Người thắp ánh sáng cho Vua Mặt trời
'Vua Mặt trời' (Le Roi Soleil) Louis XIV được đông đảo dư luận, kể cả giới bình dân lẫn các nhà nghiên cứu hàn lâm xem là bậc minh quân vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp.
Song, cũng có thể, những ánh hào quang vĩnh cửu dưới triều đại của ông sẽ không bao giờ chói lọi đến thế, nếu thiếu đi sự đóng góp từ một bộ óc lạnh lùng và quyết đoán nhằm ổn định hệ thống tài chính Pháp quốc – Jean Baptise Colbert (29/8/1619 – 6/9/1683).
Cuộc cách mạng âm thầm
“Triều đại Louis XIV khởi đầu năm 1661 một cách khó khăn, bởi vì nước Pháp chỉ vừa bước ra khỏi một thế kỷ nội chiến do chiến tranh tôn giáo, nửa thế kỷ chiến tranh bên ngoài lãnh thổ - với việc hầu như toàn châu Âu chống lại Pháp, rồi hơn 4 năm loạn lạc gây chia rẽ đất nước lâu dài, vốn dĩ đã bị tàn phá nặng nề về mặt kinh tế. Do vậy, mối bận tâm chính của Colbert là vực dậy nền kinh tế nước Pháp” - Sử gia Philippe Minard từng phát biểu trên đài truyền hình Arte, trong loạt phim tài liệu mang tên “Sáng tạo hàng cao cấp theo kiểu Pháp”.
Đó là một sự đúc rút ngắn gọn, vắn tắt nhưng lại vô cùng mạch lạc và dễ hiểu, về nhiệm vụ cũng như những cống hiến phi thường của Jean Baptise Colbert.
Thực ra, với các độc giả yêu văn học Pháp, và nhất là những người hâm mộ Alexandre Dumas cha, cái tên Colbert cũng không phải là quá xa lạ. Nó đã được nhắc đến trong tập cuối “Tử tước De Bragelonne” (hay Mười năm sau nữa, nối tiếp phần Hai mươi năm sau) của bộ tiểu thuyết trường thiên “Ba người lính ngự lâm”. Trong đó, vai trò của Colbert – với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Pháp quốc – cũng đã được văn hào nhấn mạnh, dù chỉ qua vài dòng ngắn ngủi.
Thực tế, cống hiến lớn nhất của Jean Baptiste Colbert là gì? Là bằng mọi cách, tái thiết lập trật tự cho một hệ thống tài chính hỗn loạn, được tạo nên trong các “tiền triều” Henri IV hay Louis XIII (cha của Louis XIV) bởi những phương pháp quản lý kém cỏi, mà do đó, cũng thổi bùng những mâu thuẫn trong xã hội Pháp (với sự lớn mạnh dần của các tầng lớp thị dân – tiểu thương, để manh nha hình thành giai cấp tư sản).
Như đánh giá của trang web lịch sử quốc tế danh tiếng Britanica, “Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính Pháp quốc từ năm 1665, Colbert đã mang lại trật tự cho các hoạt động tài chính, cải cách hệ thống thuế hỗn loạn, tái tổ chức ngành công nghiệp và thương mại. Đồng thời, cũng kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Hải quân từ năm 1668, ông đã tiến hành đưa nước Pháp trở thành một cường quốc đại dương.
Ông cũng tìm cách thúc đẩy việc di cư đến Canada, cùng lúc nâng cao quyền lực và uy tín của nước Pháp trong lĩnh vực nghệ thuật. Mặc dù một loạt các cuộc chiến tranh đã ngăn cản việc thực hiện tất cả các cải cách của mình, nhưng ông đã củng cố chế độ quân chủ, cải thiện thành công nền hành chính công và nền kinh tế của đất nước, góp phần đưa Pháp trở thành cường quốc thống trị ở châu Âu”.
Có lẽ chúng ta cũng cần nhắc đến, trước Colbert, người tiền nhiệm đầy quyền lực Nicolas Fouquet là một dạng “ông trùm tham nhũng”. Do đó, viên gạch đầu tiên mà Jean Baptise Colbert phải đặt xuống con đường thành công của mình, không gì khác, là hạ bệ Fouquet. Tư tưởng của Colbert, bên cạnh đó, lại trùng khớp với tâm ý của Louis XIV – người mà từ thời thơ ấu đã phải chứng kiến bao nhiêu bất cập, cũng như kiềm chế tất cả những cơn giận dữ của mình trong một tình thế éo le của thời nhiễu nhương, khi mẹ mình là Nữ hậu Nhiếp chính Anna d’Autrise cùng Hồng y Tể tướng Julio Manzarini nắm trọn mọi quyền lực.
Cả Louis XIV lẫn Colbert đều không muốn thỏa hiệp với các cơ cấu cũ – các bậc đại công hầu với lãnh địa riêng, hay các nhà tài phiệt. Họ không hẹn, nhưng gặp nhau ở sự quyết liệt, được thể hiện rất rõ ngay trong việc tống giam Fouquet, đưa ra tòa đại hình (nơi mà Colbert tìm mọi cách tác động để bảo đảm rằng Fouquet sẽ bị giam cầm trong suốt 15 năm còn lại của cuộc đời sau đó), và bỏ lại chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính.
Có thực mới vực được đạo
Trong “Tử tước De Bragelone”, Alexandre Dumas để Colbert nói khá rõ ràng về mục tiêu cuộc “soán đoạt” của mình tại Bộ Tài chính Pháp, rằng ông muốn làm ngân khố Pháp quốc đầy ắp trở lại. Song, thực ra, trong lịch sử, câu nói hay được trích dẫn nhất của Colbert là đây: “Nghệ thuật đánh thuế, không gì khác, là việc nhổ được nhiều lông ngỗng nhất với ít tiếng kêu gào nhất”.
Đây chính là “kim chỉ nam” định hướng hành động của Colbert – người được xem là cha đẻ của chủ nghĩa trọng thương Pháp, và những cải cách về thuế của ông cũng là thành tựu rực rỡ nhất.
Từng là một thư ký thân tín của Hồng y Tể tướng Julio Manzarini, Jean Baptise Colbert hiểu rất rõ các góc khuất trong chế độ quân chủ Pháp thời điểm ấy. Một cách ngắn gọn, ông biết các dòng tiền rò rỉ ở đâu hay như thế nào. Đơn cử, khi nhận xét rằng “Mỗi lúc triều đình lập ra một trị sở thì ở các xứ ngay lập tức có những tên ngốc muốn mua trị sở đó”, Colbert nhắm thẳng vào tình trạng cát cứ phân quyền.
Song song, khi nhìn thấy nhiều người kiếm được lợi nhuận kếch sù từ các khoản cho vay và ứng trước vào kho bạc nhà nước, Colbert đã thành lập các tòa án để buộc họ phải trả lại một phần lợi nhuận của mình. Điều làm giảm bớt nợ công, vốn đã giảm khá mạnh sau quyết định thoái vốn một số trái phiếu chính phủ và hoàn trả không tính lãi cho những trái phiếu khác. Vận mệnh của một số doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng, nhưng không có bất kỳ xáo trộn lớn nào xảy ra sau đó, trong khi uy tín của nhà vua được khôi phục.
Những nỗ lực tiếp theo của Colbert là cải cách hệ thống thuế khóa hỗn loạn, một di sản của thời Trung Cổ: Nhà vua thu được phần lớn thuế của mình từ một loại thuế riêng, thu thuế thân ở một số địa phương, và lại thu thuế đất hay thuế lợi tức ở các quận huyện khác. Vài nơi, các quan chức hoàng gia được giao trách nhiệm phân bổ và thu thuế, nhưng ở vài nơi khác, điều này lại được bỏ phiếu bởi các đại diện. Nhiều người, bao gồm cả tầng lớp tăng lữ và quý tộc, được miễn thuế hoàn toàn.
Do đó, Colbert quyết định đánh thuế tất cả những ai có nghĩa vụ nộp thuế chính đáng. Từ điểm này, việc xem xét lại các danh hiệu quý tộc cũng được bắt đầu thực hiện, nhằm truy thu số thuế bị gian lận. Trong khi đó, ông cũng cố gắng phân bổ các mức thuế công bằng hơn, và đã ra tay trấn áp nhiều vụ lạm thu. Những cải cách này và sự giám sát chặt chẽ được thực hiện đã khiến các khoản tiền lớn đổ vào ngân khố.
Colbert cũng đã cống hiến năng lượng vô tận để tổ chức lại công nghiệp và thương mại. Ông tin rằng để tăng cường quyền lực của Pháp, điều cần thiết là phải tăng tỷ trọng của Pháp trong thương mại quốc tế. Colbert khuyến khích người lao động nước ngoài mang các kỹ năng của họ sang Pháp. Ông dành đặc quyền cho một số ngành công nghiệp tư nhân và thành lập các công ty nhà nước. Để đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, ông thiết lập các quy định đối với mọi loại hình sản xuất và đưa ra các hình phạt nghiêm khắc (phạt tiền và cấm vận) đối với hành vi làm hàng giả hay hàng kém chất lượng.
Ông khuyến khích việc thành lập các công ty đóng tàu và cố gắng giành độc quyền cho thương mại của Pháp ở nước ngoài thông qua việc hình thành các công ty thương mại. Các công ty Đông Ấn và Tây Ấn của Pháp, được thành lập vào năm 1664, tiếp theo là các công ty khác để buôn bán với đông Địa Trung Hải và với Bắc Âu.
Xét đến những trở ngại phải vượt qua, thành công của Colbert càng trở nên vĩ đại: Nâng cao sản lượng của các nhà máy, mở rộng thương mại, thiết lập các ngành công nghiệp lâu dài mới; phát triển thông tin liên lạc bằng đường bộ và nước trên khắp nước Pháp.
Có Colbert lo củng cố “quốc lực”, Louis XIV trở nên “dư dả”, để không chỉ động binh không ngừng, mà còn tự biến triều đình Pháp ở Versailles thành chuẩn mực “ăn chơi” của toàn giới quý tộc châu Âu. Dĩ nhiên, điều này liên tục tạo nên áp lực, và đến cuối triều đại “Vua Mặt trời”, nền tài chính Pháp cũng nhanh chóng trở lại trạng thái kiệt sức. Song, dù thế nào, khi còn sống, Colbert cũng đã giúp triều đại ấy thực sự huy hoàng.