Người tham gia bảo hiểm xã hội trước 1/7/2025 được hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Sáng 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), có hiệu lực từ 1/7/2025. Luật gồm 11 chương, 141 điều cùng 9 nhóm điểm mới.
9 nhóm điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Cụ thể, Luật quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
Thể hiện liên kết tầng trong hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng việc quy định chế độ trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian hưởng trợ cấp này, được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách nhà nước đóng.
Luật mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH như giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản.
Luật có riêng 1 chương để quy định quản lý thu, đóng BHXH; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng; Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; Quy định cụ thể hơn về đầu tư và quản lý quỹ BHXH, việc duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHXH.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính về BHXH, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và về đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH. Bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật cho biết, có ý kiến đề nghị cần xây dựng cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; nghiên cứu bỏ quy định giao địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, các nguồn lực xã hội để xây dựng chính sách riêng.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết để có thể xây dựng lộ trình giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cần có đánh giá tác động đầy đủ cả về kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước và tác động tổng thể đến việc khuyến khích người dân tham gia BHXH để khi về già có lương hưu. Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật đã quy định:“UBTVQH quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ”.
Không ảnh hưởng nhiều đến 18 triệu người đang tham gia BHXH
Về điều kiện hưởng BHXH một lần, do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả cho thấy, có 310/355 đại biểu Quốc hội cho ý kiến lựa chọn Phương án 1.
Do đó, căn cứ kết quả xin ý kiến, UBTVQH xin phép Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo Phương án 1, cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Theo đó, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia BHXH, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần.
Quy định như dự thảo cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta.
Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.
Phương án này, theo UBTVQH, bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia BHXH nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội. Phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW “giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí” và hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua.
Tuy có quy định về việc hưởng BHXH một lần, UBTVQH không mong muốn người lao động yêu cầu nhận BHXH một lần, mà cần tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Do đó, UBTVQH hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ để hỗ trợ người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp…; đẩy mạnh giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần…
Bỏ quy định hoãn xuất cảnh nếu chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các chế tài xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH theo hướng phân định rõ hành vi chậm đóng với hành vi trốn đóng để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của Luật, bảo đảm hài hòa với quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, để bảo đảm tránh chồng chéo, dự thảo Luật đã bỏ quy định áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam tại Điều 40 và Điều 41 của dự thảo Luật.