Người sắp thay thế Thủ tướng Đức Olaf Scholz là ai?
Dù chưa từng giữ chức vụ trong chính phủ, ông Friedrich Merz chuẩn bị trở thành thủ tướng Đức kế nhiệm, trong bối cảnh quốc gia đóng vai trò dẫn dắt châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và ngoại giao lớn nhất trong nhiều thập kỷ, và Liên minh châu Âu đang chờ đợi thế hệ lãnh đạo mới trong kỷ nguyên căng thẳng với Mỹ.

Lãnh đạo Friedrich Merz dự kiến sẽ trở thành thủ tướng Đức kế nhiệm. (Ảnh: AP)
Các cuộc thăm dò cho thấy ông Friedrich Merz, một chính trị gia theo đường lối bảo thủ, đang dẫn trước Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz với khoảng cách khá xa trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 23/2. Ông cũng dẫn trước đối thủ là đại diện đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD) 8 điểm.
Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, đây sẽ là bước ngoặt lớn đối với người đàn ông 69 tuổi, vì mới 7 năm trước ông vẫn bị coi là một chính trị gia thất bại. Ông từng chấp nhận kết thúc sự nghiệp của mình với tư cách là người vận động hành lang và là thành viên của nhiều hội đồng quản trị công ty.
Ông Merz là học trò của cố Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble – biểu tượng của chủ nghĩa bảo thủ tài chính Đức. Ông phát triển sự nghiệp trong đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, trở thành lãnh đạo của đảng trong quốc hội hồi những năm 2000.
Là người cao ráo và có giọng nói vang, ông Merz trở thành hình mẫu hoàn hảo trong đảng vào năm 1989, khi ông lần đầu tiên ông trở thành nghị sĩ.
Sinh ra ở Sauerland, một vùng cao nguyên Công giáo nằm ở cực tây nước Đức, nơi nổi tiếng với chủ nghĩa bảo thủ xã hội và cộng đồng làng xã gắn bó chặt chẽ, ông Merz đã thể hiện nhiều đức tính của người dân vùng Tây Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ, với tư tưởng đề cao tinh thần kinh doanh và bảo thủ xã hội.
Tuy nhiên, nước Đức thống nhất vào năm 1990 đã đưa bà Angela Merkel – con của một mục sư Tin lành ở Đông Đức vào chính trường, sau đó gạt cả hai ông Schaeuble và Merz sang một bên trong quá trình bà lên nắm quyền thủ tướng.
Phía đông vẫn là điểm yếu của ông Merz. Một cuộc thăm dò do Forsa thực hiện và công bố ngày 21/2 cho thấy ông vẫn nhận được ít tin tưởng ở miền đông hơn miền tây đất nước.
Miền đông cũng tạo ra thách thức lớn nhất đối với quyền lực của ông Merz khi dành nhiều ủng hộ cho AfD. Đảng cực hữu này đã chiến thắng trong cuộc bầu cử khu vực ở miền đông vào năm ngoái, và vẫn có thể hạn chế đáng kể khả năng điều hành của ông Merz sau cuộc bầu cử năm nay.
Chưa bao giờ được các cố vấn chuyên môn của đảng ủng hộ, vì vậy ông Merz từng hai lần bị từ chối cơ hội trở thành người kế nhiệm bà Merkel để lãnh đạo đảng, vào các năm 2018 và 2021. Tuy nhiên, sự kiên trì đã giúp ông giành chiến thắng vào năm 2022.
Ông nhậm chức với cam kết sẽ loại trừ AfD, bằng cách từ bỏ chủ nghĩa trung dung của bà Merkel và đưa đảng này tiến về cánh hữu. AfD chỉ được 10% ủng hộ khi ông Merz trở thành lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, nhưng nay đã giành được 21%, chỉ kém đảng của ông 9 điểm.
"Tôi muốn làm chính trị để một đảng như AfD không còn cần thiết ở Đức nữa", ông Merz phát biểu trước đại hội của đảng mình vào tháng 1 vừa qua. Ông cáo buộc đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholz và đối tác đảng Xanh đã tạo điều kiện nuôi dưỡng AfD.

Những người ủng hộ CDU chào mừng ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng Friedrich Merz tại sự kiện vận động tranh cử của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo tại Oberhausen, ngày 21/2. (Ảnh: AP)
Vai trò trong kỷ nguyên Trump
Hồi tháng 1, khi đối mặt với hai vụ giết người nghiêm trọng mà người nhập cư là nghi phạm chính, ông Merz đã xoay xở để quốc hội thông qua nghị quyết siết chặt nhập cư, dù chỉ có thể đạt được điều này bằng cách dựa vào ủng hộ của AfD. Những người chỉ trích ông coi việc bắt tay với AfD là điều không thể tha thứ. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc.
Một số người cho rằng hành động này cho thấy sự nhạy bén về chiến lược của ông Merz không phù hợp với các kỹ năng chiến thuật đã giúp ông liên tục ghi điểm trước ông Scholz. Đó là chuyến thăm Kiev vào năm 2022, phơi bày sự do dự của thủ tướng đương nhiệm trong việc ủng hộ Ukraine. Sau đó là việc không chấp nhận thỏa hiệp về kế hoạch ngân sách, dẫn đến chuỗi sự kiện khiến chính phủ của Thủ tướng Scholz sụp đổ.
Nghị quyết về nhập cư gây ra cảm giác ngờ vực và làm dấy lên lo ngại ông Merz có thể gặp khó khăn khi thuyết phục các đảng khác trong liên minh cầm quyền - điều cần thiết trong hệ thống bầu cử của Đức.
Một số người cho rằng quan điểm chính trị và kỹ năng đàm phán được mài giũa sẽ giúp ông Merz trở thành người lãnh đạo phù hợp của nước Đức trong kỷ nguyên Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang chao đảo.
Nếu nhậm chức, ông Merz sẽ là thủ tướng đầu tiên có con và là thủ tướng đầu tiên chưa từng ly hôn kể từ khi ông Helmut Kohl rời nhiệm sở năm 1998.
Ông Merz đã rất chăm chỉ xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có một số người mong chờ việc chấm dứt chính phủ chia rẽ và thiếu quyết đoán của Thủ tướng Scholz.
Tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước, ông Merz đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu, họp với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới có thể phải chờ đợi khá lâu. Các cuộc thăm dò cho thấy khi quốc hội có tới 7 đảng, Đức có thể sẽ phải trải qua nhiều tháng đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền, trước khi ông Merz chính thức bước vào phủ thủ tướng ven sông Berlin.