Người tham gia có thể thụ hưởng sau thời gian ngắn

Bộ LĐ-TB&XH vừa có Tờ trình về việc thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt. Theo đó, Bộ đề xuất bổ sung chế độ thai sản, ốm đau và trợ cấp gia đình/trẻ em vào các gói BHXH tự nguyện hiện hành. Với ưu điểm ngắn hạn và linh hoạt, người tham gia các gói BHXH này có thể thụ hưởng sau thời gian ngắn chứ không phải chờ tới nhiều năm.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Tờ trình là việc cụ thể hóa Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Cụ thể, trên cơ sở đánh giá tình hình bối cảnh trong nước và quốc tế, quan điểm, mục tiêu xây dựng gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất bổ sung thêm 3 gói BHXH tự nguyện mới bên cạnh chế độ BHXH tự nguyện hiện hành. Gồm: Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản; Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau, Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung chế độ thai sản, ốm đau và trợ cấp gia đình/trẻ em vào các gói BHXH tự nguyện hiện hành. Ảnh minh họa

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung chế độ thai sản, ốm đau và trợ cấp gia đình/trẻ em vào các gói BHXH tự nguyện hiện hành. Ảnh minh họa

Trong đó, gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi về thai sản khi người lao động sinh con. Người lao động khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH một lần.

Ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động đang trong độ tuổi sinh đẻ, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm thì nhược điểm của gói này chính là khó cân đối về tài chính nên cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và không đảm bảo sự tham gia lâu dài, bền vững do có thể phát sinh lựa chọn ngược. Đặc biệt khi người lao động chuẩn bị mang thai mới tham gia, sau khi sinh con hưởng chế độ sẽ không tiếp tục tham gia BHXH.

Đói với gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Gói này BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau có ưu điểm là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có nhiều nguy cơ gặp rủi ro ốm đau, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, nhược điểm của gói chính là cần đến sự hỗ trợ (bù) của ngân sách Nhà nước (việc quy định người lao động đóng là không khả thi); mức độ thu hút phụ thuộc rất lớn vào mức trợ cấp được hưởng và mức độ thuận tiện trong thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ.

Ngoài 2 gói BHXH kể trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em.

Gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.

Ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có con dưới 6 tuổi, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Còn nhược điểm là cần sự đóng góp thêm của người lao động (1,5% và vẫn cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước (với quy định tỷ lệ đóng 1,5% khó đảm bảo khả năng cân đối do tỷ lệ đóng này được Tổ chức Lao động quốc tế tính toán trên giả định tham gia của phần lớn những người thuộc đối tượng).

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện là 437 nghìn người. Kết quả này được đánh giá là tăng vượt bậc, bởi số người tăng mới gần bằng cả 10 năm thực hiện chính sách này (nếu như năm 2008, cả nước có 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2018, con số này tăng lên 320.000 người và tính đến tháng 6-2019 là 420.000 người, tăng rất nhanh so với những năm trước đó). Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện này vẫn còn rất nhỏ nếu so với khoảng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức hiện nay.

Việc đề xuất thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện với những ưu điểm ngắn hạn và linh hoạt, người tham gia các gói BHXH này có thể thụ hưởng sau thời gian ngắn chứ không phải chờ tới nhiều năm được kỳ vọng sẽ thu hút thêm số người tham gia BHXH tự nguyện.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-tham-gia-co-the-thu-huong-sau-thoi-gian-ngan-169912.html