Người tài năng vào công chức có mức lương lên đến hơn 58 triệu đồng/tháng
Sinh viên xuất sắc vào công chức được hưởng lương khởi điểm 13,7 triệu đồng; nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành được bổ nhiệm làm chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được hưởng lương hơn 58 triệu đồng/tháng.
Ngày 31/12, Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức - Bộ Nội vụ Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chính quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ là tiền đề, là điều kiện và cơ hội để các cơ quan, tổ chức, đơn vị đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, trong đó tập trung thu hút, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả, phát huy tối đa năng lực của người có tài năng trong khu vực công, cống hiến cho Tổ quốc và Nhân dân. Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức Nguyễn Tuấn Ninh
Đảng ta đã có nhiều văn bản thể hiện rất rõ chủ trương, quan điểm về thu hút, trọng dụng nhân tài, người có tài năng.
Từ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định khung chính sách đột phá, mạnh, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan khu vực công và bảo đảm đồng bộ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.
Tiến sĩ lương khởi điểm 17,55 triệu đồng
Ông Ninh cho hay, Nghị định lần này quy định rõ các chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công.
Cụ thể, chính sách ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức áp dụng hình thức xét tuyển vào công chức viên chức (CCVC) đối với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương phải ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng thu hút đối tượng này.
Hay như chính sách tiếp nhận vào công chức, viên chức (CCVC) đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, trong độ tuổi lao động.
Nghị định cũng quy định chính sách trợ cấp thu hút lần đầu sau tuyển dụng. Cụ thể, sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm CCVC thì ngoài việc được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, còn được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng.
Theo đó, mức tiền lương cơ bản (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp có trình độ đại học được hưởng lương 13.700.000đ/tháng (2,34 × 2.340.000 × 250%); trình độ thạc sĩ được hưởng lương 15.620.000đ/tháng (2,67 × 2.340.000 × 250%); trình độ tiến sĩ được hưởng lương 17.550.000đ/tháng 3,0 × 2.340.000 × 250%).
Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam khi tuyển dụng vào CCVC được bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch tương ứng với vị trí việc làm được bố trí (bao gồm cả chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương) và được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 300% mức lương hiện hưởng.
Theo đó, mức tiền lương cơ bản thấp nhất (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên chính hoặc tương đương được hưởng là 41.184.000đ/tháng (4,40 × 2.340.000 × 400%); trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được hưởng là 58.032.000đ/tháng (6,20 × 2.340.000 × 400%).
Trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện việc ký hợp đồng lao động thì cho phép người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương quyết định mức thù lao trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đối với người có tài năng của bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.
Ngoài ra căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, huy động nguồn lực theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách đối với người có tài năng, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương được bổ sung chính sách hỗ trợ khác đối với người có tài năng.
Ưu tiên lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo
Nghị định cũng quy định chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tuyển dụng vào CCVC được xem xét, ưu tiên lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực công tác ở trung ương và địa phương.
Những cán bộ khoa học có năng lực nghiên cứu được tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực được giao chủ trì các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên.
Họ còn được xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương nếu trong thời hạn 5 năm kể từ khi được tuyển dụng được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 2 năm trở lên được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, cho phép cơ quan có thẩm quyền được đặc cách bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí vào các vị trí việc làm có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương.
Trường hợp chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc tiêu chuẩn vị trí việc làm thì được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức viên chức tạo điều kiện để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện (tập trung vào năng lực làm việc, tạo ra sản phẩm cụ thể, hiệu quả).
Một chính sách đáng chú ý nữa là chính sách hỗ trợ đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài.
Cụ thể họ được tạo điều kiện đơn giản hóa giấy tờ và cấp thị thực, giấy cư trú, giấy phép lao động tại Việt Nam; tạo điều kiện, hỗ trợ thành viên gia đình về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Họ được cấp thị thực nhiều lần hoặc thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng với thời gian ký kết hợp đồng lao động với cơ quan, đơn vị theo quy định (đối với cả thành viên gia đình).
Ngoài ra, nghị định này cũng quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng; chính sách về điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc.