hiểu các thế sau có còn biết, ưa thích và chịu khó bảo tồn, phát triển?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nguoi-ra-di-tieng-dan-o-lai-i712447/