Người Tày ở Ia Trốk giữ gìn làn điệu hát then

Đã 40 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn vào Gia Lai lập nghiệp, nhưng những người Tày ở thôn Kơ Nia (xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) vẫn giữ gìn làn điệu hát then của dân tộc mình như một cách lưu giữ hồn quê trên vùng đất mới.

 Bà Lâm Thị Keo (bìa phải) và bà Nông Thị Cười luyện tập hát then, đàn tính. Ảnh: V.C

Bà Lâm Thị Keo (bìa phải) và bà Nông Thị Cười luyện tập hát then, đàn tính. Ảnh: V.C

Thôn Kơ Nia hiện có 210 hộ, trong đó, dân tộc Tày chiếm tới 90%. Họ là những người con từ vùng đất Cao Bằng, Lạng Sơn vào đây lập nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước. Cuộc sống khó khăn nên có một khoảng thời gian, điệu hát then vắng bóng trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây.

Khi cuộc sống ổn định hơn, cộng đồng người Tày ở đây đã bắt tay khôi phục nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Những cây đàn tính, chùm sóc nhạc đặt mua từ miền Bắc gửi vào. Buổi tối, các bà, các mẹ cùng nhau tập luyện, cất lên điệu then say đắm, mượt mà, sâu lắng. Những đôi bàn tay chai sạn, rám nắng dần trở nên mềm mại, giọng ca ngân lên khúc nhạc ngọt ngào.

Ở tuổi 65, bà Lâm Thị Keo vẫn là “hạt nhân” của phong trào văn hóa-văn nghệ tại địa phương. Bà không chỉ hát then hay mà còn có ngón đàn tính điêu luyện. Bà cho hay: Theo quan niệm dân gian, “then” có nghĩa là “thiên” (trời), hát then là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then vừa là một loại hình văn nghệ dân gian, vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian.

Thực hành then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy, hầu hết phụ nữ Tày ở Cao Bằng đều biết đánh đàn tính, hát then từ nhỏ. Vốn có năng khiếu âm nhạc cùng giọng hát hay, từ khi lên 10 tuổi, bà đã có thể tự tin trình diễn những làn điệu then ngọt ngào, say đắm.

Ngày ấy, hành trang đi xây dựng vùng kinh tế mới của bà Lâm Thị Keo chỉ có mấy bộ đồ và cái xoong nhỏ để nấu cháo cho con. Cuộc sống khó khăn khiến bà tạm gác đam mê để tập trung lao động kiếm sống. Khi các địa phương tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thì ký ức về điệu hát then cùng cây đàn tính lại ùa về trong tâm trí bà.

Bà gọi điện về quê nhờ người thân đặt mua cây đàn tính và chùm sóc nhạc gửi vào. Đây là nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi bài hát then. Đàn được làm bằng vỏ quả bầu khô, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng cây dâu tằm. Tiếng hát then và đàn tính hòa quyện vào nhau, phản ánh tâm tư, tình cảm của con người, tạo nên giai điệu sâu lắng, ngọt ngào.

“Giá mỗi cây đàn tính khoảng 2 triệu đồng. Tôi dùng tiền tiết kiệm mua 3 cây đàn để tặng và dạy đàn cho chị em trong thôn. Mùa thuốc lá đến, con cháu thức đêm trông lò sấy thuốc, chúng xúm lại nài nỉ tôi đàn và hát then cho nghe.

Giữa đêm khuya tĩnh mịch, tiếng đàn tính cùng điệu then cứ thế vang vọng, gieo vào tâm trí mỗi người bao cảm xúc, làm lớn dần ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”-bà Keo trải lòng.

 Bà Lâm Thị Keo (bìa phải) và Nông Thị Cười cùng nhau trình diễn hát then-đàn tính tại hội thi văn hóa, văn nghệ phụ nữ các dân tộc huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Bà Lâm Thị Keo (bìa phải) và Nông Thị Cười cùng nhau trình diễn hát then-đàn tính tại hội thi văn hóa, văn nghệ phụ nữ các dân tộc huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Đồng hành cùng bà Keo trong các tiết mục biểu diễn hát then là bà Nông Thị Cười. Với bà Cười, việc lưu giữ làn điệu hát then được xem như một cách lưu giữ hồn quê trên vùng đất mới. Biểu diễn hát then, đàn tính trong các lễ hội cũng là một cách mà cộng đồng người Tày giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình đến với người dân và du khách gần xa.

Điều khiến những bậc cao niên như bà Keo, bà Cười trăn trở là sự phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc hiện đại khiến cho giới trẻ không còn mặn mà với văn hóa-văn nghệ truyền thống của dân tộc.

“Thôn chỉ có khoảng 10 người biết hát then, đánh đàn tính. Tất cả đều đã lớn tuổi. Vì vậy, mong ước lớn nhất của tôi là xã mở lớp dạy hát then, đàn tính cho các cháu thanh-thiếu niên. Tôi sẵn sàng đứng lớp trao truyền lại tất cả kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ”-bà Keo bày tỏ.

Còn chị Nông Thị Kim Cúc-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kơ Nia thì cho hay: Dù sinh ra và lớn lên ở Gia Lai nhưng chị luôn được nhắc nhớ vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mỗi lần nghe hát then, đàn tính hay xem múa sạp, chị luôn phấn chấn và tự hào.

Năm 2019, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là động lực để cộng đồng dân tộc Tày ở thôn Kơ Nia tiếp tục lưu giữ và phát triển vốn di sản quý giá này.

Thời gian tới, Chi hội Phụ nữ thôn Kơ Nia có kế hoạch thành lập Câu lạc bộ Hát then, đàn tính nhằm tạo không gian sinh hoạt vui tươi, tạo sức lan tỏa, qua đó bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên quê hương thứ 2.

Trao đổi với P.V, ông Rcom Dzuy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Trốk-cho biết: Người Tày ở thôn Kơ Nia vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có thể kể đến lễ tảo mộ trong Tết Thanh Minh, hát then, đàn tính, múa sạp…

Hàng năm, xã luôn tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn giao lưu, gặp gỡ nhằm tăng cường tình đoàn kết cũng như quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa các dân tộc; qua đó làm phong phú thêm đời sống văn hóa tại địa phương, thông qua các chương trình, hội thi, hội diễn văn hóa-văn nghệ vui tươi, đặc sắc.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-tay-o-ia-trok-giu-gin-lan-dieu-hat-then-post302357.html