Người say mê làm bonsai từ dây đồng

Hơn 10 năm qua, anh Lê Duy Đức, Tiểu khu 16, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) đã say mê tìm tòi, sáng tạo nên những tác phẩm cây cảnh bonsai bằng dây đồng độc đáo, lạ mắt. Anh là người đầu tiên ở Sơn La thành công với loại hình nghệ thuật này.

Anh Lê Duy Đức, Tiểu khu 16, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) chế tác tác phẩm bonsai từ dây đồng tại xưởng của gia đình.

Anh Lê Duy Đức, Tiểu khu 16, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) chế tác tác phẩm bonsai từ dây đồng tại xưởng của gia đình.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Duy Đức, ngôi nhà nhỏ ngay cạnh đường liên xã Hát Lót – Tà Xa, phần lớn không gian trong nhà được anh tận dụng để trưng bày các tác phẩm bonsai từ dây đồng, với đầy đủ kích thước, màu sắc, hình dáng khác nhau. Vừa chỉnh sửa một tác phẩm bonsai vừa nói chuyện với chúng tôi về niềm đam mê lĩnh vực này, anh Đức chia sẻ: Nghệ thuật bonsai từ dây đồng có nguồn gốc từ Nhật Bản, sau đó được phổ biến sang Trung Quốc và Hàn Quốc, với tên gọi “bonsai handmade”. Ở Việt Nam, trào lưu làm bonsai bằng dây đồng mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Năm 2008, tôi được một người bạn đi du học ở Nhật Bản về nước tặng một tác phẩm bonsai từ dây đồng. Nhận thấy đây là tác phẩm nghệ thuật khá kỳ công, đẹp, đòi hỏi sự sáng tạo, tôi tìm đọc trên sách báo, mạng internet về làm bonsai dây đồng, sau đó bắt tay làm những tác phẩm đầu tiên.

Điểm đặc biệt của bonsai dây đồng là vật liệu chỉ có một màu đồng, nên nhiều tác phẩm cần xử lý màu để tác phẩm đẹp và hài hòa. Với đặc tính dẻo và dễ biến dạng, nên trong quá trình tạo tác đòi hỏi nghệ nhân phải tỷ mỷ định hình các chi tiết.

Theo anh Đức, để tạo tác một sản phẩm bonsai cần thực hiện các công đoạn: Lên ý tưởng, chọn nguyên liệu, dựng demo, làm thô, chế tác, chỉnh sửa… Một cây bonsai dây đồng đẹp không chỉ ở cách phối màu sắc mà tác phẩm làm ra phải có hồn, có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng đủ các yếu tố "cổ, kỳ, mỹ". Đồng thời, phải tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật từ bộ đế, thân cây, cành cây, đúng dáng bonsai, như: Trực, nghiêng, hoành, huyền... Hiện nay, theo xu thế của thị trường, người làm bonsai dây đồng còn có thể sử dụng các loại nguyên liệu khác như: Hạt cườm, hạt thủy tinh, hạt pha lê, thạch anh, đá quý, các loại dây đồng có màu khác nhau để làm những sản phẩm riêng biệt, phù hợp với phong thủy và sở thích của khách hàng.

Mỗi năm, anh Đức tạo tác được từ 200 - 250 tác phẩm các loại, nhiều tác phẩm đạt đến trình độ nghệ thuật cao và ý nghĩa như: Hào khí dân tộc, tam long quần thụ, hương xưa… Giá bonsai dao động từ 200 - 500 nghìn đồng/sản phẩm mini; từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng/sản phẩm cỡ vừa và từ 20 - 100 triệu đồng/tác phẩm cỡ lớn… Hiện, 80% các sản phẩm của anh Đức làm ra được Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú (Trafuco - Hà Nội) đặt hàng tiêu thụ. Ngoài ra, một số sản phẩm được bán cho khách hàng trong nước thông qua trang Wed riêng và mạng xã hội. Từ bán các tác phẩm bonsai dây đồng, mỗi năm anh có thu nhập gần 300 triệu đồng.

Để sản phẩm bonsai dây đồng được nhiều người biết đến, nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Lê Duy Đức có dự định sẽ mở rộng diện tích nhà xưởng, thuê thêm nhân công và sáng tạo thêm các mẫu mới, nâng cao chất lượng sản phẩm chế tác để cung cấp cho thị trường nước ngoài.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nguoi-say-me-lam-bonsai-tu-day-dong-39535