Người thành công bắt đầu từ ước mơ
Hành trình giành học bổng Chính phủ Australia đối với Đinh Thị Lý - một người khuyết tật vận động, là cả một chặng dài không dễ dàng.
Đinh Thị Lý, một người khuyết tật vận động hiện đang học Thạc sĩ ngành Quản lý Giáo dục, năm thứ 2 tại Đại học La Trobe (Australia). Trước khi đi du học, cô gái Nam Sách, Hải Dương là cử nhân Công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học Tự Nhiên – Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh.
Đang khởi nghiệp thành công dịch vụ online “Nữ Hoàng SEO” chuyên về dịch vụ website, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, viết bài PR, quảng cáo và marketing online, tạo việc làm cho một số người khuyết tật khác, Lý quyết định tạm dừng sau 7 năm hoạt động để hiện thực hóa ước mơ du học.
Vậy, điều gì thúc đẩy Lý – một người khuyết tật nỗ lực giành học bổng của Chính phủ Australia? Lý chia sẻ: “Mình cảm thấy nếu bản thân muốn làm được nhiều điều lớn lao hơn nữa, cống hiến cho cộng đồng nhiều hơn nữa thì cần phải bổ sung kiến thức, mở mang tầm nhìn”. Học bổng của Chính phủ Australia tuyển chọn ứng viên đa dạng ngành nghề, trong đó có lĩnh vực “Khởi nghiệp kinh doanh và sáng tạo đổi mới” rất phù hợp với lĩnh vực Lý đang theo đuổi.
Lý tâm sự: “Mình đến với học bổng Chính phủ Australia bắt đầu từ ước mơ được đi du học, mong muốn vượt qua được giới hạn của bản thân. Thành công đối với nhiều người có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, nhưng đối với Lý thì “Thành công bắt đầu từ ước mơ". Lý đã viết ra ước mơ và lập kế hoạch từng bước chinh phục nó. Vượt lên mọi khó khăn và phải nỗ lực vượt bậc với môn tiếng Anh – vốn không phải là thế mạnh, Lý đã giành được học bổng ngay lần đầu tiên nộp hồ sơ.
Hành trình giành học bổng Chính phủ Australia đối với Đinh Thị Lý là cả một chặng dài không dễ dàng. Được bố mẹ, gia đình ủng hộ hết mình, Lý đã tìm được một người đã đạt được học bổng cùng lĩnh vực khởi nghiệp trước đó hỗ trợ tư vấn về hồ sơ, đồng thời học bỏ ra một năm để học tiếng Anh tại Đại học RMIT Vietnam. Khi đó, bố mẹ Lý đã phải chuyển vào ở tại TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ con gái.
Học bổng của Chính phủ Australia có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Lý, là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời cô gái giàu ước mơ, nhiều khát vọng. Nó đã mở ra cho Lý một chân trời mới để mở mang tri thức. Đối với người khuyết tật như Lý, học bổng Chính phủ Australia còn tài trợ thêm chi phí cho ứng viên để chi trả cho người chăm sóc Lý trong suốt thời gian học tại Australia, cung cấp phương tiện đi lại, thiết bị tiếp cận phù hợp.
Chăm chỉ và quyết tâm thì việc gì cũng có thể làm được - Lý bảo thế. Ngay khi còn là sinh viên, Lý đã làm nhiều công việc bán thời gian, làm việc online, giảng dạy online, nhận dự án online. Với thành tích học tập và nghị lực vươn lên, Lý đã giành được kha khá học bổng như: Gương sáng học đường, học bổng khoa Công nghệ thông tin…
Và ngay từ năm hai đại học, Lý đã nung nấu quyết tâm khởi nghiệp. Lý kể: Từ thực tế và kinh nghiệm bản thân, Lý thấy rằng, người khuyết tật tìm kiếm công việc với mức lương hấp dẫn là rất khó. Cho nên, thay vì đi xin việc, Lý đã tự tạo công việc cho bản thân mình và một số người khác nữa, tự chủ động cuộc sống, tự quyết định cách tích lũy tài chính.
Lý là một trong những người trực tiếp lên kế hoạch dự án giảng dạy online về lĩnh vực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và tìm kiếm công ty tài trợ để giảng dạy cho gần 100 người khuyết tật. Lý đặt mục tiêu và lập kế hoạch nghỉ hưu sớm trong độ tuổi 30. Sau đó sẽ rẽ sang một con đường mới, cống hiến và phục vụ cộng đồng nếu đủ sức khỏe.
Là một người khuyết tật vận động nặng, Lý gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Lý buồn nhất là không thể tham gia các hoạt động đòi hỏi sự năng động. Thế nhưng Lý đã cố gắng tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều nhất có thể để hòa nhập, mạnh dạn và tự tin hơn. May có bố mẹ rất mực thương yêu, trợ giúp con gái trong mọi hoàn cảnh. Đó là điều Lý thấy may mắn nhất. Và đó cũng chính là động lực để Lý cố gắng mỗi ngày.
Lý kể: Tại Australia, người khuyết tật được hỗ trợ khá toàn diện. Mỗi trường đều có kế hoạch học tập, xem xét những khó khăn và những vấn đề của từng dạng khuyết tật để có kế hoạch học tập tiếp cận nhất. Lý thích nhất là mọi đường đi đều tạo dốc thoai thoải cho xe lăn hoặc xe scooter đi lại. Các tầng lầu có thang máy, nên sinh viên khuyết tật có thể chủ động hòa nhập. Thư viện thì có phòng học tập tiếp cận riêng với bàn, ghế có thể điều chỉnh độ cao. Đường đi bộ, công trình công cộng, siêu thị, địa điểm du lịch nào tại Úc cũng đều có lối đi cho người khuyết tật và người già yếu.
Hai năm học tập tại Australia, Lý có điều kiện thâm nhập thực tế và hiểu rõ hơn về nền giáo dục của nước Úc - một trong những nền giáo dục chất lượng cao, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật tiếp cận giáo dục cũng như trong cuộc sống.
“Một vấn đề nổi bật nhất ở Australia nói chung và trường đại học La Trobe nói riêng mà bản thân mình rất thích đó là khả năng tiếp cận toàn diện đối với người khuyết tật trong học tập và khi hòa nhập cộng đồng” – Lý chia sẻ.
Sau khi học xong, Lý dự định sẽ tìm hiểu và tham gia các hoạt động dành cho các cựu sinh viên để học hỏi thêm kinh nghiệm tái hòa nhập với công việc và cuộc sống tại Việt Nam và lên kế hoạch cho các dự án mà Lý đã ấp ủ từ lâu – đó là “Việc làm cho người khuyết tật”.
Hỏi về mong ước của mình khi trở về, Lý bảo không mong điều gì to tát cho riêng mình, chỉ mong: “Người khuyết tật được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội. Mong sao các tổ chức, doanh nghiệp hãy tuyển dụng người lao động là người khuyết tật và nhìn nhận người lao động khuyết tật thông qua kiến thức, kĩ năng, năng lực của họ thay vì chỉ nhìn vào khiếm khuyết và khó khăn của họ”.
Học bổng Chính phủ Australia là một phần quan trọng trong hỗ trợ của Australia dành cho sự phát triển kinh tế – xã hội hòa nhập của Việt Nam. Chương trình góp phần thúc đẩy sự tham gia và tiếp cận bình đẳng cho mọi đối tượng, bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, và người đến từ những vùng nông thôn khó khăn. Được biết, niên khóa tiếp theo sẽ bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/2 đến hết ngày 30/4/2024.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-thanh-cong-bat-dau-tu-uoc-mo-10269463.html