Người thầy của học trò nghèo

Bố mất sớm, thầy Kha Thanh Liêm – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Hòa A, ấp Ô Bắp, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) sống với mẹ và cô ruột bằng nghề buôn bán nhỏ, cuộc sống đầy khó khăn. Nhìn bạn bè cùng cảnh ngộ, thầy Liêm tự nhủ, lớn lên sẽ làm nhà giáo để giúp những đứa trẻ khó khăn như mình được đến trường, học chữ.

Thầy Liêm đưa học trò đi trải nghiệm tại Trường ĐH Trà Vinh. Ảnh: TG

Thầy Liêm đưa học trò đi trải nghiệm tại Trường ĐH Trà Vinh. Ảnh: TG

Tâm huyết của người thầy

Gia đình khó khăn, Thanh Liêm nghĩ phải phấn đấu học tập, rèn luyện để vào học sư phạm. Giấc mơ thành hiện thực, học xong sư phạm, năm 1996, thầy Liêm được phân công về dạy tại Trường cấp 2, 3 Châu Thành, huyện Châu Thành (Trà Vinh), nay là Trường THPT Vũ Đình Liệu.

Qua nhiều vị trí công tác, năm 2010, thầy được chuyển công tác và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS và THPT Lương Hòa A, thuộc ấp Ô Bắp, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành. Đây là địa bàn thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, có nhiều học trò nghèo, các hộ gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông, làm thuê, thu nhập bấp bênh.

Trải qua những bỡ ngỡ ban đầu khi làm công tác quản lý, ở vị trí mới, thầy Liêm bắt tay vào xây dựng ngôi trường khang trang, “Xanh – Sạch – Đẹp”, có nhiều học trò chăm ngoan học giỏi, giúp ích cho xã hội sau này. Thầy Liêm cho rằng: Để xây dựng ngôi trường hạnh phúc, cần có sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó, người thầy đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của nhà trường, học sinh.

“Ý thức được điều đó, tôi quyết tâm xây dựng kế hoạch với nhiều nguồn lực từ bên trong lẫn bên ngoài để phát triển nhà trường toàn diện, bắt đầu từ việc xây dựng Đề án phát triển Trường THCS và THPT Lương Hòa A, đạt chuẩn giai đoạn 2020 – 2025”, thầy Liêm chia sẻ.

Thầy Liêm kể: Trước tiên, tôi phát động trong tập thể giáo viên và các mạnh thường quân thực hiện mô hình “3 đủ”, nhằm giúp học sinh nghèo, học sinh diện “thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở” của trường có điều kiện được tiếp tục học tập vươn lên; tạo sự đoàn kết gắn bó thân thiện giữa giáo viên và học sinh; đồng thời giúp cho tôi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các em một cách kịp thời để quản lý lớp tốt hơn.

Thầy Liêm tư vấn cho học trò chọn ngành, trường đại học. Ảnh: TG

Thầy Liêm tư vấn cho học trò chọn ngành, trường đại học. Ảnh: TG

Hết lòng vì học sinh

Thầy Liêm tâm sự: Muốn nâng cao, giữ vững chất lượng dạy học và các hoạt động trong trường phải ổn định sĩ số, phải huy động được nguồn lực vật chất và tinh thần để hỗ trợ học sinh nghèo, qua đó phối hợp gia đình các em thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài.

Nhà trường xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự “ đột phá”. Sau khi nghiên cứu, học tập cách làm hiệu quả của trường bạn và vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh trường mình, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường thống nhất thực hiện mô hình “3 đủ” để gây quỹ khuyến học, khuyến tài: “Hũ gạo tình thương”, “Ngôi nhà tình bạn”, “Nuôi heo đất”, “Đỡ đầu học sinh khó khăn”… nhằm giúp trò nghèo vượt khó.

“Mô hình “3 đủ” phát triển thành một trong những phong trào thi đua chính thức của trường”, thầy Liêm vui vẻ nói, đồng thời cho biết: Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, tập thể cán bộ, GV, công nhân viên của trường phối hợp với các ngành, đoàn thể của xã, Ban đại diện cha mẹ HS, tổ chức xã hội, mạnh thường quân cùng tham gia thực hiện tốt việc bảo đảm “3 đủ” để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập.

Ngoài ra, trường còn vận động mỗi cán bộ, GV, công nhân viên của trường ngay từ đầu năm học đăng ký giúp đỡ ít nhất 1 học sinh khó khăn về vật chất, có học lực yếu kém trong học tập, em mồ côi, gặp trở ngại trong cuộc sống, thiếu sự quan tâm của gia đình…

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm xuống còn 1%, học sinh tốt nghiệp THCS: 100%; tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh lớp 12 ở tốp cao của tỉnh, trong số này đỗ vào các trường đại học từ 70% - 80%. Trường được công nhận là trường học văn minh, an toàn trật tự. Thầy Liêm cũng nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu thi đua.

Là thầy giáo, người quản lý giỏi phải được học sinh, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh tin tưởng, yêu quý và kính trọng đó là niềm tự hào, hạnh phúc nhất. Đó là phần thưởng cao quý nhất mà học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh đã dành cho tôi. Thầy Kha Thanh Liêm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nguoi-thay-cua-hoc-tro-ngheo-bE8LcxNMg.html